Trung Quốc đưa ra chính sách mới cho phép công dân sinh con thứ ba, nhưng trên thực tế rất ít bậc cha mẹ ở nước này muốn sinh con thứ hai kể từ khi chính phủ đưa ra chính sách cho phép sinh hai con vào năm 2016.
Suốt một thời gian dài, chính phủ Trung Quốc đã thuyết phục các cặp vợ chồng rằng “một con là đủ”. Sau đó, từ năm 2016, công dân bắt đầu được phép sinh con thứ hai. Và đến bây giờ, cuối cùng, họ có thể được phép sinh con thứ ba. Vào ngày 31/5, tại cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc do ông Tập Cận Bình chủ trì, các lãnh đạo cấp cao nhất cho rằng, việc nới lỏng hơn nữa các quy định về kiểm soát sinh đẻ sẽ giúp Trung Quốc hoàn thành mục tiêu “chủ động đối phó với dân số già”.
Kết quả điều tra dân số mới nhất, được công bố vào ngày 11/5, nêu ra
tình trạng đáng báo động: chỉ có 12 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra vào năm ngoái ở Trung Quốc, giảm gần 20% so với năm 2019 và là mức tăng dân số thấp nhất của nước này kể từ nạn đói những năm 1960.
Tốc độ tăng dân số trung bình hằng năm của Trung Quốc trong thập kỷ qua là 0,53%, giảm so với mức 0,57% được ghi nhận trong giai đoạn 2000 - 2010. Đây là tốc độ tăng thấp nhất kể từ đầu những năm 1960, khi nạn đói khiến dân số giảm.
“Tin vui”
Vẫn chưa rõ chính xác thời điểm chính sách ba con có hiệu lực. Nhưng trên mạng xã hội, nhìn chung, người dân Trung Quốc không tỏ ra hào hứng khi biết về chính sách này. Một cư dân bình luận mạng trên mạng xã hội Weibo: “Họ chưa biết rằng hầu hết những người trẻ tuổi đang kiệt sức để nuôi sống bản thân hay sao?”. “Chính sách này hoàn toàn không phù hợp với người dân”, một người khác viết trong một cuộc thăm dò trực tuyến về vấn đề sinh con thứ ba của Tân Hoa xã. Trong cuộc thăm dò này, chỉ 5% số người được hỏi cho biết họ sẽ sinh con thứ ba. Hầu hết những người khác trả lời “không hề có ý định”. Ít nhất 31.000 người đã tham gia cuộc khảo sát trước khi nó bị gỡ xuống.
Vẫn có những lý do để cổ vũ cho chính sách mới. Dù sao đây là một điều may mắn cho những bậc cha mẹ muốn sinh con thứ ba mà không muốn bị phạt tiền, hoặc bị cho thôi việc trong trường hợp là công chức. Đáng chú ý nhất, chính sách mới này là tín hiệu từ giới lãnh đạo cho thấy Trung Quốc đang “chuyển sang hệ thống chính sách mang tính hỗ trợ sinh sản”, theo James Liang ở Đại học Bắc Kinh. Liang dự đoán chính phủ sẽ "rất sớm" loại bỏ hoàn toàn hạn ngạch sinh đẻ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc không loại bỏ hạn ngạch ngay bây giờ? Với 1,3 trẻ em trên một phụ nữ, tổng tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã nằm trong số thấp nhất thế giới; thấp hơn mức cần thiết là 2,1 để giữ cho dân số không giảm dần theo thời gian. Năm 2012, sau khi liên tục tăng trong 50 năm, nguồn lao động của Trung Quốc bắt đầu thu hẹp lại. Các quan chức Trung Quốc ước tính tổng dân số sẽ sớm đạt đỉnh trong vài năm tới, sớm hơn gần một thập kỷ so với dự đoán của một số cố vấn chính phủ. Bộ Chính trị Trung Quốc cho biết sẽ khuyến khích sinh đẻ, chẳng hạn như có chính sách trợ cấp, mở ra các cơ sở chăm sóc trẻ em tốt hơn, tăng quyền lợi thai sản và giảm chi phí giáo dục, đồng thời hứa sẽ "bảo vệ quyền làm việc của phụ nữ".
Vấn đề cốt lõi hơn
Nhưng thực tế là có rất ít bằng chứng cho thấy các chính sách kiểm soát sinh đẻ là yếu tố chính kìm hãm các cặp vợ chồng. Khi Trung Quốc nới lỏng chính sách một con cách đây 6 năm, chính phủ đã hy vọng xảy ra một cuộc "bùng nổ trẻ sơ sinh". Nhưng sau một thời gian tăng rất ngắn ban đầu, số ca sinh lại tiếp tục giảm. Ông Liang ước tính chính sách ba con sẽ làm tăng 10% tỷ lệ sinh hiện tại, hoặc thấp hơn.
Nhiều thập kỷ qua, các bậc cha mẹ Trung Quốc đã quen với việc chỉ có một con. Họ thường cảm thấy - ở các thành phố cũng như ở các làng quê - nguồn lực của một gia đình tốt nhất nên tập trung cho một đứa trẻ, để đảm bảo đứa trẻ có những cơ hội mà cha mẹ không có. Chi phí nhà ở và giáo dục cao, cũng như thời gian làm việc quá dài phổ biến ở nhiều công ty, tiếp tục ngăn cản các cặp vợ chồng trẻ sinh nhiều hơn một con, hoặc thậm chí là ngăn cản họ sinh con.
Bộ Chính trị Trung Quốc vẫn cho rằng chính sách hai con đã “đạt được những kết quả tích cực”. Nhưng thực tế là từ những năm 1970, sự suy giảm mức sinh của Trung Quốc chủ yếu là do đô thị hóa, các chiến dịch giáo dục về sinh đẻ và sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ vào lực lượng lao động - vốn là các yếu tố gây ra sự sụt giảm tỷ lệ sinh ở các nước đang phát triển nói chung, dù họ không có hạn ngạch sinh đẻ. Số nam giới ở Trung Quốc hiện cũng nhiều hơn nữ giới 30 triệu người do phá thai chọn lọc giới tính.
Bỏ hạn ngạch sinh đẻ cũng tương đương với việc thừa nhận thất bại. "Giống như phải quay đầu một con tàu khổng lồ", Stuart Gieten-Bastel ở Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông nói. "Việc cho phép các cặp vợ chồng có bao nhiêu con tùy thích sẽ làm dư thừa bộ máy kế hoạch hóa gia đình trên toàn Trung Quốc, hiện đang sử dụng hàng chục nghìn công chức".
Chính phủ Trung Quốc, chưa thể buông tay khỏi chính sách này, nói rằng cần “tăng cường giáo dục và hướng dẫn” thanh niên về các vấn đề liên quan đến hôn nhân và sinh con. Một số cư dân mạng lưu ý, áp phích chính thức của chính sách ba con có hình ảnh hai bé gái và một bé trai như gợi ý người dân nên có thêm nhiều bé gái để cải thiện tình trạng mất cân bằng giới tính.
Nguồn: