Ngoài gây phát ban, bệnh sởi có thể khiến hệ miễn dịch trở nên khó ghi nhớ các nguy cơ và tiêu diệt những mầm bệnh lây nhiễm hơn.

Xóa trí nhớ miễn dịch: Virus sởi chui ra từ một tế bào nhiễm bệnh (bên trái) sau khi nhân bản bên trong tế bào.
Xóa trí nhớ miễn dịch: Virus sởi chui ra từ một tế bào nhiễm bệnh (bên trái) sau khi nhân bản bên trong tế bào.

Mối nguy hiểm từ bệnh sởi

Mọi người đều biết kiến thức thông thường về bệnh sởi là chúng gây ra triệu chứng phát ban, tạo những nốt đỏ trên khắp cơ thể. Nhưng các triệu chứng như phát ban, thậm chí là sốt, ho, chảy nước mắt hay đau mắt đều chỉ là những tác nhân gây xao nhãng đối với tác hại thực sự của virus sởi. Đó là việc chúng tấn công toàn diện vào hệ thống miễn dịch.

Sởi âm thầm xóa sạch trí nhớ miễn dịch của cơ thể về các bệnh nhiễm trùng từ trước. Các nhà khoa học nhận thấy virus sởi có thể xâm nhập cơ thể và lập thành ổ trong thời gian dài hàng tháng, thậm chí hàng năm. Hậu quả hình thành hội chứng “mất trí nhớ miễn dịch” khiến cơ thể dễ bị nhiễm các loại virus và vi khuẩn khác gây viêm phổi, nhiễm trùng tai và tiêu chảy.

TS. Michael Mina, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm và nghiên cứu bệnh học của Đại học Harvard (Mỹ) cho rằng chính những tác hại phía sau đó khiến sởi là một loại bệnh cực kỳ nguy hiểm. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng nó “khiến chúng ta nhạy cảm hơn với tất cả các loại bệnh khác”.

Những dữ liệu chi tiết được tổng hợp về các loại tế bào miễn dịch có nguy cơ bị tấn công cao nhất cũng như thời gian hệ thống miễn dịch chịu đựng xâm lấn từ nhiều nghiên cứu trên động vật thí nghiệm, mô người và trẻ em trong giai đoạn trước và sau khi mắc bệnh sởi đã vẽ ra một bức tranh đầy đủ hơn về cách loại virus này lén lút tấn công cơ thể. Góc nhìn mới này cung cấp một cách giải thích toàn diện về khả năng bảo vệ lớn hơn được trông đợi của việc phòng ngừa bằng vắc-xin sởi.

“Bất cứ nơi nào cho tiêm phòng sởi đều luôn giúp giảm tỷ lệ trẻ em tử vong”, nhà virus học Rik de Swart của Trung tâm Y tế Đại học Erasmus (Hà Lan) nhận xét.

Tiêm vắc-xin không chỉ ngăn ngừa tử vong gây ra bởi bệnh sởi. Một số nhà nghiên cứu ngờ rằng bằng cách dựng nên tấm khiên cho hệ miễn dịch chống lại một chủng virus tấn công, các vắc-xin có thể tạo ra màng bảo vệ giúp ngăn chặn các mầm bệnh khác nữa.

Khóa chặt mục tiêu

Sau khi một người bị nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi, virus sởi có thể tồn tại trong không khí và trên bề mặt tới 2 giờ, chờ đợi để xâm nhập vào đường thở của các nạn nhân tiếp theo.

Khi vào bên trong, virus được cho là sẽ nhắm vào các tế bào miễn dịch thường có trong dịch nhầy của mũi và cổ họng, trong các túi khí nhỏ ở phổi hoặc giữa mí mắt và giác mạc. Các thí nghiệm trên động vật cho thấy những tế bào miễn dịch này thường có một loại protein tên CD150 cho phép virus xâm nhập.

