Cây quất (tắc) là biểu tượng của may mắn, sung túc trong năm mới nên nó được trồng làm cây cảnh trang trí trong nhà, sân vườn. Ngoài ra, quả của nó còn có tác dụng giúp hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa bệnh tiểu đường, tăng cường hệ miễn dịch, giảm cân, trị ho…

Cây quất giống. Ảnh minh họa.
Cây quất giống. Ảnh minh họa.


1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và giống

Dụng cụ trồng

Bạn có thể tận dụng bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng cây quất. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.

Chậu trồng cây quất tại nhà nên chọn chậu có kích thước miệng chậu trên 30cm, cao từ 30 - 40cm.


Đất trồng

Cây quất có thể trồng ở nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, cây sẽ phát triển tốt nếu được trồng bảo đảm được độ thông thoáng, độ ẩm và có dộ pH thích hợp là từ 5 - 6.

Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 7 - 10 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.

Giống

Cây quất có thể gieo trồng từ hạt hoặc chiết cành. Tuy nhiên, quất trồng bằng hạt cây dễ bị biến dị, cây chậm ra trái, do vậy nên áp dụng phương pháp trồng chiết cành. Chọn cành chiết làm giống nên chọn cành to bằng ngón tay út, không sâu bệnh, cành và lá phát triển đều. Mục đích là để cây phát triển tốt, rễ phát sau khi chiết nhiều.
Nếu muốn tiết kiệm thời gian, bạn có thể mua giống bán sẵn tại các vựa giống gần nha. Nên chọn những cây khỏe mạnh, mập mạp, không sâu bệnh, không gãy dập.

Hoa quất. Ảnh minh họa.
Hoa quất. Ảnh minh họa.

2. Chiết cành và trồng cây

Chiết cành

Cách chiết quất cần tiến hành khoanh vỏ với chiều dài 2cm, cạo hết lớp tượng tầng xung quanh cành để tránh tái sinh vỏ, để cho khô (khoảng 1 -2 ngày) sau đó dùng xơ dừa hoặc đất ẩm bó lại bằng bao nilon trong, cột chặt 2 đầu không để thoát hơi nước ra ngoài tránh bị khô.

Sau 45 - 60 ngày cây quất sẽ ra rễ, khi nhìn bên ngoài thấy rễ trắng mọc ra là có thể cắt và đem trồng.

Trồng cây

Khi đã chuẩn bị đất trồng và dụng cụ trồng xong, nhẹ nhàng rạch bỏ bao nilon (tránh đụng chạm tới rễ), đào hố và đặt cây xuống. Lấp đất vào xung quanh gốc, ấn nhẹ tay cho cây đứng, tránh làm đứt rễ cây, trồng xong tưới thật đẫm nước.

Quả quất có tác dụng giúp hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa bệnh tiểu đường, tăng cường hệ miễn dịch, giảm cân, trị ho…
Quả quất có tác dụng giúp hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa bệnh tiểu đường, tăng cường hệ miễn dịch, giảm cân, trị ho…

3. Chăm sóc

Thời gian đầu mới trồng, tưới nước ngày 2 lần cho cây vào sáng sớm hoặc chiều mát. Sau đó khoảng 15 ngày, chỉ cần ngày tưới nước 1 lần (mùa mưa không cần tưới nước).

Quất là loại cây ưu ánh sáng, chính vì vậy cần đặt châu cây ở những nơi có ánh sáng mặt trời chiếu đến để cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn.

Khi trồng cây được khoảng 20 ngày, cây đã bén rễ và xanh tốt thì tiến hành bón lót bằng phân hữu cơ, phân bò, phân dê, phân trùn quế… Cứ 1 - 2 tháng bón 1 lần cho cây.

Khi cây quất còn nhỏ, mỗi lần cây ra hoa và trái non phải vặt bỏ hết hoa và quả để các chất dinh dưỡng chủ yếu nuôi thân và cành.

Sau mùa Xuân nhiệt độ lên cao, quất mọc nhanh, phải tiến hành tỉa thưa, chọn 3 - 5 cành chính để lại, còn lại cần phải tỉa bớt. Sau đó theo tình hình khỏe hay yếu của cành chính, cắt bớt để lại 4 - 5 chồi khỏe. Khi cây mọc được 2 tháng cành mới mọc đồng loạt, để khống chế mọc quá nhanh lại tiến hành tỉa lần thứ 2. Về sau cành mới mọc 8 - 10 lá thì hái ngọn, cho đến kỳ ra hoa kết quả.

Cây quất (tắc) là biểu tượng của may mắn, sung túc nên được rất nhiều gia đình chọn làm cây cảnh chưng trong nhà.
Cây quất (tắc) là biểu tượng của may mắn, sung túc nên được rất nhiều gia đình chọn làm cây cảnh chưng trong nhà.

4. Thu hoạch

Nếu trồng và chăm sóc tốt, khoảng 1 - 2 năm cây quất sẽ cho thu hoạch quả. Bạn có thể để quả làm cảnh hoặc thu hoạch để muối hoặc sử dụng.