Trái ngược với kỳ vọng của các nhà vận động khí hậu, nhà nước Trung Quốc khuyến khích các mỏ tăng sản lượng than để ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí đốt vào mùa đông.

Sản lượng than của Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục vào năm ngoái khi nhà nước khuyến khích các mỏ khai thác tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch để đảm bảo nguồn cung năng lượng trong cuộc khủng hoảng khí đốt mùa đông.

Hình minh họa. Nguồn: VCG/Getty Images

Trung Quốc, quốc gia sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới đã khai thác 384,67 triệu tấn nhiên liệu hóa thạch vào tháng 12/2021, vượt qua kỷ lục sản lượng theo tháng ngay trước đó là 370,84 triệu tấn vào tháng 11/2021, sau khi chính phủ Trung Quốc kêu gọi các mỏ khai thác hết công suất để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Các số liệu chính thức của chính phủ Trung Quốc cho thấy "cơn nghiện" than của Trung Quốc cũng thúc đẩy sản lượng than đạt mức cao kỷ lục tính theo năm. Sản lượng than của Trung Quốc năm 2021 đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, 4,07 tỷ tấn, tăng 4,7% so với năm 2020, một đòn giáng mạnh vào các nhà vận động khí hậu chỉ vài tháng sau cuộc đàm phán về khí hậu COP26 của Liên Hợp Quốc (LHQ) ở Glasgow.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã từng dự đoán rằng tiêu thụ điện than trên toàn cầu, nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, sẽ đạt mức kỷ lục vào năm 2021 do nhu cầu năng lượng tăng cao để khôi phục nền kinh tế toàn cầu sau một đợt phong tỏa dài do đại dịch. Trước đó, sản lượng điện than giảm 4% vào năm 2020 do đại dịch gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng IEA nhận thấy rằng nhu cầu điện tăng vọt trong năm 2021 đã vượt xa tốc độ tăng trưởng của các nguồn điện ít phát thải carbon, khiến nhiều nền kinh tế giàu có phải phụ thuộc nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch. Báo cáo gần đây nhất của IEA, công bố vào tuần trước, cho thấy tiêu thụ điện toàn cầu tăng mạnh vào năm ngoái là do sử dụng than tăng 9% so với năm trước.

Mức tiêu thụ than kỷ lục của Trung Quốc được thống kê vài tuần sau khi kết thúc cuộc đàm phán COP26 về khí hậu - cuộc đàm phán kết thúc trong một cuộc bất đồng gay gắt về cam kết từ bỏ than đá. Ấn Độ đã can thiệp vào phút cuối để yêu cầu đưa ngôn ngữ của hiệp ước từ “loại bỏ” thành “giảm dần” than đá.

Sau cuộc hội đàm, được tổ chức tại Glasgow vào tháng trước, chủ tịch COP26, Alok Sharma, cho biết Ấn Độ và Trung Quốc sẽ “phải giải thích cho hành động của họ với các quốc gia nghèo” sau khi hạ thấp yêu cầu của hiệp ước khí hậu Glasgow, và Sharma nói thêm rằng hành động của hai nước này đã khiến ông “vô cùng thất vọng” .

IEA nhận thấy rằng các nhà máy điện than ở Mỹ và EU đã sản xuất thêm 20% điện vào năm ngoái so với mức sản lượng điện than thấp vào năm 2020, nhưng vẫn dưới mức được ghi nhận vào năm 2019. Sự phụ thuộc vào các nhà máy than dự kiến sẽ giảm trở lại trong năm 2022 do nhu cầu điện chậm lại và các giải pháp năng lượng tái tạo tiếp tục mở rộng.

Nguồn: https://www.theguardian.com/environment/2022/jan/17/chinas-coal-production-hit-record-levels-in-2021