Virus nhanh chóng nhân bản bên trong các tế bào, sau đó lan sang những nơi chứa các tế bào miễn dịch khác như tủy xương, tuyến ức, lá lách, amidan và hạch bạch huyết. Ông Bert Rima, nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Queen’s Belfast (Bắc Ireland), cho biết: “Virus này có thiên hướng lây nhiễm cực mạnh đối với các tế bào của hệ thống miễn dịch”.

Rima và các đồng nghiệp đã theo dõi quá trình xâm lược hệ thống miễn dịch trong mô người được bảo quản. Kết quả nghiên cứu đó được báo cáo trong tạp chí mSphere vào năm 2018. Các phần tử virus mới được nhân bản sẽ di chuyển vào đường hô hấp, nơi chúng có thể lây nhiễm ra ngoài khi người bệnh ho ra.

Nhiễm sởi cấp tính, thường kéo dài vài tuần, đôi khi có thể xuất hiện nhiễm trùng tai, viêm phổi và trong trường hợp hiếm có thể gây viêm não chết người.

Theo ông Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia ở Bethesda, Maryland (Mỹ), thì chỉ riêng những triệu chứng này đã rất đáng lo ngại, nhưng việc mất tế bào miễn dịch có thể khiến mọi người mắc các bệnh nhiễm trùng mà thông thường hệ miễn dịch có thể tự xử lý được, điều này đáng lo ngại hơn.

Chu kỳ virus

Sau khi vừa bị nhiễm trùng, các tế bào nhiễm virus sởi sẽ lan rộng khắp cơ thể trước khi xuất hiện các triệu chứng như phát ban mẩn đỏ. Hậu quả là cơ thể càng giảm các tế bào mang trí nhớ miễn dịch so với trước khi bệnh được phát hiện.

Chu kỳ virus bệnh sởi

Vào năm 2013, de Swart và các đồng nghiệp đã có cơ hội nghiên cứu tác động miễn dịch của virus ở những đứa trẻ trong cộng đồng Tin lành Chính thống giáo Vành đai Kinh thánh Hà Lan. Cha mẹ ở đó từ chối tiêm vắc-xin, quyết định này dẫn đến sự bùng phát thường xuyên của bệnh sởi. Lần phát dịch gần nhất tại khu vực này kết thúc vào năm 2000. Bởi vậy, đây chỉ là vấn đề thời gian trước khi virus sởi xâm nhập trở lại.

Các nhà nghiên cứu đã được các bậc cha mẹ cho phép để lấy mẫu máu từ những đứa trẻ khỏe mạnh, chưa được tiêm vắc-xin để nghiên cứu các tế bào miễn dịch của chúng. Sau đó, họ chờ đợi dịch bệnh bùng phát để kiểm tra những đứa trẻ lần nữa sau khi bị nhiễm virus.

De Swart đã không phải chờ đợi lâu. Ngay khi các nhà nghiên cứu bắt đầu thu thập máu, dịch bệnh đã bùng phát. Những đứa trẻ được chuyển ra khỏi lớp học đến một phòng khách tối để bảo vệ đôi mắt nhạy cảm của chúng. Khi virus lây lan ra khắp cộng đồng, de Swart và các đồng nghiệp đã thu thập được mẫu trước và sau khi mắc sởi từ 77 đứa trẻ.

“Loại virus này ưu tiên tấn công vào các tế bào trong hệ miễn dịch có chứa thông tin ký ức về các bệnh nhiễm trùng đã mắc phải trước đó”, de Swart cho biết.

Chúng được gọi là tế bào trí nhớ lympho B và T, những tế bào này thường ghi nhớ các mối đe dọa mà cơ thể đã vô hiệu hóa, cho phép hệ thống miễn dịch hoạt động nhanh chóng nếu những mối đe dọa đó quay trở lại.

Sau khi bị nhiễm sởi, số lượng của một số loại tế bào bộ nhớ này đã giảm đi rõ rệt, tạo ra chứng mất trí nhớ miễn dịch. Kết quả nghiên cứu này được báo cáo vào năm 2018 trên tạp chí Nature Communications.

