Khoảng 500 nghìn mảnh rác đang quay quanh quỹ đạo Trái Đất, một phần nhỏ trong số đó là các mảnh vỡ từ tàu vũ trụ. Liệu chúng ta có nên lo lắng về khả năng bị một mảnh vỡ cháy rực của con tàu vũ trụ nào đó rơi trúng đầu không?
Không phải lần đầu, chưa phải lần cuốiThế giới đang thấy trước viễn cảnh Trạm thí nghiệm không gian Thiên Cung 1 (Tiangong-1 space lab) của Trung Quốc có thể quay ngược trở lại, đâm xuyên qua bề mặt khí quyển Trái Đất và bốc cháy trong tuần tới hoặc vài tuần tới. Một số mảnh vỡ của Thiên Cung 1 còn có khả năng rơi xuống bề mặt hành tinh.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu một con tàu vũ trụ trôi dạt rồi bốc cháy trên bầu khí quyền Trái Đất khi kết thúc nhiệm vụ, và chắc chắn cũng không phải là lần cuối cùng.
Theo báo cáo của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) năm 2013, khoảng nửa triệu mảnh vỡ vẫn được gọi là rác vũ trụ hay những vật thể do con người và thiên nhiên tạo ra, có khả năng di chuyển với vận tốc lên đến 17.500 mph (hay 28.164 km/h) - đang được theo dõi khi chúng đi vào quỹ đạo của Trái Đất.
Vậy rác vũ trụ sẽ rơi xuống Trái đất? “Đúng như vậy!”, Cơ quan Dịch vụ Dữ liệu, Thông tin và Vệ tinh Môi trường Quốc gia của Mỹ (NESDIS) khẳng định điều đó trong một bài viết trên blog của họ vào ngày 18/1/2018.
Xác suất bị rác vũ trụ rơi trúng là bao nhiêu?
Theo NESDIS, “Trung bình mỗi năm có tổng số khoảng 200 đến 400 vật thể bay vào tầng khí quyển Trái Đất”. Lý do tại sao chúng ta không phải thường xuyên tránh những mảnh vỡ cháy rực này là bởi phần lớn chúng sẽ không tồn tại lâu: ma sát quá lớn khi va chạm với khí quyển khiến chúng bốc cháy trước khi kịp rơi xuống Trái Đất. Và vì Trái Đất khá rộng lớn, với hơn 70% diện tích bề mặt được bao phủ bởi nước, cho nên nếu một mảnh vỡ đang cháy rớt xuống đại dương thì nó sẽ tắt ngúm rồi chìm nghỉm mà chẳng mấy ai biết.
Theo ước tính, trong số 500.000 mảnh rác đang quay quanh quỹ đạo Trái Đất, khoảng 20.000 mảnh có kích thước lớn hơn trái bóng chày. Tất cả đều được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phối hợp với NASA để cùng theo dõi. NESDIS cho biết, trong số khoảng 50.000 vật thể này thì chừng 1.000 là các mảnh vỡ từ tàu vũ trụ.
Năm 2014, trong một đoạn phim hoạt hình do NASA tạo ra và chia sẻ trên YouTube, góc nhìn về Trái Đất từ vũ trụ cho thấy thế giới của chúng ta đang bị vây quanh bởi một đám mây liên tục di chuyển – gồm nhiều mảnh vỡ do con người tạo ra, và đám mây này cũng liên tục mở rộng để hình thành nên một “đĩa rác” bao quanh hành tinh.
Không chỉ nguy hiểm với Trái Đất mà rác vũ trụ cũng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các vệ tinh, kính viễn vọng không gian và Trạm Vũ trụ Quốc tế đang hoạt động, NESDIS nhận định trên blog. Như trường hợp của Thiên Cung 1, nhiều khả năng nó sẽ bốc cháy ngay khi quay trở lại khí quyển Trái Đất.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không cần phải quá lo lắng về việc sẽ bị một mảnh vỡ cháy rực của nó đánh trúng đầu – xác suất của khả năng này là rất nhỏ, tỷ lệ 1/300 nghìn tỷ, thậm chí nhỏ hơn tới 10 triệu lần so với nguy cơ bị sét đánh trúng hàng năm, theo như báo cáo của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (European Space Agency).
Phạm Nhật (Theo Livescience)