Các chính sách trọng dụng, đãi ngộ cán bộ KH&CN đang được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn hơn.
Năm 2014, Chính phủ đã ban hành hai Nghị định số 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP về thu hút cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam.
Tại Hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung hai nghị định nói trên do Bộ KH&CN tổ chức ngày 12/9 tại TPHCM, ông Trần Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ KH&CN, cho rằng, việc thực hiện những chính sách ưu đãi trong sử dụng, trọng dụng đối với cá nhân hoạt động KH&CN có trình độ cao, kết quả hoạt động nổi bật, nhất là thông qua tuyển dụng đặc cách; bổ nhiệm vào hạng chức danh cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác, nâng lương vượt bậc… đã giúp các tổ chức KHC&N công lập bổ sung, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực đối với cá nhân nhà khoa học.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện các Nghị định trên còn nhiều hạn chế, vướng mắc, có quy định chưa triển khai được hoặc không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Chẳng hạn, quy định về việc tuyển dụng đặc cách và bổ nhiệm vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ đối với cá nhân có thành tích trong hoạt động KH&CN đến nay không còn phù hợp với nội dung Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 29/2010/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng viên chức, không còn quy định hình thức “tuyển dụng đặc cách mà thay vào đó là quy định về “các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức”.
Quy định về nâng lương vượt bậc đối với cá nhân có thành tích tại điều 7 Nghị định 40 chưa xác định rõ thành tích xem xét trong khoảng thời gian nào, nên các cơ quan còn lúng túng khi áp dụng.
Ngoài ra, việc thực hiện chính sách đối với người được phong hàm giáo sư, phó giáo sư trong các cơ sở đại học công lập còn vướng mắc do chưa có sự thống nhất giữa các quy định có liên quan.
“Đặc biệt, còn nhiều vướng mắc trong quá trình khiển khai thực hiện chính sách trọng dụng đối với nhóm đối tượng đặc thù như nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ tài năng” – ông Nghĩa nhấn mạnh. Cụ thể, các quy định về tiêu chuẩn đã hạn chế sự tham gia của các nhà khoa học đã nghỉ quản lý hoặc ngoài khu vực nhà nước, trong khi đây là đối tượng có bề dày, uy tín, kinh nghiệm và năng lực, thành tích hoạt động KH&CN. Bên cạnh đó, vai trò, nhiệm vụ của nhà khoa học đầu ngành cũng cần phải xác định lại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Kinh phí thực hiện chính sách trọng dụng đối với nhà khoa học đầu ngành còn mang nặng tính hành chính, chưa tính đến trường hợp nhà khoa học đầu ngành không thuộc khu vực công lập.
Quy định thành tích KH&CN đối với nhà khoa học trẻ tài năng chưa bao quát đầy đủ các lĩnh vực KH&CN khác nhau, nhất là khoa học, kỹ thuật, công nghệ có tính ứng dụng cao. Việc cấp kinh phí thông qua Quỹ phát triển KH&CN quốc gia hoặc giao dự toán kinh phí sự nghiệp khoa học cho đối tượng này phát sinh nhiều thủ tục hành chính không thuận lợi.
Đối với Nghị định 87, các quy định chỉ đưa ra những vấn đề có tính nguyên tắc và không vượt qua quy định của các luật chuyên ngành, mức ưu đãi, thu hút vì thế rất hạn chế. Thực tế cho thấy, việc thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN ở Việt Nam còn rất hạn chế. Trong đó có nguyên nhân các đối tượng này không có thông tin về tình hình KH&CN trong nước, các nhiệm vụ KH&CN trong nước đang triển khai cần có hoặc phù hợp với sự tham gia của họ.
“Việc thu hút các đối tượng này theo các văn bản hiện hành chưa có tính cụ thể, vẫn chung chung. Nên khi họ đã về Việt Nam làm việc mà môi trường, công việc, điều kiện làm việc không tạo điều kiện để phát huy tài năng của các nhà khoa học thì việc giữ chân lâu dài là hết sức khó khăn” – ông Nghĩa nhấn mạnh.
Nhiều điểm mới được bổ sung
Dự thảo Nghị định 40 sửa đổi, bổ sung một số vấn đề như “xét tuyển đặc cách” thành “tuyển dụng bằng hình thức tiếp nhận không qua thi tuyển; Kết quả hoạt động KH&CN chỉ được sử dụng 1 lần để xét đặc cách bổ nhiệm vào chức danh khoa học, công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác; Quy định, thủ tục lựa chọn nhà khoa học đầu ngành thông qua các hội đồng tuyển chọn; Quy định kinh phí để thực hiện chính sách trọng dụng nhà khoa học đầu ngành cấp qua Quỹ KH&CN Quốc gia;…
Góp ý cho Dự thảo hai Nghị định nói trên, phần lớn các đại biểu đều nhất trí với những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo hai Nghị định. Tuy nhiên theo nhiều ý kiến, Ban soạn thảo cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn trong việc phong học hàm giáo sư, phó giáo sư. Đồng thời, cũng quy định rõ những tiêu chí bị tước bỏ các chức danh đã được phong;….
PGS. TS Huỳnh Quyền – Phó Trưởng ban KH&CN Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng, cần phải xem xét lại cách gọi, xác định tiêu chí, đối tượng của nhà khoa học đầu ngành. “Nên dùng từ chuyên gia cấp 1, 2 hoặc 3,... thì hợp lý hơn” – ông Quyền nhấn mạnh.
PGS Trần Việt Hùng – Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc, cũng cho rằng, cần làm rõ các tiêu chí đánh giá, xếp hạng các nhà khoa, không nên dựa vào các chỉ tiêu có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc phong danh hiệu mà nên dựa vào các tiêu chí của quốc tế, cộng thêm các tiêu chí của Việt Nam sẽ khách quan và dễ đánh giá hơn.
Ông Trần Ngọc Phương, Phó Giám đốc Sở KH&CN Đồng Nai, cho biết, Đồng Nai cũng xây dựng nhiều chính sách thu hút các nhà khoa học về công tác tại địa phương. Tuy nhiên, việc thu hút này vẫn còn hết sức khó khăn khi việc chi trả lương vẫn theo quy định của nhà nước. “Các tiêu chuẩn quy định, thủ tục lựa chọn về nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ tài năng, sử dụng kinh phí trọng dụng,… cần cụ thể, phù hợp hơn thì địa phương mới có thể được hưởng các chính sách này” – ông Phương chia sẻ.