Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến và nguy hiểm nhất trên thế giới. Mỗi năm có khoảng một triệu người chết vì căn bệnh này. Tuy nhiên, khối u thực sự không đáng lo ngại nếu được phẫu thuật cắt bỏ kịp thời. Bệnh chỉ thực sự nguy hiểm nếu không được phát hiện trong một thời gian dài và đã hình thành di căn ở phổi và gan. Một phần ba số bệnh nhân rơi vào tình trạng này và 85% trong số đó tử vong.
Nhưng vấn đề là ung thư di chuyển từ trực tràng đến các cơ quan khác như thế nào? Các nhà nghiên cứu tại Viện Y sinh ở Barcelona (IRB) đã xác định được cách các tế bào ung thư đại trực tràng di căn vào phổi và gan. Chúng tương đối ít nhưng lại đặc biệt hung hãn. Nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Eduard Batlle dẫn dắt đã tìm hiểu quá trình di căn của ung thư đại trực tràng để tìm ra các phương pháp điều trị, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
Nhóm nghiên cứu ở Barcelona đã thực hiện các thí nghiệm trên chuột và xác định các tế bào thủ phạm. Chúng được mệnh danh là tế bào tái phát cao (HRC) (High Relapse Cells) . Đây là những tế bào tách ra khỏi khối u chính và kích hoạt sự di căn sang các cơ quan khác, tình trạng này thường xảy ra ở một phần ba số người mắc bệnh. Tuy nhiên, trước đây người ta không biết rằng các tế bào này không tách ra đi riêng lẻ mà đi theo nhóm nhỏ.
Nhóm nghiên cứu đã công bố kết quả này trên tạp chí Nature vào đầu tháng 11. Eduard Batlle và các cộng sự đã tiến hành phân tích bộ gene của các tế bào này và xác định được một trong số 99 gene hoạt động trên mức trung bình, đây là một sự khác biệt đáng kể so với các tế bào khối u khác. "Một số trong số 99 gene này tạo ra các protein có thể bị tiêu diệt bằng thuốc," Batlle nói. Đây là xuất phát điểm để tìm ra phương pháp điều trị.
Hiện nay đã có những liệu pháp miễn dịch có khả năng tiêu diệt tế bào tái phát cao như vậy, với điều kiện chúng chưa đến được gan và phổi. Hiệu quả của liệu pháp phụ thuộc vào thời gian áp dụng. Các thí nghiệm trên chuột cho thấy những liệu pháp này thành công nhất nếu được sử dụng trước khi khối u nguyên phát được phẫu thuật cắt bỏ.
Bởi vì một khi các tế bào đã làm tổ trong các cơ quan, chúng sẽ tạo ra môi trường khối u riêng, khi đó gần như không thể xâm nhập vào được. Theo công bố trên Nature, điều quan trọng là phải tận dụng khoảng thời gian mà liệu pháp miễn dịch có thể ngăn ngừa tái phát sau này. Batlle hy vọng việc tìm ra phương pháp điều trị phù hợp có thể cứu sống khoảng nửa triệu người trên toàn thế giới mỗi năm.