Ở Liên minh Châu Âu, độ tin cậy thấp của cộng đồng vào vắc-xin đang đẩy tỷ lệ tiêm chủng xuống và làm tăng số dịch bệnh bùng phát, theo một báo cáo của giới chuyên gia.

Con số đợt dịch sởi bùng phát gần đây - cao nhất ở các nước thuộc Liên minh châu Âu EU trong bảy năm qua, là dấu hiệu cho thấy tác động tức thời của việc giảm tiêm phòng, báo cáo cho biết. Các chính phủ nên coi đây là một cảnh báo để có hành động nâng cao nhận thức và sự tin tưởng vào vắc-xin.

Ảnh minh họa: Tiêm chủng cúm theo mùa tại Nice, Pháp. Nguồn: Reuters

Báo cáo - được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học do Heidi Larson, giáo sư và giám đốc của Dự án Tín nhiệm Vắc-xin tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, đứng đầu - đã phát hiện các mức độ tin tưởng vào vắc-xin khác nhau giữa các quốc gia thành viên của EU.

Một số quốc gia - bao gồm Pháp, Hy Lạp, Ý và Slovenia - đã trở nên tin tưởng hơn vào an toàn vắc-xin từ năm 2015; trong khi ở những nước khác như Cộng hòa Séc, Phần Lan, Ba Lan và Thụy Điển, mức độ tin tưởng lại giảm.

Ủy viên y tế của EU, Vytenis Andriukaitis, cho biết các phát hiện của báo cáo cho thấy “EU cần phải hành động”.

Ông lưu ý rằng châu Âu kém tin tưởng hơn vào sự an toàn của vắc-xin so với các khu vực khác trên thế giới; và 7 trong số 10 quốc gia có lòng tin đối với vaccine thấp nhất trên thế giới nằm ở châu Âu: Pháp, Hy Lạp, Ý và Slovenia.

"Điều này một phần do ảnh hưởng gia tăng của các nhóm bài trừ vắc-xin, họ lan truyền thông tin gây hiểu nhầm qua internet hoặc ở các diễn đàn chính trị," ông nói. "Chúng ta cần phải thận trọng với ảnh hưởng này."

Báo cáo phát hiện rằng mức độ tin tưởng vào vắc-xin của người trong ngành y tế có liên quan đến mức độ tin tưởng của các thành viên trong cộng đồng. Trong khi nhìn chung các bác sĩ gia đình có mức độ tin tưởng cao vào vắc-xin thì vẫn có những dấu hiệu đáng lo ngại về sự ngờ vực vắc-xin ngay cả trong cộng đồng y tế.

Khoảng 36% các bác sĩ gia đình được khảo sát tại Cộng hòa Séc và 25% ở Slovakia không đồng ý rằng vắc-xin sởi, quai bị và rubella (MMR) là an toàn. Thậm chí 29% và 19% bác sĩ ở hai nước này không tin rằng tiêm phòng sởi là quan trọng, khảo sát cho thấy.

Báo cáo phát hiện rằng kể từ năm 2010, phạm vi bao phủ của việc tiêm phòng sởi - được định nghĩa là liều vắc-xin đầu tiên bao gồm phòng sởi như MMR - đã giảm ở 12 nước EU: Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Phần Lan, Hy Lạp, Lithuania, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Slovakia và Slovenia.

Sự tin tưởng vào vắc-xin được định nghĩa trong báo cáo là sự tin tưởng vào hiệu quả, sự an toàn của vắc-xin và tin tưởng vào hệ thống chăm sóc sức khỏe cung cấp vắc-xin.

Niềm tin vào vắc-xin và nhu cầu tiêm phòng bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố, bao gồm tầm quan trọng, độ an toàn và hiệu quả của các mũi tiêm. Larson cho biết, theo dõi sự tin tưởng theo thời gian có thể là một thước đo quan trọng đối với nhiều vấn đề mới xuất hiện.

Larson lưu ý rằng trên toàn EU, độ tin tưởng vào vắc-xin cúm thấp hơn độ tin tưởng vào mũi tiêm MMR.

Đây "có lẽ một phần do hiệu quả của vắc-xin cúm thay đổi từ năm này sang năm khác", bà nói, nhưng cũng bởi vì "nhận thức thấp về các nguy cơ nghiêm trọng khác nhau của bệnh cúm".

Một xu hướng đáng quan tâm khác, Larson cho biết, là sự do dự đang gia tăng ở các bác sĩ khi khuyến cáo tiêm vắc-xin cúm cho phụ nữ mang thai: “Điều này đáng lo ngại vì nhóm này được xem là có nguy cơ cao đối với những biến chứng nghiêm trọng khi bị cúm.”

Nguồn: