Dù đã hơn một năm sau vụ việc đình chỉ chương trình tiêm chủng ngừa sốt xuất huyết gây tranh cãi, các chương trình y tế cộng đồng khác ở Philippines vẫn phải hứng chịu hệ quả, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.

Hôm 7/2 vừa qua, Bộ Y tế Philippines (DOH) đã công bố dịch sởi xuất hiện trên một số vùng trong cả nước. Đã có hơn 8.000 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận từ 1/1 đến ngày 16/2, với 136 trường hợp đã tử vong. Số liệu này cho thấy mức gia tăng đáng kể so với năm ngoái (tăng khoảng 250% ở tỷ lệ mắc bệnh ghi nhận và 500% với tỷ lệ tử vong). Tình trạng này dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng trong các tuần tiếp theo.

Hiện nay Philippines là một trong số nhiều các quốc gia phải chịu dịch sởi trên thế giới, với số trường hợp được ghi nhận đã tăng vọt từ năm 2017. Ngành y tế cho rằng tình trạng này xảy ra do xu hướng nhiều người dân ngày càng dè chừng và chống đối lại tiêm chủng, gây ra bởi vụ bê bối Dengvaxia cách đây hơn một năm.

Vụ bê bối vaccine Dengvaxia

Dengvaxia là tên một loại vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết được phát triển bởi Tập đoàn dược phẩm Sanofi – Pháp. Loại thuốc này được cho là loại vaccine đầu tiên được bào chế cho căn bệnh truyền qua muỗi nhiệt đới này, vốn đến nay vẫn chưa có phương pháp phòng chống triệt để. Năm 2017, một thông báo từ Sanofi nói rằng việc tiêm Dengvaxia có thể gây rủi ro lớn hơn cho những người chưa mắc bệnh.

“Dengvaxia mang lại lợi ích bảo vệ lâu dài chống lại virus sốt xuất huyết với những người đã từng mắc bệnh trước đó”, tuyên bố của Sanofi hồi tháng 11/2017 cho biết. Nó cũng bổ sung: “Tuy nhiên, phân tích cho thấy đối với những người trước đây chưa từng nhiễm virus, vaccine có thể có thể gây ra nhiều trường hợp nhiễm bệnh nặng sau khi tiêm nếu người tiêm bị nhiễm sốt xuất huyết sau đó”. Ngay sau tuyên bố này, Bộ trưởng Y tế Francisco Duque III đã ra lệnh đình chỉ tạm thời chương trình tiêm chủng công cộng tại trường học, vốn đã đưa Dengvaxia vào danh sách tiêm chủng cho học sinh tiểu học từ tháng 4/2016.

Học sinh trường Tiểu học Parang được tiêm vaccine Dengvaxia, vắc-xin đầu tiên phong sốt xuất huyết. Nguồn: Rappler.
Học sinh trường Tiểu học Parang được tiêm vaccine Dengvaxia, vắc-xin đầu tiên phong sốt xuất huyết. Nguồn: Rappler.

Thông báo của Sanofi kéo theo một cuộc điều tra của Văn phòng Công tố Công cộng (PAO). Trưởng công tố PAO, Persida Acosta khẳng định rằng Dengvaxia là nguyên nhân chính gây tử vong cho nhiều trẻ em được cho tiêm thuốc, dù không có các kết luận rõ ràng từ các cuộc điều tra song song của các cơ quan nhà nước khác, và kể cả từ chính Sanofi. Đến nay, PAO đã đệ trình 32 cáo buộc hình sự chống lại Bộ trưởng Bộ Y tế Duque, Cựu Bộ trưởng Janette Garin và các quan chức khác vì tội sơ suất và kể cả tham nhũng liên quan đến chương trình tiêm chủng sốt xuất huyết. Chính phủ cũng đã yêu cầu Sanofi hoàn trả toàn bộ 3,5 tỷ peso (khoảng 680.000 USD) tiền mua các đơn vị vaccine Dengvaxia và thậm chí còn dọa sẽ kiện công ty.

Những kết luận trong điều tra PAO và lập luận của Acosta tại các phiên điều trần công khai về vấn đề này đã được các chuyên gia y tế mô tả là “cảm tính” và “ngụy khoa học”. Họ cho rằng một nghiên cứu khoa học toàn diện đáng ra phải được tiến hành trước khi quy nguyên nhân các trường hợp tử vong cho vaccine Dengvaxia. Acosta cũng đã bị cáo buộc hành động nhằm thu hút sự ưu ái của Tổng thống Rodrigo Duterte – cáo buộc đến từ các chính trị gia đối lập với Tổng thống như Thượng nghị sĩ Leila De Lima, người đã bị cầm tù về tội phạm liên quan đến ma túy sau khi ông thực hiện một cuộc điều tra nhằm vào chiến dịch chống ma túy của Duterte.

Hậu quả kéo dài

Tác động tàn khốc nhất của cuộc tranh cãi này là cách nó làm xấu đi nhận thức chung về tiêm chủng của người dân Philippines. Một nghiên cứu mới cho thấy rằng niềm tin vào vaccine đã giảm đáng kể kể từ năm 2015, một năm trước khi chương trình Dengvaxia bắt đầu. Từ 93% người dân được hỏi “tán thành mạnh mẽ” việc coi tiêm vaccine là cần thiết trong năm 2015, con số này giảm xuống còn 32% vào năm 2018. Những người đồng ý mạnh mẽ rằng vaccine là an toàn cũng giảm đáng kể, từ 82% năm 2015 xuống chỉ còn 21% vào năm 2018.

Các phụ huynh và trẻ em biểu tình phản đối vaccine Dengvaxia trước trụ sở Bộ Y tế hồi tháng 2/2018. Nguồn: Rappler.
Các phụ huynh và trẻ em biểu tình phản đối vaccine Dengvaxia trước trụ sở Bộ Y tế hồi tháng 2/2018. Nguồn: Rappler.

Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho biết rằng nhiều bậc cha mẹ thậm chí còn tránh tham gia các dịch vụ y tế hoàn toàn không liên quan gì đến vaccine, chẳng hạn như uống thuốc tẩy giun. Ngay cả các nhân viên y tế không thuộc biên chế trong hệ thống nhà nước, chẳng hạn như của chính quyền địa phương, cũng bị người dân đối xử với sự dè chừng.

Hệ quả sau đó là, tỷ lệ tiêm chủng chỉ đạt mức 60% vào tháng 2/2018, thấp hơn mục tiêu 85% đề ra ban đầu. Về lý thuyết, một tỷ lệ tiêm chủng cao hơn trong dân số sẽ làm tăng khả năng miễn dịch cộng đồng, khi mà phần lớn người dân trong cộng đồng được tiêm chủng (thường là 90% hoặc cao hơn) sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh, qua đó bảo vệ hiệu quả nhóm thiểu số không tiêm chủng.

Một loạt các yếu tố khác nhau, chẳng hạn như nhận thức thấp hơn về các chương trình của Bộ Y tế và số trẻ em chưa được tiêm chủng gia tăng theo từng năm, đã giúp tạo điều kiện cho sự bùng phát dịch sởi thời gian gần đây. Các chương trình tiêm chủng vốn đã phải vật lộn để theo kịp mức tăng dân số trước cuộc tranh cãi Dengvaxia, sau vụ việc này đang càng gặp thêm nhiều khó khăn.

Nỗ lực kiểm soát thiệt hại đến nay tạo ra các kết quả đầy mâu thuẫn. Trong một chương trình tiêm chủng bổ sung vào tháng 4 năm 2018, 85% trẻ em được tiêm vaccine sởi tại đảo Mindanao nhưng chỉ có 36% số trẻ được tiêm tại vùng thủ đô Manila. Các chuyên gia y tế công cộng thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn cảm thấy khó hiểu trước phản ứng đặc biệt của Philippines với vụ việc Dengvaxia. Tại Brazil, quốc gia cũng sử dụng Dengvaxia trong chương trình tiêm chủng quốc gia, việc sử dụng vaccine đã không được lập tức bị dừng lại sau tuyên bố của Sanofi mà thay vào đó, ngưỡng độ tuổi tiêm vaccine được thay đổi để chỉ dành cho trẻ em trên 15 tuổi.

Romeo Ben Manangu
(từ Manila, Philippines)