Các nhà khoa học Nga đang phát triển những khẩu súng vũ trụ có khả năng làm nổ tung nửa triệu mảnh rác đang quay quanh Trái đất và biến chúng trở thành quên lãng.
Bộ phận nghiên cứu và phát triển vũ khí chính xác (Precision Instrument Systems) trực thuộc Cơ quan Không gian Nga vừa đệ trình bản kế hoạch lên Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS) nhằm biến một kính thiên văn quang học dài 3 m thành một khẩu pháo laser – hãng thông tấn RT đưa tin.
Các nhà khoa học tại Trung tâm Laser quang học Altay (Nga) sẽ xây dựng một kính viễn vọng lớn để giám sát các mảnh rác vũ trụ. Và để tiêu hủy chúng, họ sẽ gắn bổ sung thêm một hệ thống nhận diện bằng “laser ở trạng thái rắn” lên thiết bị – Sputnik cho biết. Tiếp đó, khẩu pháo sẽ hướng chùm laser vào những mảnh vụn ở trong quỹ đạo Trái Đất thấp, đốt nóng chúng cho đến khi bị phá hủy hoàn toàn – theo RT.
Rác vũ trụ, thực chất là do chính con người tạo nên, bao gồm những thành phần bị bỏ lại do không sử dụng nữa hoặc hỏng hóc từ tàu vũ trụ, thiết bị phóng và nhiều vật thể khác được đưa vào không gian, với đủ mọi kích cỡ. Khoảng nửa triệu mảnh vụn lớn bằng viên đá cẩm thạch hoặc hơn thế đang lao quanh hành tinh của chúng ta, trong đó ít nhất 20.000 mảnh có kích thước tương đương với quả bóng chày – theo báo cáo năm 2013 của NASA. Chúng di chuyển với tốc độ lên đến 17.500 mph (28.164 km /h), nên mặc dù có kích thước tương đối nhỏ nhưng cũng đủ để làm hư hỏng nặng cả một tàu vũ trụ hoặc vệ tinh.
Năm 2015, các nhà khoa học Nhật Bản từng trình bày kế hoạch phóng tàu thám hiểm và dùng kính thiên văn lớn gắn súng laser để phá huỷ các mảnh rác không gian, với mục đích là để phát hiện các tia vũ trụ – theo Space.com. Đề án đó đã mô tả việc kết hợp nhiều chùm laser nhỏ với nhau thành chùm tia mới mạnh mẽ hơn, đủ để làm bốc hơi các vật chất trên bề mặt rác vũ trụ, tạo ra lực đẩy các mảnh vụn xuống thấp hơn theo đường quỹ đạo và cuối cùng bốc cháy trong khí quyển Trái Đất. Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng công bố một bản báo cáo, trong đó đề xuất phương pháp xử lý rác vũ trụ bằng cách sử dụng vũ khí laser gắn trên vệ tinh nhằm đẩy các mảnh vụn tiến vào quỹ đạo thấp hơn khi quay quanh Trái Đất.
Như vậy, các giải pháp tương lai như pháo laser đang tỏ ra rất hứa hẹn trong việc giải quyết vấn đề rác thải không gian. Tuy nhiên, mặc dù đại diện của Precision Instrument Systems đã xác nhận về sự tồn tại của bản kế hoạch với Sputnik, nhưng họ lại “từ chối không cung cấp thêm” bất cứ chi tiết nào liên quan tới khung thời gian hay những yêu cầu kỹ thuật của đề án.
Hải Đăng (Theo Live Science)