Mục tiêu đặt ra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là “loại bỏ bệnh sởi khỏi năm trong số sáu khu vực của thế giới vào năm 2020” là một mục tiêu rất cao nhưng có thể đạt được. Tuy nhiên, những đợt bùng phát sởi gần đây ở cả những nơi đã loại bỏ thành công dịch bệnh đang biến mục tiêu đó thành một giấc mơ xa vời.
Trong bốn tháng đầu năm 2019, có 179 quốc gia báo cáo 168,193 trường hợp mắc bệnh sởi, tăng thêm gần 117.000 trường hợp báo cáo so với cùng kỳ năm ngoái, đồng nghĩa với con số 4 tháng đầu năm 2019 tăng gấp hơn 3 lần năm 2018. Con số thực tế có lẽ cao hơn nhiều; WHO ước tính cứ 10 trường hợp mắc bệnh thì chỉ có 1 trường hợp được báo cáo.
Bác sĩ nhi khoa Ann Lindstrand, trưởng nhóm vắc-xin cho các hệ thống tiêm chủng tại WHO ở Geneva cho biết với sự gia tăng này, sẽ không có khu vực nào đạt được mục tiêu năm 2020.
Theo Robert Linkins, chuyên gia về bệnh sởi toàn cầu tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ tại Atlanta thì ngay cả sau khi một quốc gia đạt được thành công trong công cuộc loại trừ dịch bệnh (nghĩa là không có sự truyền nhiễm bệnh sởi liên tục trong một năm trở lên) thì công cuộc phòng chống bệnh vẫn phải được diễn ra không ngừng nghỉ.
“Trẻ em được sinh ra mỗi ngày và chúng đều cần tiêm vắc-xin. Chúng ta phải cố gắng đảm bảo tất cả chúng đều được tiêm phòng”, ông Linkins nhấn mạnh.
Châu Mỹ đã trải qua bài học này một cách cay đắng. Năm 2016,
châu lục này trở thành nơi đầu tiên loại bỏ được bệnh sởi sau khi hơn 95% dân số của 35 quốc gia được tiêm chủng (theo SN Online: 27/9/16). Đó là điểm mà khả năng miễn dịch của khu vực có thể giữ an toàn cho cả những người không có khả năng miễn dịch (thường vì lý do sức khỏe hoặc vì còn quá nhỏ).
Nhưng sau đó, trên toàn khu vực, tỷ lệ tiêm chủng đã tuột dốc, các ổ dịch bùng nổ ở Brazil và Venezuela đã khiến khu vực này mất đi danh hiệu của mình.
Mỗi khu vực có những lý do thất bại khác nhau. Sự bất ổn chính trị, xung đột và nghèo đói có thể dẫn đến tình trạng thiếu vắc-xin (phải được làm lạnh) và đóng cửa phòng khám. Ví dụ, khi
cuộc nội chiến nổ ra ở Bờ biển Ngà vào cuối năm 2010, tỷ lệ cá nhân được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi giảm mạnh, từ mức 70% vốn dĩ đã thấp trong năm 2010 xuống chỉ còn 49% vào năm 2011.
Theo dữ liệu tạm thời của WHO đăng ngày 15/5/2019, một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi bệnh sởi trong ba tháng đầu năm 2019 có rất ít trường hợp vào năm trước.
Sự gia tăng toàn cầu về số trường hợp mắc bệnh sởi cũng cho thấy các hệ thống y tế trên toàn thế giới đang không hoạt động tốt. Bà Lindstrand cho rằng nơi nào có ca nhiễm bệnh, nơi đó có những điểm yếu trong hệ thống y tế.
Nhiều quốc gia đang phải đối mặt với các yếu tố gây căng thẳng và thách thức đối với vấn đề tiêm chủng. Dưới đây là câu chuyện dẫn chứng từ một vài quốc gia đang gặp rắc rối lớn trong vấn đề này.
Philippines
Một cuộc khủng hoảng vắc-xin sốt xuất huyết đã giáng một đòn mạnh vào vắc-xin sởi ở Philippines.
Ngay sau khi
chính phủ phê duyệt vắc-xin sốt xuất huyết vào năm 2015, tin tức nổi lên rằng loại vắc-xin này đang khiến trẻ em bị bệnh, và đã có báo cáo rằng một số trẻ em chết vì những phản ứng nguy hiểm hiếm gặp. Chương trình tiêm phòng sốt xuất huyết đã bị đình chỉ chưa đầy hai năm sau đó. Ông Lotta Sylwander, đại diện của UNICEF, làm việc tại trụ sở ở Philippines đến tháng 3/2019, cho biết điều này đã làm dấy lên làn sóng phản đối vắc-xin ở Philippines.
