Theo WHO, mối đe dọa ngày càng tăng về kháng kháng sinh ở Việt Nam bắt nguồn từ việc sử dụng kháng sinh không hợp lý ở tất cả các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe, chăn nuôi và cộng đồng.

Lạm dụng kháng sinh góp phần làm cho vi khuẩn trở nên kháng thuốc | Ảnh minh họa: WHO
Lạm dụng kháng sinh góp phần làm cho vi khuẩn trở nên kháng thuốc | Ảnh minh họa, WHO

Siêu vi khuẩn xuất hiện

Vào một ngày chủ nhật cuối tháng 5/2016, điều mà các bác sĩ lo sợ từ lâu đã đến: một bệnh nhân tại Mỹ nhiễm một chủng vi khuẩn dường như hoàn toàn kháng với các loại thuốc kháng sinh.

Cô được Washington Post miêu tả là một phụ nữ 49 tuổi, sống ở bang Pennsylvania, không hề du lịch ra khỏi Mỹ trong vòng 5 tháng gần nhất, và trong nước tiểu có chứa một chủng vi khuẩn E. coli kháng lại colistin, “loại thuốc kháng sinh mạnh cuối cùng” mà con người có thể sử dụng.

Đây là dấu hiệu cảnh báo khiến các bác sĩ trên toàn thế giới và giới chức nước Mỹ không ngừng lo sợ, bởi mặc dù bản thân E. coli không được xem là một chủng đặc biệt nguy hiểm, đồng thời sau đó bệnh nhân cũng đã hồi phục và cũng không có dấu hiệu cho thấy chủng vi khuẩn của người này biến thành một dịch bệnh, nó đã gióng lên hồi chuông về một điều khủng khiếp hơn: nỗi sợ hãi rằng các gen kháng kháng sinh sẽ bắt đầu nhân rộng sang những chủng vi khuẩn khác nguy hiểm hơn.

Trong tự nhiên, vi khuẩn và nấm (nguồn gốc tạo ra các loại kháng sinh) đã chiến đấu với nhau từ hàng trăm triệu năm. Theo thời gian, một số vi khuẩn phát triển những cơ chế để chống lại sự tấn công của nấm, chẳng hạn như làm thành tế bào dày hơn, ít thấm hơn, tăng khả năng trung hòa các enzyme do nấm tạo ra hoặc tiết ra các chất đe dọa nấm.

Nhưng khả năng chống chịu của vi khuẩn đã phát triển một cách vượt bậc trong thời đại kháng sinh. Khi tiếp xúc với thuốc kháng sinh thường xuyên, liên tục, phần lớn vi khuẩn gây nhiễm trùng sẽ bị tiêu diệt nhưng một số ít sống sót và dần dần tiến hóa ra các gen chống đỡ được thuốc. Quần thể vi sinh vật ngày càng được tạo nên từ các vi khuẩn mang gen kháng thuốc – gọi là “siêu vi khuẩn”. Do có cấu tạo khá đơn giản, những vi khuẩn này dễ dàng trao đổi gen với các loại vi khuẩn khác, khiến chúng phát triển khả năng kháng nhiều loại kháng sinh hơn.

Trên thực tế, những siêu vi khuẩn như vậy đã hiện diện ở Việt Nam. Tại hội nghị khoa học toàn quốc năm 2017, một nhóm các bác sĩ đã bày tỏ lo ngại về tình trạng các cơ sở khám chữa bệnh tuyến cuối như bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bạch Mai, Nhi Trung ương, Phổi Trung ương… đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của những vi khuẩn đa kháng (kháng 2 nhóm kháng sinh trở lên) và toàn kháng (kháng với tất cả kháng sinh). Thậm chí đã có những bệnh nhân tử vong.

Theo báo cáo, tỉ lệ kháng thuốc của nhóm vi khuẩn đường ruột E.coli ở Việt Nam đã lên tới 30-40%, kháng luôn cả kháng sinh mạnh nhất là colistin. Tại một số tỉnh phía Nam, tỉ lệ kháng thuốc của E.coli lên tới hơn 74%. Tỉ lệ kháng của vi khuẩn gây nhiễm trùng K. pneumoniae lên tới gần 60%; trong khi vi khuẩn gây nhiễm khuẩn bệnh viện A.baumannii kháng với hầu hết các loại kháng sinh ở mức trên 90%.

Có tới 50% trường hợp kháng sinh sử dụng trong bệnh viện không hợp lý | Ảnh minh họa, WHO
Có tới 50% trường hợp kháng sinh sử dụng trong bệnh viện không hợp lý | Ảnh minh họa, WHO

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Trong khi nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ một có hiệu quả thì Việt Nam đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ ba và bốn.

“Với những trường hợp toàn kháng, bác sĩ cũng đành bất lực, chỉ có thể giúp bệnh nhân truyền dịch, nâng cao thể trạng, tăng cường dinh dưỡng để cơ thể tự chống đỡ với vi khuẩn”, TS. Đoàn Mai Phương, khi đó làm việc tại khoa vi sinh của bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ.

Lạm dụng thuốc ở cả người và động vật

Những con số trên đã lôi vấn đề kháng kháng sinh ra khỏi bóng tối để phơi bày một thực trạng: chúng ta đang sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi. Từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng đã tăng hơn 2 lần. Hơn 70% kháng sinh trong nước hiện được dùng cho nông nghiệp, chăn nuôi và thú y, số còn lại là dùng cho người.

TS. Phạm Đức Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Y tế công cộng và Hệ sinh thái ở trường ĐH Y tế công cộng, chỉ ra 3 nguyên nhân nổi trội đang làm khả năng đột biến của vi khuẩn ở Việt Nam tăng lên.

Đầu tiên, đó là việc các bác sĩ đã kê đơn quá mức và làm dụng thuốc kháng sinh. Vì thiếu năng lực của hệ thống phòng xét nghiệm nên không phải lúc nào các bác sĩ cũng có đủ thông tin để biết được vi sinh vật mà bệnh nhân bị nhiễm có mang gen kháng thuốc hay không. Do vậy, để đối phó với bệnh nhiễm trùng chưa xác định, họ thường dùng cách tiếp cận kháng sinh “bao vây” – tức kê đơn một vài ngày, nếu không khỏi thì đổi sang kháng sinh khác.

Trên thực tế, khảo sát của Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết có khoảng 50% kháng sinh được bác sĩ kê đơn bất hợp lý; 32% bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh cho các bệnh nhân không nhiễm khuẩn; 33% bác sĩ sử dụng kháng sinh kéo dài và không cần thiết.

Thứ hai, việc quản lý thuốc kháng sinh còn khá lỏng lẻo, người dân có thể dễ dàng mua kháng sinh tại các hiệu thuốc mà không cần bác sĩ kê đơn. Tại thành thị, 88% kháng sinh được bán mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỷ lệ này là 91%- theo thống kê của Bộ Y tế.

Điều này đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ em do nhiều trẻ được các ông bố, bà mẹ tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh theo kinh nghiệm, theo lời gợi ý của người bán tại hiệu thuốc, theo đơn của người khác hay theo “bác sĩ google” – bất chấp căn bệnh đó có thực sự cần đến kháng sinh hay không. Mỗi năm, người Việt Nam tiêu thụ kháng sinh nhiều hơn gấp đôi lượng kháng sinh trung bình của người dân EU, dù có thể không ốm hơn.

Từ lâu, việc tự mua thuốc điều trị và mua thuốc không qua đơn là thói quen của nhiều người.
Từ lâu, việc tự mua thuốc điều trị và mua thuốc không qua đơn là thói quen của nhiều người | Ảnh minh họa, TVPL.

Thứ ba là việc sử dụng quá mức kháng sinh trong chăn nuôi với mục đích vỗ béo hoặc phòng ngừa bệnh tật. Mặc dù Bộ NN&PTNT đã đưa ra một danh sách các kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng cho chăn nuôi nhưng trên thực tế, do thiếu các cơ chế kiểm soát hiệu quả, các thương lái vẫn bán sản phẩm chứa kháng sinh trôi nổi trên thị trường để trộn vào thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản. Người chăn nuôi thường không đủ chuyên môn để biết điều này, hoặc nếu biết cũng có thể tặc lưỡi bỏ qua vì lợi ích kinh tế.

Trong khi đó, các bác sĩ thú y vẫn chưa có một hướng dẫn cụ thể, hoàn thiện về sử dụng kháng sinh có trách nhiệm cho động vật. Do vậy, việc kiểm soát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi thực sự đang trông chờ vào sự tự giác của các chủ trang trại.

Theo TS. Phúc, nếu mỗi nơi chúng ta đều sử dụng kháng sinh nhiều hơn một chút thì tổng tồn dư kháng sinh trong cộng đồng sẽ cực kì lớn và tạo ra hậu quả khôn lường. “Mọi người cứ nghĩ rằng bệnh của động vật và người là tách biệt. Nhưng khi con người và động vật cùng chia sẻ các loại vi khuẩn với nhau, thì sớm hay muộn, các siêu vi khuẩn mang gen kháng thuốc cũng sẽ phát triển được khả năng lây chéo từ loài này sang loài khác. Viễn cảnh tồi tệ nhất chính là tình trạng không còn thuốc nào để chống lại vi khuẩn gây bệnh,” anh lo lắng.

Cần một sự liên kết mạnh mẽ hơn

Một lượng lớn kháng sinh đang được dùng trong nông nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng và dự phòn bệnh trên động vật | Ảnh minh họa, KLT
Một lượng lớn kháng sinh ở Việt Nam đang được dùng trong nông nghiệp để vỗ béo và dự phòng bệnh tật trên động vật | Ảnh minh họa, KLT

Các nhà nghiên cứu cho rằng hầu hết các giải pháp mà chúng ta dùng cho các đại dịch đều có thể áp dụng cho cuộc chiến với kháng kháng sinh. Chẳng hạn, ta phải có hệ thống giám sát và các phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn để lập bản đồ theo dõi tình trạng sử dụng kháng sinh cũng như cảnh báo về sự xuất hiện của vi khuẩn kháng thuốc. Bên cạnh đó, cần tăng độ bao phủ vaccine để tránh mắc các bệnh do vi khuẩn gây nên. Ngoài ra, còn cần thực hiện an toàn sinh học và kiểm soát nhiễm trùng để ngăn vi khuẩn kháng thuốc lây lan trên diện rộng, và đầu tư vào các nghiên cứu kháng kháng sinh cũng như tác động của chúng tới kinh tế - xã hội để cung cấp thông tin đúng đắn cho các nhóm đối tượng.

Ở cấp độ quốc gia, Chính phủ và các bộ ngành có thể làm rất nhiều việc để khuyến khích sử dụng kháng sinh một cách thích hợp và có trách nhiệm. Một số người gọi đây là quản lý kháng sinh, nhưng thực sự nó chính là việc chỉ dùng kháng sinh khi chúng thật sự cần thiết.

Có nhiều cách để đạt được điều này, chẳng hạn như thiết lập các quy định bắt buộc phải có kê đơn bác sĩ mới được sử dụng kháng sinh, cung cấp cho bác sĩ những công cụ chẩn đoán chính xác để đảm bảo rằng bệnh nhân nhiễm trùng thực sự do vi khuẩn kháng thuốc trước khi kê đơn, hoặc thực hiện các chiến dịch thông tin đại chúng về mối hiểm họa của tình trạng kháng kháng sinh cho người dân.

Các nhà quản lý cũng có thể thúc đẩy việc cải tiến các hệ thống sản xuất – chẳng hạn như giảm mật độ chăn nuôi và sử dụng các giống khỏe mạnh hơn – để giảm nhu cầu về kháng sinh trên động vật, hay hướng các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tư vào những sản phẩm thay thế kháng sinh. Những năm gần đây, một vài công ty đã bắt tay với các trang trại bản địa để thử nghiệm những sản phẩm từ bồ công anh, tỏi, lá ổi, quế… nhằm chứng minh có thể nuôi lớn những đàn lợn, gà lớn mà không cần đưa chúng vào chế độ ăn kèm kháng sinh.

Với nguồn tài chính từ các tổ chức quốc tế từ Mỹ, Anh cùng hỗ trợ kỹ thuật của WHO và FAO, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Tây Thái Bình Dương thực hiện "Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc" tập trung vào sức khỏe con người (giai đoạn 2013-2020) và hai lần đưa ra "Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản" (giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025).

Trong hơn 10 năm, các nhà hoạch định chính sách đã cố gắng ngăn chặn việc lạm dụng kháng sinh. Mặc dù vậy, hiệu quả đạt được chưa thực sự rõ rệt. Ngành y tế đã đặt ra mục tiêu chỉ bán kháng sinh khi có đơn thuốc vào năm 2020 nhưng hiện giờ đến năm 2022 vẫn chưa thành công. Tương tự, ngành chăn nuôi cũng dự kiến cấm sử dụng thức ăn chăn nuôi có pha trộn kháng sinh cho mục đích sinh trưởng từ năm 2018, và sẽ cấm sử dụng cho mục đích dự phòng bệnh từ năm 2020, tuy nhiên tiến trình còn đang gặp nhiều thách thức.

Một số bệnh viện lớn tham gia các dự án cho thấy có sự cải thiện về tỷ lệ sử dụng kháng sinh trong điều trị. Ngoài ra, không có báo cáo công khai nào về giảm sử dụng kháng sinh trong ngành nông nghiệp hoặc trong cộng đồng.

Theo các chuyên gia dịch tễ toàn cầu, “Một sức khỏe” được coi là cách tiếp cận lý tưởng nhất để chống lại các bệnh dịch và tình trạng kháng kháng sinh vì chúng đặt tất cả sức khỏe của con người, động vật và môi trường trong một mối quan tâm chung.

Dưới góc nhìn thực hành một sức khỏe ở Việt Nam, TS. Phúc nói rằng dù đã tạo được các nền tảng căn bản, chúng ta vẫn còn vướng nhiều rào cản về nguồn lực đầu tư (hỗ trợ nước ngoài không thay thế được ngân sách công), chia sẻ thông tin (không dễ liên thông dữ liệu giữa các dự án, phòng thí nghiệm, bệnh viện, viện trường, cơ quan, bộ ngành) và tư duy tích hợp (các bên ngồi lại để cùng thiết kế ra các chương trình hành động thống nhất) để có thể tạo ra những liên kết đủ mạnh giải quyết vấn đề nhức nhối này.