Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Ecology & Evolution vào tháng 3/2024, các nhà khoa học tại Đại học College London (UCL) đã phát hiện một sự thật đáng kinh ngạc, con người lây truyền số lượng virus sang động vật hoang dã và động vật thuần hóa nhiều gấp đôi số lượng chúng ta lây nhiễm từ chúng.

Ảnh: Reuters.
Ảnh: Reuters.

Các nhà khoa học đã xem xét gần 12 triệu bộ gene của virus thuộc 32 họ khác nhau và phát hiện gần 3.000 trường hợp virus lây lan từ loài này sang loài khác. Trong số đó, 64% là lây truyền từ người sang động vật và 36% lây truyền từ động vật sang người.

“Virus có thể lây lan giữa các loài khác nhau thông qua cùng một phương thức lây truyền áp dụng cho con người, bao gồm tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của động vật nhiễm bệnh hoặc bị loài khác cắn”, Cedric Tan,tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Trước đây, động vật thường bị mang tiếng xấu khi một số căn bệnh truyền nhiễm phổ biến ở người chẳng hạn như COVID-19, Ebola hoặc cúm lợn đều có nguồn gốc từ động vật. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy đây không phải là con đường một chiều.

“Bằng cách nghiên cứu và theo dõi sự lây truyền virus giữa động vật và con người theo cả hai hướng, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về sự tiến hóa của virus, từ đó có sự chuẩn bị tốt hơn cho những đợt bùng phát dịch bệnh mới trong tương lai”, Francois Balloux, đồng tác giả của nghiên cứu, nhận định.