Ông Sylwander cho biết ngay cả trước khi chương trình vắc-xin sốt xuất huyết thất bại, vẫn tồn tại những thách thức khác đối với việc tiêm phòng, bao gồm quan chức chính phủ tham nhũng, thiếu hụt nguồn cung cấp và phân phối vắc-xin trên hàng ngàn hòn đảo xa xôi của đất nước.
Những vấn đề này cộng với sự do dự về vắc-xin ngày càng tăng đã gây ra sự bùng phát bệnh sởi nghiêm trọng vào cuối năm 2017 và vẫn còn hoành hành cho đến ngày nay. Tính đến cuối tháng 3/2019, Philippines đã
báo cáo 23,000 trường hợp mắc bệnh sởi và 333 trường hợp tử vong, chủ yếu ở trẻ nhỏ.
Ukraine
Bị ảnh hưởng nặng nề bởi bất ổn chính trị và sự do dự vắc-xin, Ukraine đã chứng kiến bước nhảy vọt về số lượng trường hợp mắc bệnh sởi những tháng gần đây.
Ba tháng đầu năm 2019 Ukraine có hơn 34.000 trường hợp bị nhiễm sởi. Theo ông Datta, sự bùng phát không có gì đáng ngạc nhiên. Năm 2016, chỉ có 42% trẻ em cần tiêm được nhận liều vắc-xin đầu tiên. (Tiêm 1 mũi vắc xin sởi đạt phòng ngừa 95%, tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi có thể đạt hiệu quả tới khoảng 99%).
Ông Sylwander hiện đang làm việc tại trụ sở UNICEF ở Kiev, thủ đô Ukraine, cho biết có một số yếu tố để giải thích tỷ lệ tiêm chủng thấp tại Ukraine. Từ năm 2009 - 2016, cả nước thường xuyên hết vắc-xin, đặc biệt là ở khu vực miền đông nơi đang xảy ra xung đột.
Người Ukraine cũng có tiền sử hoài nghi về vắc-xin. Trong thời kỳ Xô-viết, chính phủ đã tiêm phòng cho tất cả mọi người, nhưng nhiều trẻ em nhận được vắc-xin bị lỗi (không được làm lạnh đúng cách). “Mặc dù trẻ em đã được tiêm phòng, nhưng chúng vẫn bị bệnh”, Ông Sylwande kể lại.
Việc thiếu tin tưởng vào các chương trình tiêm chủng của chính phủ vẫn còn cao. Gần đây, tại Washington (Mỹ) cũng có vụ dịch sở bùng phát được bắt nguồn từ một cộng đồng những người nhập cư từ Ukraine và Nga. Sylwander thậm chí đã nghe những câu chuyện về các nhân viên y tế ở Ukraine giả mạo điền vào thẻ tiêm chủng cho trẻ em để nói rằng họ đã tiêm vắc-xin.
Sự bùng phát dịch của đất nước đã thúc đẩy mọi người đi tiêm phòng. Các chương trình của chính phủ trong vài năm qua nhắm vào những cộng đồng dễ bị tổn thương dường như đang được giữ vững.
Theo ước tính của WHO, tỷ lệ trẻ em Ukraine đã được tiêm vắc-xin sởi tăng lên đến 86% trong năm 2017. Thách thức hiện nay của Ukraine là tiếp cận những đứa trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên chưa bao giờ được tiêm phòng.
Colombia
Vào 8/3/2018, một cậu bé người Venezuela 14 tháng tuổi đã đến TP. Medellin, Colombia và không lâu sau đó xuất hiện triệu chứng phát ban.
Xét nghiệm cho thấy em đã bị mắc bệnh sởi. Đất nước Colombia đã không xuất hiện trường hợp mắc bệnh sởi nào kể từ năm 2015. Các quan chức y tế công cộng ở đây đã bắt đầu đề cao cảnh giác.
Ông Linkins cho biết trong bối cảnh khủng hoảng chính trị và kinh tế đã khiến hệ thống y tế của Venezuela bị xáo trộn, tỷ lệ tiêm chủng của nước này giảm mạnh. Khi hàng ngàn người Venezuela chạy trốn khỏi nước, các quan chức nước láng giềng Colombia biết rằng căn bệnh này sẽ có thể xâm nhập vào đất nước họ.
Từ năm 2017, chính phủ Colombia bắt đầu theo dõi sức khỏe của những người di cư. Phối hợp chặt chẽ với CDC và WHO, các quan chức đã gửi nhiều nhà tiêm chủng đến các thành phố có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh và thiết lập các trạm tiêm chủng tại biên giới Venezuela-Colombia. Từ tháng 5- 7/2018, hơn 11.000 người Venezuela đã được tiêm phòng khi vào Colombia.
Từ tháng 3/2018 đến tháng 4/2019, Colombia chỉ báo cáo 302 trường hợp mắc bệnh sởi và không có trường hợp nào tử vong. Theo ông Linkins, “Các quan chức Colombia đã nhận ra tình hình và hành động một cách nhanh chóng. Đó là câu chuyện thành công tuyệt vời”.
Ấn Độ
Trong 8 năm qua, Ấn Độ đã thành công loại bỏ bệnh bại liệt, uốn ván và bệnh ghẻ cóc (một bệnh nhiễm trùng nhiệt đới ở da, xương và khớp). Tuy nhiên để có thể làm điều tương tự thế với bệnh sởi sẽ là một thách thức lớn với họ.
Với hơn 12.400 trường hợp mắc bệnh sởi được báo cáo trong ba tháng đầu năm 2019, Ấn Độ là một trong những nước có số trường hợp mắc bệnh cao nhất thế giới (chỉ đứng sau Madagascar, Ukraine và Philippines). Các quan chức chính phủ đã đưa ra can kết loại bỏ bệnh sởi, và cũng đạt được một vài thành quả.
Năm 2010, Ấn Độ đã giới thiệu liều vắc-xin sởi thứ hai vào lịch tiêm chủng thông thường. Các nỗ lực tiêm chủng cũng nhắm mục tiêu đến những khu vực dễ xảy ra dịch bệnh nhất. Lindstrand nhận xét rằng Ấn Độ đã đi từ thành công này đến thành công khác nhờ vào các cam kết chính trị cao.
Theo số liệu từ nghiên cứu được báo cáo vào tháng 3/2019 trên Tạp chí eLife thì từ năm 2010 đến 2013, tỷ lệ tử vong do bệnh sởi ở trẻ em dưới 5 tuổi
giảm 27% ở các khu vực mục tiêu, và giảm 11% ở các khu vực không phải mục tiêu. Những nỗ lực mục tiêu trên ước tính đã cứu sống 41,000 đến 56,000 trẻ em.
Madagascar
Một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Phi, Madagascar dẫn đầu thế giới về các trường hợp mắc bệnh sởi, với hơn 61.000 vụ từ tháng 1- 3/2019. Đây là một sự gia tăng lớn so với con số chỉ 27 ca bệnh nhiễm trùng trong ba tháng đầu năm 2018.
Chưa đến 60% dân số được tiêm vắc-xin và quốc gia chỉ đưa ra một liều vắc-xin duy nhất cho mỗi người. Vụ dịch bùng phát gần đây nhất bắt đầu vào tháng 9/2018 và lan ra khắp hòn đảo. Từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2019,
hơn 1.200 người đã tử vong.
Để ứng phó lại dịch bệnh, Madagascar đã bắt đầu các chiến dịch nhắm vào các đối tượng mục tiêu cụ thể và tiêm phòng cho hơn 7,2 triệu trẻ em.
Từ 22/10/2018 đến 9/11/2018, chiến dịch tập trung vào trẻ em từ 9 tháng đến 5 tuổi ở bốn khu vực của thủ đô Antananarivo. Kết quả sơ bộ cho thấy 84% trẻ em đã được tiêm phòng. Chiến dịch thứ hai được triển khai vào tháng 1/2019 nhằm vào các trẻ em từ 9 tháng đến 9 tuổi trên 13 khu vực.
Ông Lindstrand nói rằng những nỗ lực đó dường như đang phát huy hiệu quả, số lượng các trường hợp mắc sởi mới đang giảm xuống. Madagascar sẽ đưa ra liều vắc-xin thứ hai vào cuối năm nay.
Nhưng đất nước này sẽ phải đối mặt với một thách thức khác là mùa mưa. Một
nghiên cứu trên tạp chí Vaccine đăng ngày 24/4/2019 cho thấy những đứa trẻ đủ tuổi để có thể tiêm liều vắc-xin đầu tiên trong mùa mưa có nhiều khả năng bỏ lỡ vắc-xin hơn so với những đứa bé khác. Madagascar sẽ phải giải quyết những vấn đề liên quan đến mùa mưa như việc đường đến phòng khám bị bế tắc do lũ lụt và bùn đất.
Nguồn: