Thêm nhiều nghiên cứu đang được tiến hành, sau khi liệu pháp miễn dịch mang lại những kết quả “phi thường” trong điều trị ung thư ống mật.

Sau khi đau nhức vai tới không ngủ được, ông Robert Glynn, 51 tuổi, thợ hàn ở Greater Manchester, đi khám và nhận được hung tin là mình mắc ung thư đường mật trong gan ngay trước sinh nhật 49 tuổi một ngày, vào 6/2022.

Đường mật hay ống mật là những ống nhỏ nối gan và ruột non. Chúng cho phép chất lỏng gọi là mật chảy từ gan, qua tuyến tụy, đến ruột, giúp tiêu hóa thức ăn.

Robert Glynn khỏi bệnh ung thư sau khi tham gia vào thử nghiệm lâm sàng trị liệu miễn dịch
Robert Glynn khỏi bệnh ung thư sau khi tham gia vào thử nghiệm lâm sàng trị liệu miễn dịch.

Căn bệnh ung thư khiến các tế bào lót trong ống mật nhân lên và phát triển nhiều hơn bình thường.

Lúc Glynn đi khám, ung thư đã lan tới tuyến thượng thận và gan, các khối u quá lớn để làm phẫu thuật. Bệnh đã vào giai đoạn 4 và tiên lượng không khả quan.

“Tôi xin bác sĩ hãy nói thật cho biết mình còn bao nhiêu thời gian sống, và cô ấy nói chỉ còn 12 tháng”, ông Glynn kể lại.

Hằng năm có khoảng 1.000 người ở Anh bị chẩn đoán mắc ung thư ống mật. Với những trường hợp ung thư đã lan tới các cơ quan khác như ông Glynn, chỉ 1/50 người (2%) sống được ít nhất năm năm sau chẩn đoán, theo các nghiên cứu của Mỹ mà Liver Cancer UK trích dẫn.

Glynn được giới thiệu tới Bệnh viện Christie, một trong những trung tâm điều trị ung thư lớn nhất châu Âu, ở Manchester. Tại đây ông tham gia vào thử nghiệm lâm sàng, nhận một loại thuốc trị liệu miễn dịch đã được cấp phép để sử dụng cho bệnh ung thư phổi, thận và thực quản. Trị liệu miễn dịch hoạt động bằng cách giúp hệ miễn dịch nhận ra và tấn công các tế bào ung thư.

Phương pháp điều trị được tiến hành bằng cách truyền nhỏ giọt, giúp hệ miễn dịch của bệnh nhân chiến đấu chống lại ung thư, kết hợp đồng thời với hóa trị tiêu chuẩn.

Loại thuốc này không được đặt tên do tính chất thử nghiệm để chữa ung thư ống mật.

Kết quả, khối u trong lá gan thu nhỏ từ 12cm xuống 2,6cm; còn khối u trong tuyến thượng thận giảm từ 7cm xuống còn 4,1cm. Nhờ đó, Glynn có thể tiến hành phẫu thuật vào tháng Tư để loại bỏ các khối u.

Các bác sĩ giải phẫu chỉ thấy mô chết, đồng nghĩa với việc điều trị đã diệt được tất cả các tế bào ung thư. “Họ không hề tìm thấy tế bào ung thư hoạt động nào. Họ xét nghiệm các khối u hai lần bởi vì không thể tin được”, Glynn nói.

“Một y tá tại Christie nói rằng đó là một phép màu. Tôi không thích cách diễn đạt như vậy – tôi chỉ là người thường thôi – nhưng kết quả đó thật phi thường. Nếu không nhờ thử nghiệm thì tôi không còn ở đây nữa”, ông nói thêm.

Kể từ khi làm phẫu thuật vào tháng Tư năm nay, Glynn không còn cần điều trị thêm và các lần kiểm tra ba tháng một lần cho thấy ông đã hết ung thư.

Hiện nay đã có thêm các nghiên cứu được tiến hành với nhiều bệnh nhân hơn với hy vọng thay đổi được cách điều trị bệnh ung thư ống mật.

Sau khi đã biết được mối liên hệ giữa bệnh béo phì và ung thư, Glynn cũng thay đổi hoàn toàn chế độ ăn uống, giảm được gần 32kg bằng cách loại bỏ mọi thực phẩm chế biến sẵn, đường tinh luyện, sữa và sản phẩm từ sữa.

Giáo sư Juan Valle, bác sĩ, nhà tư vấn ung thư tại Bệnh viện Christie và là chuyên gia hàng đầu thế giới về ung thư ống mật, cho biết, “Robert đã hồi phục rất tốt do khối u của anh ấy có mức độ đột biến cao, hay là số lượng đột biến gene cao. Hầu hết bệnh nhân có chẩn đoán mắc ung thư ống mật không có nhiều đột biến trong tế bào ung thư như thế nên việc điều trị sẽ không có hiệu quả, điều này thực sự nêu bật tầm quan trọng của y học cá nhân hóa.”

Khi khối u đột biến, protein do gene tạo ra sẽ thay đổi và hình thành một loại kháng nguyên mới. Đột biến càng nhiều thì kháng nguyên càng tăng, như thế hệ thống miễn dịch càng dễ phát hiện các tế bào ung thư để tấn công.

“Các đồng nghiệp trên toàn thế giới hết sức mong đợi kết quả của nghiên cứu này và một nghiên cứu khác lớn hơn, vì nó có thể dẫn tới thay đổi trong cách điều trị cho những bệnh nhân như Robert trong tương lai”.

Nguồn: