Phát hiện mới cho biết thường xuyên quát tháo, đe dọa, hạ thấp, nhục mạ và chửi rủa gây hệ quả tiêu cực tới trẻ, thậm chí tác động có thể kéo dài cả đời.

Chắc hẳn không hiếm lần bạn chứng kiến cảnh cha mẹ mắng nhiếc, trách móc con cái thậm tệ. Trên thực tế, rất ít bậc làm cha làm mẹ nào chưa từng một lần la mắng con mình. Nhưng một đánh giá tổng hợp mới phát hiện rằng việc trách mắng thường xuyên – bao gồm quát tháo, đe dọa, hạ thấp, nhục mạ và chửi rủa – gây hệ quả tiêu cực tới trẻ, thậm chí tác động có thể kéo dài cả đời.

Các học giả Anh và Mỹ đã xem xét 166 nghiên cứu định lượng tác động của bạo hành ngôn ngữ với trẻ em.

Trong phân tích của mình, họ định nghĩa bạo hành ngôn ngữ thường bao gồm lời lẽ có tính thù địch, kiểm soát tâm lý, hăm dọa, thô tục và nhục mạ. Điều quan trọng cần chú ý là bạo lực ngôn từ không nhất thiết bao gồm việc lớn tiếng. Người lớn có thể hăm he, dọa nạt trẻ em và những người ít tuổi hơnmà không cần cao giọng.

Kết quả, họ phát hiện, những đứa trẻ bị bạo lực ngôn từ sẽ trải qua một loạt hệ quả tiêu cực trong suốt cuộc đời - phổ biến nhất là hành vi phạm tội, trầm cảm, hung hăng, rối loạn hành vi, lạm dụng chất kích thích, và tức giận. Các nghiên cứu khác liên kết bạo lực ngôn từ với trầm cảm, phạm tội bạo hành, các thay đổi về sinh học thần kinh và sức khỏe thể chất bao gồm bệnh béo phì và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Trẻ em bị la mắng thậm tệ sẽ chịu nhiều hệ quả tai hại. Nguồn: vietnamnet.vn
Trẻ em bị la mắng thậm tệ sẽ chịu nhiều hệ quả tai hại. Nguồn: vietnamnet.vn

Bạo hành trẻ em được định nghĩa là “một người trưởng thành hay người chăm sóc khác có những hành động gây hại hay không thực hiện việc chăm sóc cần thiết với một đứa trẻ. Hiện nay, bạo hành trẻ em được phân chia theo bốn loại: bạo hành thể chất, bạo hành tình dục, bạo hành cảm xúc và bỏ mặc. Trong các nghiên cứu hiện nay, bạo hành ngôn ngữ được coi là một phần thuộc bạo hành cảm xúc.

Nhóm tác giả của nghiên cứu mới cho rằng bạo hành ngôn ngữ nên được coi là một phân loại riêng vì một số lý do. Đầu tiên, dữ liệu cho thấy hiện nay bạo hành cảm xúc đối với trẻ em thường phổ biến hơn bạo hành thể chất hay tình dục. Họ cũng cho rằng bạo hành ngôn ngữ rõ ràng và công khai hơn so với các dạng bạo hành cảm xúc khác, chẳng hạn như chiến tranh lạnh và chứng kiến cảnh bạo lực gia đình.

Có một số biện pháp để giúp các bậc cha mẹ tránh la mắng con trẻ như sau:

- Xác định những vấn đề tái diễn: Cố gắng xác định khoảng thời gian trong ngày hay sự việc nào thường dẫn tới khó chịu và mất kiên nhẫn rồi nghĩ ra các giải pháp trước đó.

- Tạo ra nhịp sinh hoạt: Một nhịp sinh hoạt thường xuyên sẽ giúp tránh tranh cãi, nhất là với trẻ em. Chẳng hạn, sau bữa tối, đám trẻ sẽ được chơi trong 30 phút, đi tắm, đánh răng, đọc truyện rồi đi ngủ.

- Xem xét các yếu tố kích hoạt: Hãy chú ý tới những lúc khi con bạn, hay ngay cả bạn, thấy đói hay quá mệt mỏi.

- Quản lý thời gian: Cố gắng làm việc quá nhiều sẽ gây căng thẳng, và dẫn tới khó chịu, mất kiên nhẫn, cáu giận. Bạn nên tránh đưa quá nhiều hoạt động vào một khung thời gian trong ngày.

- Tạm nghỉ: Điều quan trọng là bạn cần nhận ra khi nào mình sắp mất bình tĩnh để có thể tránh tình huống này trước khi tương tác thêm với con cái. Chỉ cần nhắm mắt lại và đếm tới mười cũng sẽ tạo ra khác biệt lớn trong cách phản ứng của bạn với một tình huống khó khăn.

- Thừa nhận cảm xúc của mình: Cha mẹ nào cũng có lúc thấy bực bội. Nếu bạn mất bình tĩnh, hãy đợi cho tới lúc nguôi giận và rồi làm mẫu cho con biết cách nói chuyện về cảm xúc của mình. Nếu bạn la mắng thì hãy nhớ xin lỗi.

Bạo hành ngôn từ sẽ gây bất lợi cho trẻ em. Cha mẹ và những người chăm sóc phải hiểu về những hệ quả tai hại của hành vi này, còn nhân viên y tế công cần nhận diện và giải quyết vấn đề đang ngày càng lớn này.

Nguồn: