Một nghiên cứu mới đây của Mỹ đã tìm thấy mối liên hệ giữa thực phẩm siêu chế biến, đặc biệt là chất làm ngọt nhân tạo, và chứng trầm cảm.
Thực phẩm siêu chế biến (ultra-processed food) là các loại thực phẩm được chế biến công nghiệp, thường có từ 5 thành phần trở lên. Đặc trưng của nhóm thực phẩm này là chứa một số chất không được dùng trong nấu ăn hằng ngày, như chất ổn định, chất bảo quản, chất phụ gia, phẩm màu. Một số thực phẩm siêu chế biến quen thuộc có thể kể đến: thức ăn đông lạnh, nước ngọt, xúc xích, thịt nguội, thức ăn nhanh, bánh quy đóng gói, snack chứa nhiều muối,...
Trong một nghiên cứu năm 2018, các nhà khoa học đến từ Đại học Sorbonne (Paris, Pháp) đã kết luận: 10% lượng thực phẩm siêu chế biến trong khẩu phần ăn uống có liên quan đến 12% sự gia tăng nguy cơ mắc ung thư. Mặc dù đến nay, ngày càng có nhiều dữ liệu về việc thực phẩm siêu chế biến có ảnh hưởng tới các loại bệnh về thể chất như đột quỵ, đau tim, tăng huyết áp…, đây mới là lần đầu tiên có một nghiên cứu lớn cho thấy rằng, việc tiêu thụ đồ ăn và đồ uống siêu chế biến - đặc biệt là những loại chứa chất làm ngọt nhân tạo - có thể làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm.
Sử dụng dữ liệu từ một trong những nghiên cứu lớn nhất về sức khỏe của phụ nữ tại Mỹ, các nhà nghiên cứu của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và Trường Y Harvard đã kiểm tra chế độ ăn uống và sức khỏe tinh thần của hơn 30.000 phụ nữ trung niên, chủ yếu là người da trắng, từ năm 2003 đến năm 2017; họ đều chưa từng bị trầm cảm trước đó.
Sau đó, nhóm nghiên cứu so sánh số lượng người trở nên trầm cảm từ khi sử dụng thực phẩm siêu chế biến. Kết quả nghiên cứu cho thấy những người ăntừ 9 phần thực phẩm siêu chế biến mỗi ngày có nguy cơ trầm cảm tăng 49%, so với những người ăn ít hơn 4 phần mỗi ngày.
"Các nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra rằng, chất làm ngọt nhân tạo (trong thực phẩm siêu chế biến) có thể kích hoạt việc truyền các phân tử tín hiệu cụ thể trong não, thứ vốn quan trọng với tâm trạng chúng ta", nhóm tác giả nói thêm.
Một số người lại đưa ra quan điểm khác. David Curtis, Giáo sư danh dự tại Viện Di truyền Đại học London, nói: "Thành phần duy nhất mà nghiên cứu này cho thấy có liên quan đến việc tăng nguy cơ trầm cảm, là chất làm ngọt nhân tạo. Điều này không có nghĩa là tác dụng của chất làm ngọt nhân tạo làm tăng nguy cơ trầm cảm, mà chỉ là những người có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn có xu hướng tiêu thụ số lượng chất làm ngọt nhân tạo nhiều hơn".
Phản biện lại quan điểm trên, Giáo sư Andrew T Chan tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, đồng tác giả của nghiên cứu, khẳng định: "Điểm mạnh của nghiên cứu này là chúng tôi có thể đánh giá được chế độ ăn uống của mọi người từ vài năm trước khi họ bắt đầu trầm cảm. Điều này làm giảm khả năng đơn thuần là những người trầm cảm có xu hướng chọn lựa thực phẩm siêu chế biến nhiều hơn".
Năm 2022, trong một nghiên cứu khác, theo dõi trên hơn 10.000 người trưởng thành ở Mỹ, những người càng ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến thì càng gia tăng cảm giác bất an hoặc dấu hiệu trầm cảm nhẹ. Tiến sĩ Hecht, tác giả của nghiên cứu này, cho biết: “Với những người ăn 60% lượng calories trở lên từ thực phẩm siêu chế biến, số ngày tinh thần họ không khỏe mạnh. Đây không phải bằng chứng về mối quan hệ nhân quả (giữa ăn thực phẩm siêu chế biến và trầm cảm), nhưng chúng ta có thể nói rằng dường như có một mối liên hệ".
Cũng trong năm 2022, một nghiên cứu khác theo dõi gần 11.000 người trưởng thành ở Brazil, trong hơn một thập niên, đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng nhiều thực phẩm siêu chế biến và sự suy giảm nhận thức - bao gồm khả năng học hỏi, ghi nhớ, suy luận và giải quyết vấn đề. "Mặc dù theo tuổi tác, nhận thức của chúng ta có sự suy giảm một cách tự nhiên, nhưng chúng tôi thấy rằng sự suy giảm này tăng nhanh lên 28% ở những người tiêu thụ hơn 20% lượng calories từ thực phẩm siêu chế biến", Tiến sĩ Natalia Gomes Goncalves tại Đại học Y São Paulo, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Phần lớn các nghiên cứu hiện có tập trung vào việc sức khỏe đường ruột kém có thể ảnh hưởng đến não như thế nào. Chế độ ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến thường có ít chất xơ - loại chất chủ yếu có trong thực phẩm mang nguồn gốc thực vật như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, quả hạch và hạt. Chất xơ giúp nuôi dưỡng vi khuẩn tốt trong ruột. Wolfgang Marx, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Tâm thần Dinh dưỡng Quốc tế, cho biết, chất xơ cũng cần thiết để sản xuất các axit béo chuỗi ngắn, là những chất được tạo ra khi nó phân hủy trong hệ tiêu hóa, và đóng vai trò quan trọng trong chức năng não. "Chúng ta đã biết rằng những người bị trầm cảm và các rối loạn tinh thần khác có thành phần vi khuẩn đường ruột ít đa dạng hơn và ít axit béo chuỗi ngắn hơn", ông nói.
Cách nhận biết thực phẩm siêu chế biến
Cách tốt nhất để xác định thực phẩm siêu chế biến là đọc nhãn sản phẩm. Whitney Linsenmeyer, Trợ lý Giáo sư Dinh dưỡng tại Đại học Saint Louis (Missouri) chia sẻ: Trên nhãn của loại thực phẩm này sẽ có một danh sách dài các nguyên liệu, bao gồm các nguyên liệu bạn không bao giờ dùng khi nấu ăn. Những thành phần có tên hóa học, những từ làm bạn lúng túng phát âm, và bất cứ thành phần gì bạn khó tìm thấy trong tủ bếp nhà mình…, thường là những dấu hiệu cho thấy đó là thực phẩm thuộc loại siêu chế biến.
Bạn vẫn có thể sử dụng thực phẩm tiện lợi để nấu nướng dễ dàng hơn mà không cần dùng đến thực phẩm siêu chế biến. Các sản phẩm như đậu đóng hộp, rau đông lạnh, gạo lứt nấu sẵn hoặc cá đóng hộp đều là những nguyên liệu "nhanh gọn" phù hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, miễn là không có bất kỳ thứ thành phần công nghiệp nào được ghi trên nhãn. Whitney Linsenmeyer cho biết: “Nếu các thành phần của thực phẩm cũng là những thành phần bạn sẽ tự sử dụng khi nấu nướng - thảo mộc, gia vị, muối, dầu ăn,... - thì đó là dấu hiệu cho thấy thực phẩm này, dù đã qua chế biến, cũng không có hại cho bạn".
Nguồn: