Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa lắp ráp xong Kính thiên văn Không gian James Webb (JWST) trị giá 9,7 tỷ USD tại một cơ sở ở bang California.

Ảnh: NASA.
Ảnh: NASA.

Khi được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa Adriane vào tháng 3/2021, đây sẽ là kính thiên văn mạnh nhất và phức tạp nhất thế giới.

“Cột mốc này tượng trưng cho nỗ lực của hàng nghìn người tận tụy làm việc trong hơn 20 năm qua tại NASA, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA), công ty Northrop Grumman và các đối tác khác”, Bill Ochs, giám đốc dự án chế tạo JWST của NASA, cho biết.

Do JWST có cấu tạo phức tạp và cần được thử nghiệm cẩn thận, nên sự ra mắt của JWST từng bị trì hoãn nhiều lần.

JWST là bản kế nhiệm của kính viễn vọng không gian Hubble. Mặt gương chính của JWST có đường kính 6,5 m, bao gồm 18 tấm gương hình lục giác nhỏ hơn được làm từ vật liệu beri (Be) mạ vàng bên ngoài. Lớp mạ vàng giúp tăng mức độ phản xạ ánh sáng hồng ngoại của gương chính.

Các nhà khoa học mô tả JWST như một “siêu cỗ máy thời gian hồng ngoại”, giúp nhìn ngược 13,5 tỷ năm để quan sát các ngôi sao đầu tiên và thiên hà hình thành trong bóng tối của vũ trụ sơ khai.