Trong cuộc trò chuyện với Khoa học & Phát triển, TS. BS Phạm Đức Phúc, đồng sáng lập Trung tâm nghiên cứu Y tế công cộng và Hệ sinh thái (CENPHER) đề cập đến cách tiếp cận “Một sức khỏe” như một giải pháp để chúng ta có cuộc sống khỏe mạnh hơn, đặc biệt có thể giúp ngăn ngừa các bệnh dịch trong tương lai.

TS. BS Phạm Đức Phúc, Trường Đại học Y tế Công cộng. Ảnh: NVCC
TS. BS Phạm Đức Phúc, Trường Đại học Y tế Công cộng.

Đại dịch COVID-19 có khiến chúng ta phải nhìn nhận lại các giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh mà chúng ta đã áp dụng không, thưa ông?

Tôi cho rằng, để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải nhìn nhận lại nguyên nhân khởi phát của đại dịch. Tuy có nhiều giả thuyết nêu ra về nguyên nhân dẫn đến đại dịch nhưng có thể khẳng định, virus Corona gây bệnh Covid-19 là một virus có nguồn gốc từ động vật hoang dã, có thể là từ dơi. Dù nguyên nhân nào đi chăng nữa thì rõ ràng virus cũng đã ở trong hệ sinh thái.

Trên thực tế, hơn 75% các tác nhân gây bệnh truyền lây giữa động vật và người đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Các loài động vật này thường sống trong tự nhiên, môi trường sống ít bị con người xâm lấn, nhưng khi dân số (con người) ngày càng tăng, hoạt động di dân, công nghiệp hóa, phá rừng diễn ra càng nhiều thì môi trường sống của động vật càng bị thu hẹp. Chúng phải di chuyển tới nơi khác nhiều hơn và trong quá trình đó cũng tiếp xúc với con người nhiều hơn, dẫn đến tăng nguy cơ phơi nhiễm của con người với các tác nhân gây bệnh.

Các tác nhân gây bệnh ban đầu có thể chưa có gây hại cho con người nhưng cùng với thời gian tiếp xúc nhiều, chúng sẽ bắt đầu biến đổi, tạo thành những cảm thụ mới và tạo ra bệnh tật cho con người.

Là một nước nhiệt đới, Việt Nam đã ứng phó với rất nhiều dịch bệnh, từ SARS, cúm A H1N1, cúm gà H5N1, và gần đây nhất là Covid-19. Vậy theo ông, có giải pháp nào để chúng ta ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả?

Tôi cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất đối với chúng ta là “Một sức khỏe” – một cách tiếp cận có sự phối hợp xuyên ngành để đạt được sức khỏe tối ưu cho cả ba nhân tố: con người, động vật và môi trường.

Bởi các mối nguy gây bệnh cho con người đều nằm cả trong hệ sinh thái, con người có thể trực tiếp phơi nhiễm với chúng hoặc lây nhiễm thông qua các trung gian như động vật hoang dã (ruồi, muỗi, chim, dơi,…), động vật nuôi (chó, mèo, lợn, gà…), thông qua các chuỗi thức ăn từ môi trường bị ô nhiễm hóa học hoặc từ động thực vật bị tích tụ dư lượng kháng sinh trở thành đồ ăn trên bàn.

Do vậy, việc đảm bảo từng cấu phần trong hệ sinh thái sống khỏe mạnh cũng chính là đảm bảo cho chúng ta khỏe mạnh. Thực ra, với những người làm y tế công cộng và dịch tễ học như chúng tôi thì cách tiếp cận này không mới.

Trong hàng chục năm qua, có rất nhiều thuật ngữ xuất hiện như Một loại thuốc (One Medicine), Sức khỏe Hệ sinh thái (Ecohealth) và giờ đây là Một sức khỏe (One Health). Về cơ bản, chúng cũng không khác gì cách tiếp cận của y tế công cộng, tức xem xét tất cả mọi nhân tố trong một mối quan hệ thống nhất, có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau về không gian, thời gian và cuối cùng liên hệ đến con người. Và rất mừng là “Một sức khỏe” đã xuất hiện và được áp dụng tại Việt Nam trong hơn thập kỷ qua.

Nhưng cách tiếp cận này có thực sự phát huy tác dụng?

Tôi cho rằng nó hoàn toàn phù hợp khi đặt vào bối cảnh Việt Nam, một quốc gia có độ đa dạng sinh học cao, có tình trạng chăn nuôi, giết mổ gia súc chưa được quản lý chặt chẽ, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng ở mức cao.

Hãy lấy ví dụ về chăn nuôi. Chúng ta chưa kiểm soát được thức ăn chăn nuôi, trong khi ngoài các thành phần bột, đạm, dinh dưỡng có thể sẽ còn có chất tăng trọng và kháng sinh dự phòng. Câu hỏi đặt ra là sự có mặt của kháng sinh sẽ giúp gia súc tăng trưởng và phòng được bệnh như thế nào? Trong trường hợp có dư lượng kháng sinh ở thức ăn chăn nuôi thì bao nhiêu phần trăm trong đó sẽ tồn tại ở cơ thể vật nuôi, bao nhiêu phần trăm được thải ra ngoài môi trường qua phân, nước tiểu và bao nhiêu phần trăm sẽ theo thức ăn đi vào cơ thể con người?

Ở môi trường, các loại vi sinh vật có thể tiếp xúc với dư lượng kháng sinh từ chăn nuôi nhưng với một liều không đủ để tiêu diệt, khiến chúng trở nên nhờn thuốc và mang các gene kháng lại kháng sinh. Vi khuẩn kháng thuốc không có ranh giới, chúng có thể dễ dàng truyền từ người sang động vật và lây lan từ một vị trí địa lý này sang vị trí địa lý khác. Nếu con người vô tình phơi nhiễm với vi khuẩn mang gene kháng thuốc này thì khi bị bệnh, các loại kháng sinh mà chúng ta sử dụng sẽ không còn tác dụng.

Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng “Một sức khỏe” là giải pháp giúp chúng ta phòng ngừa bệnh dịch một cách bền vững. Dù không được nhiều người biết nhưng việc áp dụng cách tiếp cận “Một sức khỏe” ở Việt Nam đang có sự cải thiện rõ rệt. Từ những năm 2000, Việt Nam đã thông qua các cam kết quốc tế và ban hành khung chính sách về việc ứng phó với các dịch cúm gia cầm và dịch lây truyền từ động vật sang người có thể xảy ra. Điều này đặt cơ sở cho những hoạt động phối hợp liên ngành - vốn là mắt xích quan trọng của “Một sức khỏe”.

Một sức khỏe

Những hoạt động phối hợp này đã diễn ra như thế nào?

Sau dịch cúm gia cầm H5N1 năm 2003, chúng ta đã có những phối hợp liên ngành tương đối rõ rệt, nhất là giữa hai Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế. Hằng năm, hai Bộ đều có những buổi diễn tập ở một số tỉnh thành biên giới - nơi thường xuyên xuất nhập khẩu động vật - để chủ động phòng chống các dịch bệnh cúm như H5N1, H7N9, …

Bên cạnh đó, còn có những hợp tác liên Bộ ở các khía cạnh khác của “Một sức khỏe” như an toàn thực phẩm. Các dịch vụ thú y làm việc với nhiều bên liên quan đến hệ thống thực phẩm, từ khâu sản xuất, đóng gói, phân phối và vận chuyển. Chúng cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc điều tra và ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh do thực phẩm, xem liệu nó có liên quan đến những sản phẩm từ động vật.

Ngành môi trường cũng góp phần đảm bảo sức khỏe khi tham gia tiêu hủy các ổ gia cầm bị bệnh đúng cách, tránh gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước bề mặt, cũng như an toàn cho chính những người tham gia tiêu hủy động vật. Họ cũng phát ra thông tin cảnh báo về các ổ dịch để giúp ngăn chặn đưa những loài động vật đã nhiễm bệnh vào chuỗi cung ứng thực phẩm. Từ năm 2003 đến giai đoạn 2010-2014, gần như không còn có báo cáo các ổ dịch cúm H5N1 nữa, hoặc nếu có thì rất ít, gần như không đáng kể.

Qua thời gian, người ta nhìn thấy rằng cần có sự phối hợp liên ngành và chia sẻ thông tin sớm nhất, đồng thời tận dụng được các nguồn lực khác nhau. Họ cũng thấy được rằng việc phòng bệnh tốt trên động vật thì gánh nặng bệnh tật trên người sẽ được giảm đi đáng kể.

Rõ ràng, nếu chúng ta hiểu được mối liên hệ giữa sức khỏe của động vật, môi trường và sức khỏe của con người thì chúng ta sẽ thu hút được thêm sự tham gia của các đối tác khác nhau, từ ngành chăn nuôi, thú y chịu trách nhiệm về tiêm chủng động vật, cho đến ngành y tế, giáo dục đưa ra các thông tin về ảnh hưởng của bệnh dịch tới sức khỏe con người, và cả sự chủ động của các trang trại, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình…

Sóc và dúi rừng nhốt trong lồng bẫy mang bán.
Sóc và dúi rừng nhốt trong lồng bẫy mang bán.

Nhìn từ đại dịch COVID, sự chuẩn bị của chúng ta theo cách tiếp cận “Một sức khỏe” đã đủ?

Mặc dù các ngành ở Việt Nam đã có sự vào cuộc nhưng sự thay đổi vẫn khá chậm. Tôi nghĩ rằng nó có một rào cản lớn về vấn đề trách nhiệm – lợi ích và kinh phí cho từng ngành. Chúng ta thường phân bổ kinh phí theo ngành dọc, do vậy trong một vấn đề liên ngành, các bên cũng liên quan (ví dụ như ngành môi trường trong đại dịch Covid-19) sẽ không được phân bổ kinh phí cho vấn đề đó. Nhiều khi, các bên nhìn thấy rõ cần phải phối hợp với nhau và lợi ích thu lại từ sự hợp tác là rất lớn nhưng lại rơi vào thế “lực bất tòng tâm” vì không đủ nguồn tài chính để chuẩn bị nhân lực, vật lực.

Có thể nói, lập kế hoạch để sẵn sàng ứng phó cho các sự cố y tế công cộng khẩn cấp chỉ là một phần, chúng ta cần lập cả kế hoạch tài chính cho các sự cố khẩn cấp đó. Mỗi năm, ngành thú y, y tế và môi trường cần dự phòng bao nhiêu % trong tổng kinh phí được phân bổ để giải quyết các công việc phối hợp liên ngành và các sự cố y tế công cộng? Hiện Việt Nam đang thiếu vắng điều này.

Trong đại dịch Covid-19, Chính phủ đã phải huy động cả cán bộ thú y để tham gia lấy mẫu trên người (lấy dịch mũi, họng) và xét nghiệm nhằm giải tỏa áp lực cho các cán bộ ngành y tế bởi những ngành này cũng có trang thiết bị tương tự. Đồng thời, Việt Nam cũng phải huy động nguồn lực từ các ngành quân đội, công an, giao thông vận tải và giáo dục để thực hiện cách ly cho những người bị bệnh. Chúng ta cũng cần thuốc men cơ bản nhất cho những người bị nạn trong quá trình phòng dịch, và kinh phí bù đắp cho những người bị ảnh hưởng việc làm từ đại dịch.

Rõ ràng, để phối hợp nhuần nhuyễn những yêu cầu đó và chuẩn bị cho những đại dịch tương tự sau này, chúng ta phải có những “phác thảo” rất chi tiết đến từng đầu việc, và từ các đầu việc đó mới xác định rõ được nguồn kinh phí dự phòng mỗi năm cho các công việc phối hợp liên ngành. Không chỉ riêng dịch bệnh mà nhiều sự cố khác liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến sức khỏe con người như lũ lụt, sạt lở, biến đổi khí hậu, ô nhiễm … đều cần các kế hoạch tài chính cụ thể để sẵn sàng phối hợp ứng phó.

Một sức khỏe

Ngoài nút thắt về tài chính, chúng ta còn thiếu điều gì để phối hợp với nhau?

Nhân lực là một mắt xích không thể thiếu. Con người tham gia “Một sức khỏe” không chỉ phải có kiến thức, kỹ năng phối hợp mà còn cả tư duy hệ thống. Họ phải nhìn thấy mối liên hệ trong hệ sinh thái giữa các ngành thú y, chăn nuôi, thực phẩm, môi trường, sức khỏe, và nhiều hệ thống đan xen khác, từ đó sẽ chủ động tạo ra những cơ chế phối hợp hiệu quả và lâu dài. Hiện tại không nhiều cán bộ được trang bị đầy đủ về vấn đề này. Ngay với nhiều cán bộ, lãnh đạo ngành y tế hay môi trường, “Một sức khỏe” cũng là điều lạ lẫm.

Tuy nhiên, ở phạm vi tự chủ của mình, các trường đại học ở Việt Nam trong mạng lưới VOHUN mà tôi điều phối hiện vẫn đang xây dựng các chương trình đào tạo hướng đến tư duy của “Một sức khỏe”. Chúng ta không nhất thiết phải đòi hỏi Bộ GD&ĐT có hẳn một chương trình đào tạo lớn về “Một sức khỏe” hay những tấm bằng cử nhân, thạc sĩ về “Một sức khỏe”, nhưng chỉ cần trong tư duy, cách học, cách làm việc… của những học viên ở các ngành khác nhau có các năng lực “Một sức khỏe” là thành công rồi.

Tôi cho rằng để góp phần giải quyết những bất cập trên, chúng ta cần thực hiện nhiều hơn các nghiên cứu và hệ thống trao đổi dữ liệu “Một sức khỏe”. Mặc dù ở Việt Nam đã có không ít nghiên cứu xác định những mối nguy hoặc tác nhân gây bệnh liên quan đến vật nuôi, động vật hoang dã và phân lập các tác nhân gây bệnh, nhưng hiện nay thông tin của chúng chưa nhiều, chưa đủ tính đại diện và gần như chưa thể đưa vào hệ thống giám sát chủ động các mối nguy.

Nhắc đến vấn đề này, hiện chúng ta cũng đang thiếu một hệ thống giám sát và cảnh báo các mối nguy như vậy. Có thể dùng hệ thống này như một bản đồ Google Map, khi cần đến một địa phương nào đó, chúng ta sẽ tra cứu những mối nguy ở đó. Nếu chuẩn bị đi vào vùng có nguy cơ sốt rét, chúng ta sẽ chuẩn bị các loại dầu bôi chống muỗi đốt, thuốc sốt rét, đồ ăn, nước sạch. Trên bản đồ, các nhà khoa học, nhà quản lý và cộng đồng có thể phối hợp với nhau để cung cấp thông tin cảnh báo. Và ẩn đằng sau hệ thống này chắc chắn sẽ là một cơ chế chia sẻ dữ liệu cực kì lớn, đòi hỏi sự tin cậy và nguồn lực đầu tư tốn kém.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!


Ngô Hà thực hiện.