Các nhà khoa học phát hiện, những cảm xúc được khơi gợi bằng âm nhạc có thể hình thành nên những ký ức riêng biệt và lâu bền. Phát hiện này có thể mang lại triển vọng điều trị cho những người mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn và trầm cảm.

Mặc dù thời gian là một dòng chảy liên tục, ký ức của chúng ta lại được chia thành những giai đoạn riêng biệt, và rồi trở thành một phần trong câu chuyện của mỗi cá nhân. Cảm xúc định hình quá trình hình thành ký ức như thế nào? Đó là một bí ẩn mà gần đây khoa học mới bắt đầu làm sáng tỏ. Ý tưởng mới nhất đến từ các nhà tâm lý học ở Đại học California, Los Angeles (UCLA). Họ phát hiện ra rằng, những dao động cảm xúc được khơi gợi bởi âm nhạc sẽ giúp hình thành những ký ức riêng biệt và lâu bền.

Được công bố trên tạp chí Nature Communications, nghiên cứu mới cho biết đã sử dụng âm nhạc để điều chỉnh cảm xúc của các tình nguyện viên khi họ thực hiện các nhiệm vụ đơn giản trên máy tính. Các nhà nghiên cứu sau đó phát hiện, sự dao động cảm xúc của con người đã biến những trải nghiệm vốn dĩ bình thường thành những sự kiện đáng nhớ.

Mason McClay, tác giả chính của nghiên cứu và là nghiên cứu sinh Tiến sĩ về Tâm lý học tại UCLA, cho biết: “Những thay đổi trong cảm xúc được gợi lên bởi âm nhạc đã tạo ra ranh giới giữa các giai đoạn ký ức, khiến mọi người dễ dàng nhớ lại nội dung và thời gian diễn ra sự việc. Chúng tôi cho rằng phát hiện này mang tới triển vọng điều trị rất lớn cho những người mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn [PTSD] và trầm cảm”.

Theo thời gian, con người cần tập hợp thông tin thành từng nhóm vì có quá nhiều thứ cần nhớ (và không phải tất cả đều hữu ích). Có hai quá trình tham gia vào việc biến trải nghiệm thành ký ức: Quá trình thứ nhất tích hợp ký ức của chúng ta, sau đó nén và liên kết chúng thành những giai đoạn được cá nhân hóa; quá trình còn lại mở rộng và tách biệt từng ký ức khi trải nghiệm dần trôi theo thời gian. Luôn có một sự giằng co liên tục giữa việc tích hợp và phân tách ký ức, chính sự co kéo này giúp hình thành nên ký ức riêng biệt. Quá trình linh hoạt này giúp những trải nghiệm của con người dễ hiểu và có ý nghĩa, từ đó có thể lưu giữ thông tin.

David Clewett, đồng tác giả của nghiên cứu và là Trợ lý Giáo sư Tâm lý học tại UCLA, cho biết: “Cũng giống như việc bỏ đồ vào hộp để cất giữ lâu dài, khi cần lấy một thông tin nào đó, chúng ta mở chiếc hộp chứa nó. Nghiên cứu này cho thấy cảm xúc là một chiếc hộp lưu trữ hiệu quả và giúp ta dễ lấy ký ức hơn”.

Có lẽ “Những kỷ nguyên của Taylor Swift” (Eras Tour) cũng có hiệu ứng tương tự, điều đó giải thích tại sao tour lưu diễn này lại thành công đến vậy. Các buổi hoà nhạc của Eras Tour tập hợp mọi thời kỳ trong sự nghiệp của nữ ca sĩ mà khán giả có thể dễ dàng mở ra-đóng vào để sống lại những trải nghiệm giàu cảm xúc. Ảnh: Internet
Có lẽ Eras Tour của Taylor Swift” khơi gợi nhiều cảm xúc, điều đó giải thích vì sao tour lưu diễn này lại thành công đến vậy. Ảnh: Internet

McClay và Clewett, cùng với Matthew Sachs tại Đại học Columbia, đã thuê các nhà soạn nhạc sáng tác những bản nhạc đặc biệt để khơi gợi cảm xúc vui vẻ, lo lắng, buồn bã hoặc bình tĩnh ở nhiều mức độ khác nhau. Những người tham gia nghiên cứu vừa nghe nhạc vừa tưởng tượng một câu chuyện đi kèm với loạt hình ảnh hiện trên màn hình máy tính (ví dụ như hình ảnh lát dưa hấu, ví tiền hay quả bóng,...). Họ cũng dùng chuột để theo dõi từng giây những thay đổi trong cảm xúc của mình, thông qua một công cụ mới được phát minh để theo dõi phản ứng cảm xúc với âm nhạc.

Tiếp theo, sau khi thực hiện một nhiệm vụ đánh lạc hướng, những người tham gia được cho xem lại các cặp hình ảnh theo thứ tự ngẫu nhiên. Đối với mỗi cặp, họ được hỏi bức ảnh nào họ nhìn thấy trước, sau đó cảm nhận về khoảng cách thời gian giữa hai lần nhìn thấy hai vật thể. Kết quả, các cặp vật thể được nhìn thấy ngay trước và sau sự thay đổi trạng thái cảm xúc - dù mạnh, nhẹ hay trung bình - được họ ghi nhớ là có thời gian xuất hiện xa nhau hơn, so với các hình ảnh không liên quan đến bất kỳ thay đổi cảm xúc nào. Những người tham gia cũng có trí nhớ kém hơn về thứ tự các hình ảnh đi kèm sự thay đổi cảm xúc so với các hình ảnh họ xem khi ở trạng thái cảm xúc ổn định.

McClay tuyên bố: “Điều này cho chúng ta biết, những khoảnh khắc cao trào của sự hồi hộp và thay đổi cảm xúc (giống những đoạn nhạc trong bài Bohemian Rhapsody của ban nhạc Queen) có thể được nhớ là đã kéo dài lâu hơn những trải nghiệm có độ dài tương tự nhưng ít cảm xúc hơn. Các nhạc sĩ và nhà soạn nhạc mà biết cách đan kết các sự kiện cảm xúc lại với nhau để kể một câu chuyện, có lẽ cũng đang làm cho ký ức của chúng ta phong phú và cảm giác về thời gian của ta dài hơn”.

Hướng thay đổi của cảm xúc cũng quan trọng. Sự tích hợp trí nhớ diễn ra tốt nhất - nghĩa là ký ức về các hình ảnh nối tiếp có cảm giác gần nhau hơn về mặt thời gian, và những người tham gia thí nghiệm có thể nhớ lại thứ tự của chúng tốt hơn - khi cảm xúc chuyển dần sang tích cực. Ngược lại, sự chuyển dịch sang cảm xúc tiêu cực (ví dụ như từ bình tĩnh sang u buồn) có xu hướng tách rời và kéo giãn khoảng cách giữa những ký ức mới.

Các tình nguyện viên còn được khảo sát vào ngày hôm sau để đánh giá trí nhớ dài hạn. Kết quả, họ có khả năng nhớ lại các sự kiện và khoảnh khắc tốt hơn khi cảm xúc thay đổi, đặc biệt là khi trải qua những cảm xúc tích cực mãnh liệt. Điều này cho thấy cảm giác tích cực và tràn đầy năng lượng có thể gắn kết các yếu tố khác nhau của một trải nghiệm trong trí nhớ.

Sachs nhấn mạnh âm nhạc có tính hữu dụng cao nếu được dùng như một kỹ thuật can thiệp.

Ông cho biết: “Hầu hết các liệu pháp điều trị rối loạn nhờ âm nhạc đều dựa trên thực tế là nghe nhạc có thể giúp bệnh nhân thư giãn hoặc cảm thấy vui vẻ, từ đó giảm bớt các triệu chứng cảm xúc tiêu cực. Do đó, lợi ích của việc nghe nhạc trong những trường hợp này chỉ là thứ yếu và gián tiếp. Ở đây, chúng tôi đề xuất một cơ chế khả thi mà qua đó, âm nhạc giàu cảm xúc có thể trực tiếp điều trị các vấn đề đặc trưng ở các chứng bệnh rối loạn liên quan đến trí nhớ”.

Âm nhạc có tính hữu dụng cao nếu được dùng như một kỹ thuật can thiệp. Ảnh: Internet
Âm nhạc có tính hữu dụng cao nếu được dùng như một kỹ thuật can thiệp. Ảnh: Internet

Clewett cũng cho biết, những phát hiện này có thể giúp con người khôi phục những ký ức gây ra chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương PTSD.

“Nếu những ký ức đau buồn không được cất giữ đúng cách, chúng sẽ tràn ra ngoài khi nắp hộp hé mở mà không hề báo trước. Đây là lý do tại sao những sự kiện bình thường (xem pháo hoa) có thể kích hoạt những trải nghiệm đau thương (sống sót sau một vụ đánh bom hoặc nổ súng)” - ông nói, “Chúng tôi nghĩ rằng ta có thể sử dụng những cảm xúc tích cực có được nhờ âm nhạc để giúp những người mắc PTSD đặt ký ức ban đầu vào một chiếc hộp và tái tích hợp chúng, để những cảm xúc tiêu cực không tràn vào cuộc sống hằng ngày nữa”.

Nguồn: