Mặc dù mang tính chất cảnh báo nhưng nghiên cứu chưa phân biệt giữa thời gian sử dụng thiết bị nhằm mục đích giáo dục và thời gian sử dụng thiết bị nhằm mục đích giải trí
Thời gian sử dụng thiết bị điện tử là lượng thời gian mà một người sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng và các thiết bị điện tử khác để xem tivi, chơi trò chơi điện… Để đảm bảo trẻ em sẽ dành thời gian tham gia đầy đủ các hoạt động thể chất và ngủ đủ giấc, Tổ chức Y tế Thế giới đã ban hành hướng dẫn khuyến nghị giới hạn thời gian trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử, bao gồm 1 giờ mỗi ngày đối với trẻ từ 2 đến 5 tuổi. Tuy nhiên, nhiều khảo sát gần đây cho thấy chỉ một số ít trẻ em tuân theo các nguyên tắc này. Thời gian sử dụng thiết bị điện tử của trẻ em đã tăng lên trong những năm gần đây do sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị kỹ thuật số và đại dịch COVID-19. Vì vậy, các nhà khoa học dần quan tâm đến việc sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của trẻ.
Theo một nghiên cứu được công bố trên The Journal of the American Medical Association Pediatrics có tiêu đề “Screen Time at Age 1 Year and Communication and Problem-Solving Developmental Delay at 2 and 4 Years”, những đứa trẻ một tuổi tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử hơn bốn giờ mỗi ngày sẽ bị chậm phát triển về kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề khi lên đến độ tuổi từ 2 đến 4.
Nghiên cứu cũng cho thấy những đứa trẻ 1 tuổi tiếp xúc với thiết bị điện tử lâu hơn so với các bạn cùng lứa sẽ có sự chậm phát triển về vận động tinh (fine motor skill - kỹ năng điều khiển các cơ bắp nhỏ, giúp trẻ kiểm soát được các cơ nhỏ ở bàn tay và ngón tay) cũng như các kỹ năng cá nhân và xã hội khi lên 2 tuổi. Nhưng những sự chậm trễ này dường như biến mất khi trẻ được 4 tuổi.
Trên thực tế, các nhà khoa học không phát hiện ra bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với màn hình điện tử gây ra tình trạng chậm phát triển mà thay vào đó, họ tìm thấy mối liên hệ giữa những đứa trẻ tiếp xúc với màn hình điện tử trong thời gian lâu hơn và sự chậm phát triển của chúng. Các chuyên gia cho biết điểm mấu chốt nằm ở thời gian trẻ tiếp xúc trực tiếp với màn hình.
David J. Lewkowicz, nhà tâm lý học phát triển tại Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em Yale, cho biết sự tương tác trực tiếp giữa cha mẹ và con cái đóng vai trò quan trọng, giúp cung cấp cho trẻ một lượng thông tin phong phú, bao gồm cách biểu hiện khuôn mặt, lời nói, giọng nói, tương tác cơ thể, từ đó kết hợp tất cả lại để bày tỏ suy nghĩ, truyền đạt ý tưởng.
“Quá trình này sẽ không xảy ra nếu trẻ xem màn hình thiết bị điện tử,” ông nói và nhận định rằng mình không bất ngờ về kết quả nghiên cứu.
Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học ở Nhật Bản đã khảo sát gần 8.000 người mẹ về mức độ phát triển và thời gian sử dụng thiết bị điện tử của trẻ. Nhìn chung, phụ huynh của những đứa trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử lâu hơn thường là những người lần đầu làm mẹ, trẻ hơn, có thu nhập và trình độ học vấn trong gia đình thấp hơn và những người bị trầm cảm sau sinh. (Chỉ 4% trẻ sơ sinh tiếp xúc với màn hình từ 4 giờ trở lên mỗi ngày, 18% sử dụng thiết bị điện tử từ 2 đến ít hơn 4 giờ mỗi ngày và phần lớn sử dụng ít hơn 2 giờ mỗi ngày).
Nghiên cứu ghi nhận mối liên hệ giữa thời gian tiếp xúc và tình trạng chậm phát triển: Trẻ tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử càng nhiều thì càng có nhiều khả năng có biểu hiện chậm phát triển.
Các nhà khoa học lưu ý, nghiên cứu không phân biệt giữa thời gian sử dụng thiết bị nhằm mục đích giáo dục và thời gian sử dụng thiết bị nhằm mục đích giải trí. Vì vậy, họ mong muốn sẽ có thêm những nghiên cứu khám phá khía cạnh này trong tương lai.
Tiến sĩ Lewkowicz kể rằng các bậc cha mẹ thường xuyên hỏi ông về việc thời gian sử dụng thiết bị bao nhiêu là phù hợp. Ông trả lời rằng: “Hãy nói chuyện với con cái nhiều nhất có thể, tương tác trực tiếp nhiều nhất có thể”.
“Việc yêu cầu các bậc cha mẹ không cho con mình xem màn hình thiết bị điện tử là điều thiếu thực tế”, ông cho biết. “Các bậc cha mẹ không nghe theo lời khuyên đó đâu. Nhưng đế tránh những hệ quả có thể xảy ra thì họ chỉ cần cho con mình sử dụng thiết bị điện tử một cách có chừng mực, và tích cực cho con tương tác xã hội trực tiếp”.
Nguồn: