Rác thải vũ trụ vốn là vấn đề khiến nhiều quốc gia đau đầu. Thậm chí nhiều nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo, lượng rác thải vũ trụ đã đạt mật độ tới hạn với khoảng 23.000 mảnh có kích thước của một quả bóng chày hoặc lớn hơn trong vành đai ngoài quỹ đạo Trái đất.
Chúng tạo ra một vành đai rác xung quanh Trái đất, gây nguy hiểm cho các vệ tinh nhân tạo cũng như quá trình phóng tàu vũ trụ thám hiểm không gian.
Các nhà khoa học đã tính đến nhiều phương án để tiêu hủy số lượng rác vũ trụ kể trên. Tuy nhiên, chưa có một cách thức nào được thực hiện vì tính khả thi không cao.
Mới đây, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đưa ra một ý tưởng độc đáo có thể giúp giải quyết vấn đề này. Họ đề xuất chế tạo một robot có khả năng “ăn” rác thải không gian rồi biến thành nhiên liệu cho tên lửa, giúp nó tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “dọn vệ sinh cho Trái đất”. Về cơ bản, robot này sẽ là một vật thể có khả năng tự cung, tự cấp nguồn năng lượng để liên tục hoạt động trên quỹ đạo.
“Robot được phóng lên quỹ đạo có nhiệm vụ bắt các mảnh vỡ rồi chuyển chúng vào bộ phận đặc biệt. Ở đây, rác kích thước lớn sẽ được phá hủy thành nhiều mảnh nhỏ bằng cách sử dụng các phương pháp cơ học rồi chuyển hóa chúng thành nhiên liệu cho động cơ” - các nhà khoa học Trung Quốc cho biết.
Theo ý tưởng này, các mảnh vỡ lớn sẽ được đưa vào một bộ phận có chức năng như máy xay. Loại máy xay này sẽ tạo ra nhiệt độ cao, biến các mảnh rác đó thành plasma - một dạng vật chất được tạo thành từ các hạt mang điện tích. Động cơ có thể hoạt động bằng cách làm nóng plasma ở nhiệt độ cao nhờ sóng vô tuyến. Từ trường mạnh sau đó sẽ tập trung plasma ra phần phía sau của động cơ. Quá trình này sẽ tạo ra lực đẩy ở tốc độ cao.
Các nhà khoa học đánh giá khá cao ý tưởng này, nhưng họ cho rằng để ý tưởng biến thành thực tiễn, cần phải trải qua một chặng đường dài. Bởi lẽ trước đó, một số ý tưởng đơn giản hơn như robot dọn rác vũ trụ sử dụng năng lượng hạt nhân hay năng lượng Mặt trời cũng đều chưa trở thành hiện thực.
Việt Hưng