Theo chia sẻ của PGS-TS Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục công tác phía nam, Bộ KH&CN - trong việc xây dựng, triển khai các chính sách phát triển nguồn nhân lực KH&CN, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của một số nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Ngày nay, Nhật Bản đã trở thành nước thu hút nhân lực KH&CN từ khắp nơi trên thế giới nhờ các chính sách như thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài, đào tạo kỹ sư Nhật Bản ở ngoại quốc...

Cụ thể, các chuyên gia tư vấn nước ngoài làm việc tại Nhật Bản được trả mức lương rất cao. Đã có thời điểm, lương cho các kỹ sư nước ngoài chiếm đến 34% tổng ngân sách của Bộ Công nghiệp Nhật Bản. Phần lớn trong số họ là cố vấn cấp cao, hiểu biết về các kỹ thuật tiên tiến. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật cũng khuyến khích thay thế nhập khẩu nhân lực chất lượng cao bằng kỹ sư nội địa thông qua việc cử sinh viên đi nước ngoài học tập, đồng thời tăng cường đào tạo kỹ sư bậc trung trong nước. Các sinh viên ưu tú - với danh nghĩa là người của chính phủ - được hỗ trợ tài chính để đi tu nghiệp ở nước ngoài, cập nhật các tư tưởng và công nghệ tiên tiến nhất tại những trường đại học hàng đầu ở Anh, Đức, Pháp, Hà Lan...

Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST). Ảnh: Radiokorea
Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST). Ảnh: Radiokorea

Trong khi đó, ở Hàn Quốc, đội ngũ cán bộ trí thức được hình thành từ 3 nguồn chủ yếu: Nhà nước, các trường, viện, trung tâm nghiên cứu và các tập đoàn kinh tế. Giai đoạn đầu, do điều kiện còn hạn chế, Nhà nước - thông qua Bộ KH&CN và các đơn vị nghiên cứu do nhà nước lập ra - đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng, phát triển các cơ sở KH&CN, nguồn nhân lực và đội ngũ trí thức chất lượng cao.

Sự ra đời của Viện KH&CN Hàn Quốc (KIST), các trường đại học, trung tâm nghiên cứu với các chính sách mạnh bạo đã thu hút nhân tài từ khắp thế giới. Nhà khoa học Hàn Quốc ở nước ngoài được mời về Viện KIST với mức lương gấp 3 lần các giáo sư trong nước, được đảm bảo các phương tiện nghiên cứu hiện đại, hoạt động độc lập, tự chủ về R&D và kèm theo nhiều đãi ngộ khác. Chỉ sau 50 năm, KIST đã nằm trong danh sách 10 viện hàng đầu thế giới và Hàn Quốc trở thành quốc gia công nghiệp hóa thành công nhất.

Nước này cũng có chính sách khuyến khích các trường đại học tăng cường R&D, tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế đi sâu nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu KH&CN vào phát triển kinh tế, đáp ứng trực tiếp các nhu cầu của thị trường.

Còn Trung Quốc đang cải cách thể chế hóa khoa học và xây dựng hệ thống nhà nước sáng tạo, bao gồm việc hoàn thiện cơ chế phát triển nhân tài, khuyến khích nhà khoa học tích cực sáng tạo, thu hút các nhà khoa học Hoa kiều về nước làm việc với mức lương cao... Nhờ đó, đến năm 2012, tỷ lệ người làm R&D ở quốc gia này đã đạt mức 43/10.000 dân.