Văn hóa có thể ảnh hưởng nhiều tới việc áp dụng những thành quả của khoa học công nghệ. Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Indonesia gặp khó trước rào cản tôn giáo là một minh chứng cho điều đó, khi gần đây, nhiều người dân nước này đã không chấp nhận vaccine sởi, rubella bởi có chứa thành phần có nguồn gốc từ lợn.

Học sinh đang được tiêm chủng phòng sởi và rubella ở một trường học tại Aceh, Indonesia, nơi tỷ lệ tiêm chủng đến giờ mới chỉ đạt 8%.
Học sinh đang được tiêm chủng phòng sởi và rubella ở một trường học tại Aceh, Indonesia, nơi tỷ lệ tiêm chủng đến giờ mới chỉ đạt 8%.

Ở một ngôi làng miền Bắc Sumatra, Indonesia nhiều phụ huynh học sinh đứng rất đông bên ngoài các lớp học vào buổi sáng. Hôm đó là ngày tiêm chủng, nhưng nhiều gia đình trong làng không muốn con mình tiêm chủng bằng vaccine sởi-rubella (MR) mới. Một số phụ huynh nói với giáo viên rằng con mình phải nghỉ ốm ở nhà. Nhiều người khác thì đến tận trường để chắc chắn rằng con mình không phải đi tiêm. Lý do “đáng sợ” của họ là: vaccine “chứa thành phần từ thịt lợn.” Đến khi đội tiêm chủng rời đi, chỉ có sáu trong số 38 học sinh được chủng ngừa.

Nhiều tháng gần đây, hàng triệu phụ huynh học sinh khắp Indonesia đã tẩy chay chiến dịch tiêm chủng vaccine của chính phủ sau khi Hội đồng Giáo sĩ Hồi giáo nước này ra án lệnh (fatwa) coi vaccine sởi-rubella mới là “haram” – nghĩa là bị cấm đoán theo luật Hồi giáo vì có các thành phần được chiết xuất từ lợn. Các chuyên gia y tế công cộng lo ngại rằng sự tẩy chay có thể khiến nước này phải đối mặt với các đợt dịch sởi mới và tỉ lệ sẩy thai và dị tật bẩm sinh sẽ gia tăng nhiều hơn do nhiễm trùng rubella trong thai kỳ.

Indonesia từ lâu đã sử dụng vaccine sởi nội địa cho chương trình tiêm chủng mở rộng của nước này, nhưng độ phủ của chương trình vẫn chưa cao, và đến tận gần đây, nước này vẫn là một trong những nơi có tỷ lệ mắc sởi cao nhất thế giới theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Năm ngoái, để thực hiện chương trình mục tiêu của WHO nhằm loại bỏ bệnh sởi và rubella trên toàn cầu vào năm 2020, Indonesia đã chuyển sang dùng vaccine 2 trong 1 sản xuất bởi Viện Huyết thanh Ấn Độ ở Mumbai. Bộ Y tế Indonesia đã đưa ra một chiến dịch tham vọng hướng tới tiêm chủng cho 67 triệu trẻ em từ 9 tháng tuổi đến 15 tuổi. Giai đoạn đầu tiên được thực hiện trong năm 2017 trên đảo Java đã thành công. Tất cả sáu tỉnh đã đạt được độ bao phủ 95% theo mục tiêu – số trường hợp mắc sởi và rubella ở đảo này theo đó lập tức giảm hơn 90%.

Nhưng việc triển khai ở các vùng còn lại trong cả nước, được dự kiến ​​diễn ra vào tháng Tám và tháng Chín năm nay, đã gặp phải rắc rối. Ngay trước khi chiến dịch bắt đầu, Hội đồng Giáo sĩ (Majelis Ulama Indonesia - MUI) của quần đảo Riau, một cơ quan Hồi giáo cấp tỉnh, nêu lo ngại rằng vaccine mới chưa được chứng nhận là “halal” hay “hợp pháp”, bởi cơ quan có thẩm quyền tối cao là Hội đồng Giáo sĩ Quốc gia ở Jakarta. Bức thư do đó yêu cầu việc hoãn chiến dịch tiêm chủng. Tin tức nhanh chóng lan ra và gây nên nhiều nghi ngờ trong phụ huynh học sinh khắp Indonesia.

Để cứu vãn chiến dịch, Bộ Y tế trong tháng Tám đã vận động kêu gọi MUI ban hành một fatwa – sắc lệnh tôn giáo theo luật đạo Hồi – để tuyên bố vaccine mới phù hợp với các quy định của đạo Hồi. Tuy nhiên, ngược lại với kỳ vọng, Hội đồng này tuyên bố vaccine MR, dựa trên các thành phần và quy trình sản xuất, là “haram” – bởi có nguồn gốc từ lợn. Thực tế, giống như nhiều loại vaccine khác, vaccine MR được chế tạo bằng cách sử dụng một số thành phần của lợn. Enzym trypsin từ động vật giúp tách các tế bào để nuôi cấy virus vaccine, còn Gelatin có nguồn gốc từ biểu bì lợn cũng được dùng như chất bình ổn, bảo vệ virus của vaccine khi chúng được sấy đông khô.

Tuy vậy, cho đến nay chưa có loại vaccine nào được chứng nhận là halal sẵn sàng để thay thế. Do đó, Arifianto Apin, một bác sĩ nhi khoa người Hồi giáo ở Jakarta, là người cổ động cho chiến dịch tiêm chủng ở Hội Nhi khoa Indonesia, nói rằng việc truyền thông người dân là cần thiết.

Nhưng nếu giải pháp đó không đạt được, thì phải phát triển vaccine halal càng sớm càng tốt, theo Art Reingold, một nhà dịch tễ học tại Đại học California - Berkeley, Hoa Kỳ. Neni Nurainy, nhà khoa học hàng đầu tại công ty vaccine quốc doanh Bio Farma ở Bandung, Indonesia cũng lưu ý rằng các chất ổn định vaccine không có nguồn gốc từ lợn có tồn tại; và công ty có kế hoạch bắt đầu nghiên cứu các loại gelatin từ bò để thay thế. Tuy nhiên việc phát triển và thử nghiệm lâm sàng có thể mất từ 6 đến 10 năm, bà nói: “Trong lúc đó, nhiều người sẽ mắc bệnh và một số có thể chết những cái chết đáng ra có thể tránh được”, Reingold nói.

Hiện tại, không chỉ Indonesia mà cả Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê út đang tổ chức các dự án khác nhau để phát triển các loại vaccine chuẩn halal để sử dụng ở các nước Hồi giáo.

Còn quan điểm của WHO đến nay vẫn là tránh đi vào các cuộc tranh luận tôn giáo, cũng như sẽ không khuyến khích việc phát triển một loại vaccine chuẩn halal. “WHO hiện đang làm việc với các cơ quan quản lý và nhà sản xuất để đảm bảo vaccine có các tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả cao nhất”, người phát ngôn của WHO tại Indonesia nói. “Chúng tôi không đánh giá vaccine dưới các tiêu chí khác.”

Nguồn: Science, Kompas, CNN Indonesia, Jakarta Post.

Một nghiên cứu năm 2017 đăng trên Journal of Infection and Public Health về tình trạng từ chối tiêm chủng ở các nước Hồi giáo cho thấy, ngày càng có nhiều phụ huynh từ chối cho con mình tiêm vaccine. Ở Malaysia, số trường hợp từ chối tiêm chủng từ năm 2013 đến 2015 đã tăng 3 lần, lên đến 1054 trường hợp. Tương tự, ở Ả Rập Xê út, có tới 80% gia đình chống việc tiêm vaccine phòng cúm cho con cái.