Triển khai các chính sách quyết liệt để gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với phát triển kinh tế - xã hội là một trong những giải pháp phát triển nguồn nhân lực KH&CN được PGS-TS Phạm Xuân Đà nhấn mạnh trong bài viết cho Khoa học và Phát triển.

Theo đó, PGS-TS Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục Công tác phía nam, Bộ KH&CN -cho rằng cần có chính sách đánh giá hoạt động khoa học hay nhà khoa học dựa trên sản phẩm khoa học.

PGS-TS Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục công tác phía Nam. Ảnh: Lê Loan
PGS-TS Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục Công tác phía nam. Ảnh: Lê Loan

Nhân lực KH&CN nhiều nhưng chưa "chất"

So với quy mô dân số và với các nước trong khu vực, nguồn nhân lực KH&CN của Việt Nam không nhỏ, thậm chí số người có trình độ sau đại học khá lớn. Đến năm 2014, cả nước có khoảng 4,28 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, trong đó có khoảng 24.300 tiến sỹ. Gần 12.300 tiến sỹ hoạt động trong các lĩnh vực KH&CN, 41% trong số đó làm việc tại các trường đại học, cao đẳng.

Trong 101.000 thạc sỹ, có 35% làm việc tại các trường đại học, cao đẳng. So với năm 1996, đội ngũ có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên tăng hơn 4,6 lần (trung bình 11,6%/năm), trong đó số tiến sỹ tăng hơn 2,6 lần (7%/năm), số thạc sỹ tăng 6,7 lần (14%/năm). Tuy nhiên, cả nước chỉ có hơn 164.700 người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), trong đó số cán bộ có trình độ cao đẳng trở lên là gần 129.000 người. Nếu quy đổi toàn thời gian, tỷ lệ cán bộ R&D của Việt Nam chỉ đạt 7/10.000 dân.

Chất lượng nhân lực KH&CN còn thấp, thiếu các chuyên gia đầu ngành và nhân lực trình độ cao trong nhiều lĩnh vực; thiếu các nhóm nghiên cứu và tổ chức KH&CN mạnh, đủ khả năng giải quyết những vấn đề KH&CN lớn của quốc gia và hội nhập quốc tế.

Coi sản phẩm khoa học và tiêu chí đánh giá

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách ưu tiên, thúc đẩy hoạt động KH&CN với hiệu quả khá tốt. Tuy nhiên, để bắt kịp xu hướng phát triển của khu vực và thế giới, trong 5-10 năm tới tạo ra một đội ngũ nhân lực KH&CN trình độ cao, có khả năng dẫn dắt, làm chủ các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn trong cách mạng công nghiệp 4.0, chính sách phát triển KH&CN cần có đột phá.

Cụ thể, cần sự thay đổi ở một số khía cạnh như: Cơ chế tài chính - hiện còn nhiều bất cập rất lớn về chế độ chi, định mức và thủ tục chi cho các hoạt động KH&CN; giảm thủ tục và tăng hiệu quả quản lý hoạt động KH&CN (hiện thủ tục vẫn rất chậm và phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp KH&CN, nhà khoa học khó tiếp cận hay không muốn tham gia các chương trình hỗ trợ của Nhà nước).

Nhóm chuyên viên phân tích tại Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM. Ảnh: Vân Ly
Nhóm chuyên viên phân tích tại Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM.
Ảnh: Vân Ly

Một đột phá cần thiết nữa là tăng đầu tư cho R&D - phần rất được chú trọng ở các nước phát triển, đơn cử Hà Lan chi trên 2% GDP cho R&D; trong khi đó ở Việt Nam, 2% GDP là mức đầu tư cho toàn bộ hoạt động phát triển KH&CN, phần lớn dành cho việc duy trì hệ thống quản lý, nhân lực, đầu tư hạ tầng, còn kinh phí thực sự cho R&D rất thấp.

Mặt khác, cần ngừng hành chính hóa công tác quản lý khoa học thông qua quá nhiều hội đồng, ban quản lý của bộ hay tỉnh/thành mang tính chất hành chính. Việc đánh giá hoạt động khoa học hay nhà khoa học cần được giao cho các cơ sở khoa học, nhà khoa học cùng ngành ở cấp độ quốc gia, khu vực và thế giới, đánh giá dựa trên sản phẩm khoa học. Cần loại bỏ việc gắn chức danh hành chính/quản lý nhà nước với chức danh của hội đồng thẩm định khoa học; tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh và trung thực giữa các nhà khoa học thông qua việc để chính các nhà khoa học cùng lĩnh vực phản biện và đánh giá kết quả nghiên cứu của nhau - điều mà cộng đồng khoa học quốc tế vẫn đang làm.

Gắn nghiên cứu với nhu cầu thực tiễn

Chúng ta đang gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với nhu cầu của xã hội bằng cơ chế đặt hàng của các bộ, tỉnh, thành phố, bằng cách kết nối hoạt động nghiên cứu với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Hướng đi đúng đắn này cần được thực hiện quyết liệt và hiệu quả hơn nữa bằng những chương trình cụ thể, như chương trình “Khoa học đồng hành với đời sống”. Hiện mỗi vùng, miền đều có các sản phẩm được sản xuất thủ công và tự phát, có giá trị truyền thống và xã hội rất cao nhưng giá trị thương mại rất thấp do yếu về mẫu mã, chất lượng, tiêu chuẩn, thương hiệu...

Chính phủ cần có chính sách bắt buộc các đơn vị nghiên cứu hằng năm phải có tỷ lệ nghiên cứu nhất định về tiêu chuẩn hóa (nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã), thương mại hóa các sản phẩm địa phương. Nhật Bản đã thực hiện rất thành công chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” theo phương thức này.

Một chương trình cần chú trọng khác là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo với việc điều chỉnh cơ chế, thủ tục tài chính theo hướng đơn giản, tiếp cận với các nước tiên tiến trong khu vực. Trong đó, phải đặc biệt chú trọng đối tượng doanh nghiệp và nguồn sáng tạo trong dân, bởi các nghiên cứu cho thấy, chỉ khoảng 5% hoạt động đổi mới sáng tạo diễn ra tại các viện, trường, 95% còn lại nằm trong khối các công ty, tư nhân...

Cần xây dựng lộ trình giảm, tiến tới xóa bao cấp hay phân bổ ngân sách nhà nước theo kế hoạch hành chính cho các cơ sở khoa học. Việc đầu tư ngân sách nhà nước cho các cơ sở nghiên cứu phải dựa vào các nhiệm vụ được Nhà nước đặt hàng (qua tuyển chọn công khai), các chương trình, dự án được doanh nghiệp đặt hàng và cấp tiền (thường từ 70% tổng chi phí trở lên) và nằm trong lĩnh vực Nhà nước khuyến khích nghiên cứu phát triển.

Thực hiện điều này, chúng ta phải chấp nhận sẽ có những cơ sở, nhà khoa học nhận được rất nhiều chương trình, dự án do uy tín và tài năng, trong khi nhiều cơ sở, nhà khoa học khác ít hoặc không nhận được dự án nào.

Chúng ta cần có chính sách giải thể các cơ sở khoa học nhà nước thường xuyên không nhận được đặt hàng hoặc số lượng đặt hàng quá ít, không đủ trang trải để giảm gánh nặng chi phí hành chính cho Nhà nước. Các cơ sở nghiên cứu tư nhân hoặc của các hiệp hội, tổ chức tự chịu trách nhiệm đương nhiên sẽ phải giải thể khi không bảo đảm kinh phí hoạt động.

Theo kinh nghiệm của một số nước phát triển, chính sách này sẽ giúp nhà nước tiết kiệm một khoản chi rất đáng kể để đầu tư mạnh cho các ngành nghiên cứu mũi nhọn, tạo ra các sản phẩm đột phá về công nghệ và giá trị kinh tế cho ngành, cho đất nước.

Ngoài ra, Nhà nước cần cho phép các nhà khoa học thuộc đơn vị nhà nước thành lập doanh nghiệp KH&CN, được ưu tiên về thuế và cơ sở vật chất để thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu; dành nguồn lực lớn đầu tư đồng bộ một vài ngành nghiên cứu mũi nhọn của đất nước theo hướng tạo ra các sản phẩm thương mại hóa có tính đột phá về công nghệ và giá trị kinh tế.