Mất nhiều thời gian để phục hồi

Hệ thống miễn dịch có thể mất vài tháng hoặc thậm chí vài năm để hồi phục sau khi bị mắc hội chứng mất trí nhớ miễn dịch.

Các nhà nghiên cứu bao gồm de Swart và Mina đã so sánh hồ sơ sức khỏe của trẻ em ở Anh từ năm 1990 đến 2014. Trong vòng 5 năm sau khi mắc bệnh sởi, những đứa trẻ trước đây bị nhiễm virus được chẩn đoán nhiễm nhiều bệnh hơn so với những đứa trẻ trước kia không bị mắc sởi.

Những đứa trẻ từng bị sởi có khả năng bị kê đơn thuốc chống nhiễm trùng nhiều hơn từ 15 đến 24% so với những đứa trẻ không bao giờ bị sởi. Kết quả trên được báo cáo trên tạp chí Y học BMJ Open năm 2018.

Trẻ em ở Anh bị sởi (đường màu đỏ) có nhiều khả năng nhận đơn thuốc cho các bệnh nhiễm trùng khác hơn so với trẻ em đã mắc bệnh sởi (đường màu hồng) trong những tháng/năm tiếp theo.| Nguồn: K. Gardroen et al/BMJ Open 2018
Trẻ em ở Anh bị sởi (đường màu đỏ) có nhiều khả năng nhận đơn thuốc cho các bệnh nhiễm trùng khác hơn so với trẻ em đã mắc bệnh sởi (đường màu hồng) trong những tháng/năm tiếp theo.| Nguồn: K. Gardroen et al/BMJ Open 2018

Mina và các đồng nghiệp đã tìm thấy kết quả tương tự đối với các trường hợp tử vong do các loại nhiễm trùng không liên quan đến sởi ở trẻ em ở Anh, Wales, Hoa Kỳ và Đan Mạch, trước và sau khi được tiêm vắc-xin sởi. Khi bệnh sởi lan tràn, trẻ em có nhiều khả năng tử vong do các bệnh nhiễm trùng khác.

Các nhà nghiên cứu xem xét vài năm sau khi bệnh nhân mắc bệnh sởi và nhận thấy mối liên hệ giữa các ca tử vong do bệnh sởi và không do bệnh sởi ngày càng mạnh hơn.

Mina cho biết, “Mỗi đốm nhỏ trong dữ liệu về tử vong có thể được lý giải bởi các dữ liệu về các ca mắc bệnh sởi trong 30 tháng trước đó”.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ làm thế nào hệ thống miễn dịch có thể phục hồi ký ức miễn dịch của nó. Với phương pháp mới có thể đo lường những tế bào ký ức này, Mina và đồng nghiệp hy vọng có thể hiểu được quá trình tái tạo lại đó.

Hầu hết trẻ em đều khỏi bệnh sởi một cách yên ổn. De Swart nhận xét: “Hệ thống miễn dịch có khả năng bền bỉ đáng kinh ngạc”. Tuy nhiên, bệnh sởi không phải là một căn bệnh thời thơ ấu đơn giản. Đối với một số người, hậu quả có thể rất nghiêm trọng. "Nhưng chúng ta cũng biết một cách đơn giản để ngăn chặn căn bệnh có nguy cơ tử vong này," Mina nhấn mạnh.

Các chuyên gia y tế đề khuyến cáo việc tiêm vắc-xin có thể ngăn ngừa được những nguy cơ trên. Vài năm trước đây, bệnh sởi được xem là bị xóa sổ hoàn toàn ở nhiều khu vực trên thế giới như Mỹ, Nhật…, khiến cho việc tuân thủ tiêm chủng ở nhiều nơi bị xao nhãng và trẻ em lớn lên mà không có khả năng miễn dịch đặc hiệu với virus sởi. Tuy nhiên, đến đầu năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải phát đi cảnh báo về số lượng người nhiễm sởi đang bùng phát trở lại ở quy mô mạnh nhất trong lịch sử nhân loại.

Nguồn: