Dữ liệu sơ bộ điều tra dân số Trung Quốc năm 2020 cho thấy dân số của nước này vẫn đang tăng, nhưng rất chậm, đặt ra những thách thức lớn về nhân khẩu học.


Nhân viên y tế kiểm tra một em bé sơ sinh tại bệnh viện ở Hàm Đan, Trung Quốc. Tỷ lệ sinh của nước này liên tục giảm trong nhiều thập kỷ trở lại đây.

Trung Quốc hiện là nơi sinh sống của 1,411 tỷ người, so với 1,339 tỷ vào năm 2010 - theo điều tra dân số thập kỷ.

Tốc độ tăng dân số trung bình hằng năm trong thập kỷ qua là 0,53%, giảm so với mức 0,57% được ghi nhận trong giai đoạn 2000 - 2010. Đây là tốc độ tăng thấp nhất kể từ đầu những năm 1960, khi nạn đói khiến dân số giảm.

Những người từ 60 tuổi trở lên hiện chiếm 18,70% dân số, tăng 5,44 điểm phần trăm kể từ năm 2010. Điều tra dân số cũng cho thấy tỷ lệ mù chữ giảm, tỷ số giới tính khi sinh bớt nghiêng về giới tính nam hơn so với trước đây, số năm đi học và số sinh viên tốt nghiệp đại học tăng lên.

Các nhà hoạch định chính sách lo ngại Trung Quốc có thể già đi trước khi kịp giàu lên. Trong nhiều thành phần kinh tế, lao động nam có thể nghỉ hưu ở tuổi 60; nữ nhân viên văn phòng có thể nghỉ hưu ở tuổi 55 và nữ công nhân nghỉ hưu ở tuổi 50. Những độ tuổi này được đặt ra vào đầu những năm 1950, khi tuổi thọ trung bình là dưới 45; kể từ đó, tuổi thọ trung bình đã tăng lên khoảng 77. Tuy nhiên, những nỗ lực trước đây của Trung Quốc nhằm đẩy lùi tuổi nghỉ hưu đã không thành công vì sự phản đối của người dân. Yong Cai, nhà nhân khẩu học tại Đại học Bắc Carolina, Chapel Hill, cho biết, Trung Quốc “đang có những thảo luận nghiêm túc để thay đổi mốc tuổi nghỉ hưu".

Vấn đề mức sinh còn gây tranh cãi nhiều hơn. Tổng mức sinh của Trung Quốc giảm mạnh trong những năm 1970 - từ 5,8 lần sinh trên một phụ nữ vào năm 1970 xuống còn 2,8 lần vào năm 1979. Chính sách một con có hiệu lực vào năm 1980 đã đẩy mức sinh xuống thấp hơn nữa, nhưng rất khó để xác định tỷ lệ chính xác vì áp lực chính sách khi đó khiến cho nhiều ca sinh không được báo cáo chính thức. Hầu hết các nhà nghiên cứu thống nhất với ước tính mức sinh ở Trung Quốc giảm xuống dưới 2,1 sau năm 1980, vào đầu những năm 1990 - vẫn ở mức giữ cho tỷ lệ dân số ổn định.

Nhưng tình hình nhanh chóng xấu đi. Trong một nghiên cứu năm 2013 trên Tạp chí Dân số và Phát triển, Cai đã tính toán rằng, tổng tỷ suất sinh năm 2010 là 1,5 hoặc thấp hơn. Hiện tại, cơ quan thống kê của Trung Quốc ước tính con số này là 1,3 vào năm 2020. Mức này thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế, giúp duy trì dân số từ thế hệ này sang thế hệ khác - thường là 2,1 lần sinh trên một phụ nữ. Và không giống như Mỹ và châu Âu, Trung Quốc không có người nhập cư để bù đắp mức sinh thấp.

Kể từ năm 2016, các cặp vợ chồng Trung Quốc có thể có hai con. Các bậc cha mẹ Trung Quốc vẫn phải đối mặt với tiền phạt nếu họ có nhiều hơn hai con, nhưng hiện đã có các thảo luận về việc cho phép cha mẹ sinh bao nhiêu con tùy thích.

Doanh nhân Liang Jianzhang, đồng thời là một nhà kinh tế học ứng dụng ở Đại học Bắc Kinh, từ lâu đã cảnh báo dân số tăng chậm sẽ làm Trung Quốc mất đi năng lực đổi mới. Trong một bài viết đăng trên tờ China Daily vào năm ngoái, ông khuyến nghị xây dựng “một xã hội thân thiện với mức sinh” bằng cách áp dụng trợ cấp chăm sóc trẻ em hằng tháng, ưu đãi thuế và trợ cấp nhà ở cho các gia đình có nhiều con.

Trong khi đó, Zhongwei Zhao, nhà nhân khẩu học ở Đại học Quốc gia Úc, cho rằng, ngay cả những biện pháp khuyến khích như vậy cũng khó có thể đảo ngược xu hướng sinh ít hơn đang diễn ra trên toàn thế giới. Theo Zhao, các yếu tố khác về chất lượng - như số người có trình độ học vấn đại học tăng từ 8,9% năm 2010 lên 15,5% hiện nay - “sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.

Nguồn: