Thanh long đang dần trở thành một loại trái cây ưa thích của nhiều người bởi nó ngon, bổ và rẻ. Quả thanh long có tác dụng ngừa lão hóa, chống oxy hóa, cải thiện sức khỏe tim mạch, kiểm soát và phòng chống bệnh tiểu đường, đẹp da, trị mụn trứng cá…
Cây thanh long giống. Ảnh minh họa.
1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và giống
Dụng cụ trồng
Bạn có thể tận dụng bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng cây thanh long. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.
Chậu trồng thanh long tại nhà nên chọn chậu có kích thước cao trên 30cm, dài 70cm, rộng 50cm.
Trụ xi măng: Trụ có đường kính trên 15cm, cao khoảng 1,6 - 1,8m (sau khi chôn trụ).
Cao 2m cạnh vuông 12 - 15cm. Trụ được chôn sâu 0,5 - 0,6m và tiến hành làm mô (ụ). Nếu không có trụ, bạn cũng có thể cho cây thanh long bám vào thân các cây khác hoặc bên ban công.
Đất trồng
Thanh long thuộc loại cây ưa sáng, rễ bàng và ăn cạn, vì vậy đất trồng phải thông thoáng, không ngập nước vào mùa mưa, lũ. Cây không bị che lấp ánh sáng mặt trời quá 30% diện tích chiếu sáng. Nước tưới không được nhiễm mặn, nhiễm phèn.
Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 7 - 10 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.
Giống
Hiện nay trên thị trường có 2 loại thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng. Bạn có thể trồng tùy vào sở thích và điều kiện. Cây thanh long bạn có thể mua sẵn ở vựa giống hoặc trồng từ cành cây mẹ.
Hoa thanh long. Ảnh minh họa.
2. Trồng thanh long
Chọn các cành to khỏe, thẳng, không sâu bệnh, tuổi cành > 6 tháng. Hom giống dài từ 30 - 40cm, đáy hom (dài 3 - 5cm) được cắt bỏ phần thịt bên ngoài, để lại phần lõi, nhằm tránh thối hom giống.
Sau đó nhúng vào dung dịch thuốc trừ nấm như Benlate C, nồng độ 0,1% trong 5 phút. Hom có thể được giâm trước khi trồng trong vùng che bớt ánh sáng tới khi cành ra rễ và đâm chồi mới hoặc có thể trồng thẳng xuống chậu.
Khi trồng, đặt phần lõi xuống đất, phần mặt phẳng của thân thanh long ôm sát vào cây trụ và dùng dây nylon buộc cành vào trụ, mỗi trụ đặt 4 hom. Sau khi trồng xong thì tưới nước đẫm cho cây.
Thanh long trồng trong chậu khá đơn giản và không tốn nhiều công chăm sóc. Ảnh minh họa.
3. Chăm sóc
Hom sau khi đặt cần phải tưới nước thường xuyên 2 lần /ngày (không tưới quá nhiều vì nước sẽ thối gốc), khi cây đã sinh trưởng, phát triển tuỳ theo điều kiện thời tiết mà tưới nước cho cây, không được để quá khô cũng không tưới quá ẩm, chú ý thoát nước khi mưa lũ.
Từ mặt đất tới đỉnh trụ, chỉ chọn để lại 1 cành. Trong thời gian này, cần phải chú ý cột cành sát vào trụ để rễ khí sinh của cành bám chặt vào trụ giúp cho cành không bị gãy khi gặp mưa, gió….
Ở đỉnh trụ, cành có thể được tỉa sao cho tán tròn và phân bố đều quanh cột trụ. Các cành mới trên đỉnh trụ bà con sẽ tỉa theo nguyên tắc: 1 cành mẹ, 2 cành con. Cần chọn các cành to, khoẻ để lại. Thường xuyên tỉa bỏ cành sâu bệnh, cành tai chuột, cành đã cho quả 2 - 3 năm, cành nằm khuất trong tán.
Sau khi trồng thanh long được khoảng 2 tuần, tiến hành bón lót đợt đầu bằng phân hữu cơ, phân dê, phân bò, phân trùn quế… Cứ khoảng 1 - 2 tháng lại tiến hành bón đợt tiếp theo cho cây. Mỗi lần bón phân kết hợp với làm cỏ và vun xới cho thanh long.
Thanh long hiện tại không chỉ được trồng để lấy quả mà người ta còn sử dụng như cây cảnh. Ảnh minh họa.
4. Thu hoạch
Quả có thể thu hoạch được từ 29 - 31 ngày sau khi hoa nở. Sau khi trái chuyển màu từ xanh qua đỏ được độ 3 ngày thì dùng liềm hay dao cắt. Nếu chăm sóc tốt, sau 1 năm trồng thanh long sẽ cho thu hoạch bói.