Vẽ tranh, tô màu, ca hát, làm thơ... ở mức đơn giản cũng có thể đem lại những “kỳ nghỉ ngắn cho tâm trí” của chúng ta.
Bằng trực giác, nhiều người có thể cảm nhận nghệ thuật giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, nhưng chúng ta lại hay quên mất điều đó. Nhất là khi ta không còn tiếp tục các hoạt động múa hát, sáng tác văn thơ hay vẽ tranh mà mình đã từng ưa thích hồi còn nhỏ.
Nhưng có nhiều bằng chứng vô cùng mạnh mẽ cho thấy sáng tạo nghệ thuật cùng các hoạt động như đi nghe hòa nhạc, thăm bảo tàng sẽ có lợi cho sức khỏe tinh thần. Dưới đây là một vài cách đơn giản giúp cải thiện tâm trạng bằng nghệ thuật.
Phương pháp “ba bức vẽ” được bác sĩ tâm thần James S. Gordon, người sáng lập Trung tâm Y học Tâm thần, Mỹ, giới thiệu trong một cuốn sách mới về việc nghệ thuật thay đổi não bộ như thế nào.
Bạn không cần phải vẽ đẹp mới áp dụng được điều này, vẽ hình người que là được rồi. Đầu tiên, hãy vẽ nhanh một hình ảnh về bản thân, không cần phải đắn đo hay trau chuốt quá nhiều đâu. Trong bức thứ hai, bạn hãy vẽ về bản thân và vấn đề lớn nhất mà mình đang gặp phải. Sau đó, vẽ bức thứ ba về bản thân sau khi vấn đề đó đã được giải quyết.
Hoạt động này nhằm mục đích khuyến khích khám phá bản thân. Nó giúp ta chủ động trong việc tự chữa lành, bạn có thể thực hiện hoạt động này cùng nhà trị liệu hoặc không. Theo bác sĩ Gordon, sáng tác nghệ thuật như giúp chúng ta hiểu được điều gì đang diễn ra với bản thân, cũng như biết nên làm gì với điều đó.
Còn nếu đã từng sử dụng những cuốn tô tranh cho người lớn, hẳn bạn sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi biết rằng nghiên cứu cho thấy hoạt động tô màu tỉ mỉ có thể giúp giảm lo lắng.
Việc tô màu theo đường viền, ví dụ trong các họa tiết phức tạp, dường như đặc biệt hữu hiệu. Một nghiên cứu về sinh viên đại học và về những người lớn tuổi hơn cho thấy 20 phút tô tranh mandala, một họa tiết hình học phức tạp, có tác dụng làm giảm lo lắng tốt hơn phương pháp tô màu tự do trong cùng quãng thời gian.
Theo nhà tâm lý học lâm sàng Susan Albers tại Bệnh viện Cleveland (Mỹ), việc tô màu có thể được coi là “kỳ nghỉ ngắn cho tâm trí”. Khi tập trung vào kết cấu trên trang giấy và chọn màu sắc mình thích, ta có thể dễ dàng quên đi những điều rối rắm để ở lại trong hiện tại. Đây có thể là một phương pháp thiền định phù hợp cho những ai ghét ngồi thiền.
Các nghiên cứu còn cho thấy là việc thưởng thức âm nhạc, chơi nhạc cụ hay ca hát cũng mang lại lợi ích.
Ví dụ, một nghiên cứu năm 2022 đã khảo sát 650 người ở bốn nhóm tuổi về thứ tự các hoạt động nghệ thuật giúp họ “cảm thấy dễ chịu hơn” trong những đợt phong tỏa do dịch bệnh năm 2020. Nhóm trẻ nhất, từ 18 đến 24 tuổi, chủ yếu xếp các hoạt động âm nhạc ở vị trí hiệu quả nhất. Và trong tất cả các nhóm tuổi thì việc ca hát cũng nằm trong các vị trí hàng đầu.
Các nghiên cứu chỉ ra, ca hát giúp giảm cortisol, một loại hormone mà cơ thể tiết ra khi căng thẳng. Ví dụ như các bà mẹ mới sinh thường xuyên hát ru con thì sẽ cảm thấy ít lo âu hơn. Âm nhạc mang lại hiệu quả trong việc giảm trạng thái căng thẳng bởi vì những thứ như giai điệu, điệp khúc và các hợp âm tác động lên nhiều vùng não.
Cuối cùng là hoạt động làm thơ. Trước tiên, bạn cần thôi nghĩ rằng mình không có đủ óc sáng tạo. Theo bác sĩ tâm thần Frank Clark, chúng ta luôn quá khắt khe với bản thân, trong khi ai cũng có thể làm thơ. Việc sáng tác thơ đã góp phần giúp vị bác sĩ này vượt qua giai đoạn trầm cảm thời đại học.
Bác sĩ Clark khuyên chúng ta nên bắt đầu bằng một bài haiku đơn giản. Haiku là dạng thơ chỉ có 3 dòng, dòng đầu và dòng cuối gồm có 5 âm, dòng giữa có 7 âm. Bạn cũng nên rủ bạn bè tham gia cùng, theo như một nghiên cứu năm 2020 về tác dụng chữa lành của thơ. Tác giả nghiên cứu này cho hay, chúng ta có thể bắt đầu trải nghiệm các tác dụng của thơ ca chỉ bằng những hoạt động đơn giản như đọc một bài thơ mỗi tuần, chia sẻ bài thơ với bạn bè, hay dành 5-10 phút để tự do viết về một kỉ niệm đáng nhớ, một ý tưởng mới, nỗi lo lắng hay một niềm hi vọng nào đó.