Theo một nghiên cứu mới, khi người bệnh nhìn nhận nguyên nhân cơn đau lưng mãn tính của mình là do não bộ, họ giảm đau hiệu quả hơn.

"Hàng triệu người đang phải trải qua cơn đau mãn tính, và nhiều người trong số đó vẫn chưa tìm thấy phương pháp hiệu quả, điều này cho thấy còn có thiếu sót trong cách chúng ta chẩn đoán và chữa trị", tác giả đầu tiên của nghiên cứu, Tiến sĩ Yoni Ashar tại Colorado Anschutz Medical Campus, chia sẻ.

Tiến sĩ Yoni Ashar cho rằng, hầu hết mọi người tin rằng đau là một dấu hiệu của tổn thương vật lý, vì thế nó gây nên sự sợ hãi cho người bệnh. Nỗi sợ hãi lại càng khiến người bệnh nhạy cảm, làm cho cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.

Thông qua phương pháp tái xử lý cơn đau (pain reprocessing therapy - PRT), Ashar và nhóm của ông đã tìm hiểu liệu việc quy kết cơn đau là do tâm trí, hay do xử lý của não bộ, có tác động đến việc giảm đau hay không.

"Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, việc thảo luận với người bệnh về nguyên nhân của cơn đau, giúp cho họ hiểu rằng cơn đau thường xảy ra 'ở trong não', có thể giúp họ giảm đau" - Ashar nói.

Nhóm nghiên cứu đã mời hơn 150 người trưởng thành bị đau lưng mãn tính, từ mức độ vừa phải đến nghiêm trọng, cùng thử nghiệm phương pháp PRT và phương pháp giả dược. ⅔ số người sau khi được điều trị bằng PRT đã báo cáo rằng họ không còn đau nữa, hoặc gần như không đau; so sánh với kết quả 20% mà phương pháp giả được thu được.

Ashar nói: "Nghiên cứu này rất quan trọng, vì sự quy kết cơn đau của người bệnh thường không chính xác. Chúng tôi nhận thấy rất ít người tin rằng não bộ của họ có liên quan đến cơn đau. Điều này có thể gây bất lợi hoặc không giúp ích gì cho việc lập kế hoạch phục hồi, bởi những quy kết về cơn đau sẽ định hướng chúng ta đi đến quyết định về phương pháp điều trị, ví dụ như nên phẫu thuật hay điều trị tâm lý".

Trước khi điều trị PRT, chỉ có 10% người tham gia cho rằng phương pháp điều trị này liên quan đến tâm trí hoặc não bộ. Tuy nhiên, sau PRT, con số này tăng lên 51%. Nghiên cứu tiết lộ rằng người tham gia càng chuyển sang nhìn nhận cơn đau của họ là kết quả xử lý của não bộ, cường độ cơn đau lưng mãn tính của họ càng giảm.

"Những kết quả này cho thấy việc thay đổi nhận thức về vai trò của não trong đau lưng mãn tính có thể giúp người bệnh đạt được kết quả và hiệu quả tốt hơn" - Ashar nói.

Tiến sĩ Ashar giải thích thêm, có thể là vì một khi người bệnh hiểu rằng cơn đau của họ là do các xử lý của não bộ, họ cũng hiểu rằng cơ thể họ không có vấn đề gì cả, cơn đau là một "báo động giả" được tạo ra bởi bộ não, và họ không cần phải sợ hãi.

Các biện pháp điều trị không dùng thuốc như châm cứu, tập thể dục, yoga,... được sử dụng trong điều trị đau lưng mãn tính, nhưng đa phần đem lại hiệu quả hạn chế. Ảnh: Internet
Các biện pháp điều trị không dùng thuốc như châm cứu, tập thể dục, yoga,... được sử dụng trong điều trị đau lưng mãn tính, nhưng đa phần đem lại hiệu quả hạn chế. Ảnh: Internet

Các nhà nghiên cứu hy vọng kết quả này sẽ khuyến khích các bác sĩ trao đổi với bệnh nhân về các lý do đằng sau cơn đau của họ, và thảo luận với họ về những nguyên nhân khác ngoài nguyên nhân y sinh học.

"Thông thường, các cuộc thảo luận với bệnh nhân chỉ tập trung vào các nguyên nhân y sinh học của cơn đau. Vai trò của não hiếm khi được đề cập", Ashar nói. "Với nghiên cứu này, chúng tôi mong muốn cung cấp cho người bệnh càng nhiều hỗ trợ càng tốt, bằng cách khám phá ra các phương pháp điều trị khác, bao gồm các phương pháp chỉ ra tác động của não đối với cơn đau mãn tính".

Mặc dù PRT không thích hợp để điều trị các cơn đau do viêm hoặc chấn thương, nhóm nghiên cứu vẫn hy vọng rằng sự kết hợp giữa điều trị tâm lý và hành vi có thể làm giảm một phần đáng kể cơn đau ở những người bị đau mãn tính.

"Cơn đau luôn là thật 100%. Chìa khóa cho một phương pháp điều trị thành công là phải thấu hiểu nguyên nhân gốc rễ của cơn đau - mà trong vài trường hợp, các nguyên nhân khá phức tạp, nhưng trong vài trường hợp khác, cơn đau chủ yếu là do những thay đổi trong đường dẫn truyền thần kinh".


Nguồn: