Chúng ta thường nghe những lời khuyên như vo gạo kỹ, ngâm rửa rau càng lâu càng tốt hay ninh hầm thức ăn cho thật nhừ... mới đảm bảo vệ sinh và giữ được mùi vị. Tuy nhiên, trên thực tế, những cách chế biến trên có thể làm mất các chất dinh dưỡng có trong thức ăn.
Thức ăn là nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu cho cơ thể. Vì vậy, để chế biến thực phẩm thành những món ăn ngon, hợp khẩu vị mà vẫn đảm bảo được đầy đủ các dưỡng chất quý giá trong đó qủa là một điều không đơn giản. Với tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay, điều này lại càng mang tính cấp thiết. Nhằm hạn chế tối thiểu mức hao hụt dinh dưỡng trong quá trình sơ chế, chế biến và bảo quản thực phẩm, mọi người cần chú ý những sai lầm phổ biến dưới đây
Ngâm rửa thực phẩm lâu trong nước
Nhiều bà nội trợ vì lo ngại về các chất bẩn, chất bảo quản và thuốc trừ sâu vẫn còn tồn dư trong thực phẩm, đặc biệt là các loại rau xanh, trái cây nên có thói quen ngâm rửa chúng thật lâu. Đây là cách làm gây thất thoát đi một số vitamin B, C tan trong nước. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể rửa rau ngay dưới vòi nước chảy và ngâm thêm nước muối 3-4 phút.
Chà xát, vò gạo quá kỹ
Lớp vỏ cám của gạo và các loại ngũ cốc nguyên hạt tương tự chứa nhiều vitamin B1. Đây là chất rất cần thiết cho quá trình chuyển hóa - dẫn truyền thần kinh, phối hợp cơ bắp và sẽ mất đi nếu bạn ngâm vò, chà xát gạo quá kỹ làm mất đi lớp vỏ tưởng chừng như “bỏ đi” đó.
Chế biến trực tiếp thực phẩm chưa rã đông
Cần rã đông thực phẩm trước khi nấu để món ăn chín đều hơn.
Có thể vì quỹ thời gian dành cho nấu nướng khá eo hẹp mà một số người thường bỏ thẳng các loại thịt, cá... đóng băng vào nồi nấu ngay. Nếu không muốn thưởng thức một món ăn “trong sống ngoài chín”, bạn hãy tập cho mình thói quen rã đông thực phẩm bằng cách lấy khỏi ngăn đá trước khi nấu 1-2 giờ hoặc hâm nóng chúng với lò vi sóng.
Luộc trứng quá chín
Nhiều người thường nghĩ ăn trứng sống mới gây hại đến hệ tiêu hóa mà không biết rằng chế biến trứng quá kỹ cũng làm giảm đáng kể chất dinh dưỡng có trong loại thực phẩm này. Lý do là bởi ở nhiệt độ cao quá lâu, các các chất sắt từ lòng đỏ sẽ phản ứng với một phần hydrogen sulfide có trong lòng trắng trứng tạo nên sunfua sắt, làm xuất hiện những vòng xanh bao quanh lòng đỏ làm nó sạm màu đi, có mùi lưu huỳnh còn lòng trắng thì trở nên dai hơn bình thường.
Ninh, hầm thức ăn
Ninh, hầm thức ăn trong thời gian vừa đủ giúp giữ được dưỡng chất, hương vị của món ăn.
Là một trong những phương pháp quen thuộc để chế biến thức ăn song không phải lúc nào, việc ninh, hầm nhừ các loại thực phẩm cũng mang lại món ăn “ngon cái, ngọt nước” như các bà nội trợ thường quan niệm. Để thực phẩm tiếp xúc với nhiệt độ, gia vị trong thời gian vừa phải giúp các dưỡng chất không bị biến tính, từ đó đảm bảo dinh dưỡng mà vẫn giữ được hương vị đặc trưng của món ăn.
Bỏ qua các loại gia vị bổ sung vi chất
Đối với cơ thể, các loại vi chất như vitamin A, B1, C, D, sắt, kali... dù chỉ cần với một lượng rất nhỏ nhưng không thể không có mặt trong khẩu phần ăn hằng ngày. Để bổ sung các loại chất này, người chế biến nên chú ý dùng thêm những gia vị chứa vi chất: hạt nêm bổ sung vitamin A, muối iot, dầu ăn Molivse... thay vì dùng các loại gia vị thông thường.