Nguy cơ từ các mảnh vỡ nhân tạo lơ lửng quay xung quanh Trái Đất vừa được giới khoa học nhấn mạnh một lần nữa.

Module Mặt Trăng tách ra từ tàu vũ trụ Apollo 17 (giữa). Các chấm trắng xung quanh module là các mảnh rác vũ trụ (Nguồn: NASA)

Đoạn video do ông Stuart Grey, một giảng viên của trường đại học London (Anh) sản xuất và mới được Viện Hoàng gia của Vương quốc Anh phát hành đã cho người xem thấy không gian xung quanh Trái Đất đã trở nên “chật chội” như thế nào. Con người đã phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên (Sputnik I ) lên quỹ đạo vào năm 1957.

Kể từ đó, những mảnh “rác vũ trụ” dần dần xuất hiện trong không gian, bao gồm các mảnh vỡ của tên lửa, các vệ tinh đã hết hạn sử dụng và các bộ phận tàu vũ trụ rơi ra một cách tự nhiên hoặc do va chạm. Chúng có khả năng gây nguy hiểm cho các tàu vũ trụ và vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo.

NASA đã theo dõi khoảng 20.000 mảnh vỡ lớn hơn quả táo, và khoảng nửa triệu mảnh rác vũ trụ nhỏ hơn nữa. Mặc dù nhỏ, các đối tượng này bay với tốc độ rất lớn và có thể gây thiệt hại đáng kể cho bất kỳ đối tượng nào chúng va phải.

Tính đến năm 2000, đã có khoảng 9.000 mảnh vỡ có thể theo dõi được. Tuy nhiên, một vụ thử tên lửa của Trung Quốc năm 2007 đã gây ra thêm 2.000 mảnh vụn, và một vụ va chạm năm 2009 giữa một vệ tinh của Nga đã hết hạn sử dụng với một vệ tinh thương mại đang hoạt động gây ra thêm 2.000 mảnh rác. Các mảnh lớn nhất có kích thước của một chiếc xe buýt, ông Grey cho biết.

Năm 1996, một vệ tinh của Pháp đã bị hư hại sau khi va phải mảnh vỡ từ một tên lửa Pháp đã phát nổ một thập kỷ trước đó. Trạm vũ trụ quốc tế ISS đã phải định kỳ di chuyển ra khỏi đường đi của của các mảnh rác không gian để tránh va chạm.

Mặc dù hàng triệu mảnh rác hiện vẫn chưa được đưa vào diện theo dõi, nhưng nguy cơ một mảnh rác không gian rơi xuống Trái Đất là không lớn. Tháng trước, một vật thể có biệt danh là "WTF" đã rơi xuống Trái Đất, nhưng nó đã bị đốt cháy trong bầu khí quyển trước khi rơi xuống Ấn Độ Dương gần Sri Lanka.

Các nhà khoa học cũng đang tìm cách dọn sạch rác vũ trụ để tránh các nguy cơ lớn mà chúng có thể gây ra cho tàu vũ trụ và các vệ tinh, chẳng hạn như một lỗ thủng do mảnh rác gây ra cho tấm năng lượng mặt trời của trạm ISS năm 2013.

Không quân Mỹ đang nghiên cứu hệ thống radar mới để theo dõi các mảnh rác không gian, dự kiến ​​đi vào hoạt động trong năm 2019. Các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ cũng đang chế tạo một tàu vũ trụ chuyên để dọn dẹp các vệ tinh nhỏ đã hết hạn sử dụng trên quỹ đạo.