Tuy nhiên, gần đây vấn đề này dường như đã có hướng giải quyết khi nhiều doanh nghiệp khẳng định nếu áp dụng quy trình tối ưu, họ có thể cho ra sản phầm hữu cơ có mức giá “mềm mại”, dễ chấp nhận đối với số đông người tiêu dùng.
Cải tạo đất không khó
Giới chuyên môn khẳng định, để làm nông nghiệp hữu cơ (NNHC), khâu đầu tiên và đặc biệt quan trọng là cải tạo nền đất - vốn đã kém “lành mạnh” sau một thời gian dài thôi nhiễm hóa chất từ phân bón, thuốc kích thích tăng trưởng, bảo vệ thực vật - để đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Khâu này sẽ mất khoảng 2-3 năm và lâu nay vẫn được coi là một trở ngại trong việc khuyến khích chuyển sang canh tác hữu cơ.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ Lovefarm Việt Nam - cho rằng, với các thành tựu khoa học, kỹ thuật hiện có, chuyện cải tạo đất không thể làm khó người sản xuất: “NNHC không phải thứ gì cao xa, phức tạp mà chính là cách ông cha ta đã làm từ xưa, bằng việc ủ phân lợn, trâu bò, gà, rơm rạ...trong 6 tháng đến 1 năm cho hoai mục rồi mang bón ruộng. Còn hiện nay, khoa học đã tạo ra các chủng khuẩn cấy vào đất để vừa tốt đất, tốt cây vừa bảo vệ môi trường”.
Chuyên gia nước ngoài hướng dẫn kỹ thuật tại Nông trường VinEco Tam Đảo. Ảnh: T. Tuyền
Cụ thể, để cải tạo đất, đầu tiên cần dùng phân vi sinh hữu cơ và cấy các chủng vi khuẩn baciluss, trichoderma... để phân hoai mục nhanh. Các vi sinh vật này cũng ăn hết nấm hại, vi tuyến trùng, khuẩn ecoli. Chúng cũng giúp đất giải phóng các nguồn đạm tốt đơn, cải thiện 80-85% chất lượng môi trường sinh thái.
“Có những vườn chỉ làm đến năm thứ hai đã có chim về tìm bắt những con sâu có hại, trong khi các loại sâu có lợi vẫn phát triển. Khi đó, vườn vẫn có sâu nhưng hiền hòa hơn, không mang tính chất phá hoại mùa màng” - bà Mai nói và khẳng định, việc xử lý đất ban đầu bằng cách dùng phân vi sinh làm phân lót, cấy vi khuẩn dinh dưỡng... hết từ 86-120 triệu đồng/ha mỗi năm; nhưng khi đất đã ổn định thì việc canh tác lại rất nhàn.
Thạc sỹ Phạm Minh Đức - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Liên kết sinh thái Việt Nam (Ecolink) - cũng khẳng định, nếu làm đúng theo quy trình canh tác NNHC, khâu cải tạo đất chỉ gây vất vả trong thời gian đầu, sau đó năng suất và chất lượng sẽ bền vững.
Ông cũng chia sẻ: “Trước đây chúng tôi đã làm NNHC ở vùng thấp và thất bại khi người dân vẫn giữ thói quen sử dụng hóa chất. Sau thất bại đó, chúng tôi nghiên cứu và nhận thấy ở các vùng cao như Hà Giang, Yên Bái, hệ sinh thái còn tốt, đa dạng nên đã xây dựng những vùng sản xuất đúng tiêu chuẩn châu Âu mà chi phí lại hợp lý hơn. Khó khăn ban đầu và lớn nhất là kỹ thuật, trình độ canh tác NNHC của Việt Nam còn yếu, chưa có nghiên cứu đưa ra giải pháp về phân bón, thuốc trừ sâu, tăng năng suất hiệu quả nên chúng tôi đã phải mất nhiều thời gian để tìm giải pháp cho riêng mình. Thêm nữa, sản phẩm hữu cơ giá cao và Nhà nước chưa thực sự quan tâm về mặt chính sách nên ít người biết tới - trừ thị trường châu Âu”.
Ông Đức cho biết, kể từ thành lập (năm 2004) đến nay, Ecolink đi theo hướng sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu, phục vụ trực tiếp cho thị trường châu Âu và Mỹ.
Mức chênh lệch giá
Có thể giảm còn 10-15%
Đã là thực phẩm hữu cơ thì giá rất cao, đó là ấn tượng mặc định của đa số người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Đức khẳng định: “Nếu làm từ gốc, làm trực tiếp với nông dân thì doanh nghiệp hoàn toàn kiểm soát được chất lượng và giá thành. Nhìn chung, các sản phẩm đều có giá phải chăng. Đến một lúc nào đó, giá sản phẩm được chứng nhận hữu cơ không còn quá cao so với sản phẩm thông thường, chỉ chênh lệch khoảng 10-15% là đạt giá trị bền vững. Không phải cứ sản phẩm hữu cơ là phải đắt gấp 3-5 lần như mọi người quan niệm”.
Đóng gói sản phẩm rau tại nông trường VinEco Tam Đảo. Ảnh: T. Tuyền
Thực tế sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của Ecolink trong 10 năm qua cho thấy, ban đầu năng suất giảm, nhưng về sau đạt gần ngưỡng của sản xuất thông thường: “Khi chúng ta bồi đắp đất, bổ sung đủ phân hữu cơ và có biện pháp canh tác phù hợp thì năng suất không thua kém cách canh tác thông thường, trong khi chất lượng sản phẩm cao hơn rất nhiều với độ an toàn và hàm lượng dinh dưỡng cao. Khi đó, giá sản phẩm chỉ cần cao hơn sản phẩm thường 10-15% là đủ bù chi phí, đủ sức để lan tỏa ở thị trường rộng lớn chứ không phải chỉ ở thị trường ngách phục vụ các khách hàng cao cấp”. Hiện chè hữu cơ của Ecolink đã bắt đầu được bán ở Việt Nam với giá sản phẩm 100gr là 40.000 đồng.
Còn Công ty LoveFarm đang có 5 hợp tác xã trồng dược liệu và 3 hợp tác xã trồng rau theo quy trình hữu cơ tại Phú Thọ, Hà Nội, Nghệ An, Hà Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình. Sản phẩm chủ yếu gồm các dược liệu cà gai leo, giảo cổ lam, xạ đen, cỏ ngọt, kim ngân hoa và các loại rau thâm canh như cải ngọt, cải bắp, cà chua, càrốt...
Bà Mai phân tích: “Với cây công nghiệp, cần cải tạo đất 3 năm, cây thâm canh cần 2 năm, nhưng nếu đất đã được bón đạm, lân nhiều năm thì cải tạo một lần là không đủ, do đó người dân ngại làm hữu cơ. Tuy nhiên, nếu cải tạo đất đúng quy trình thì sau 2-3 năm, chi phí canh tác hữu cơ sẽ rẻ như canh tác thông thường và môi trường sinh thái cân bằng trở lại. Hiện sản phẩm hữu cơ của Lovefarm trên thị trường có giá tương đương sản phẩm thường mà doanh nghiệp vẫn có lãi”. Bà Nguyễn Thị Mai cho rằng, sản phẩm NNHC trên thị trường hiện nay đắt hơn nhiều so với thực phẩm thường một phần do chi phí đầu tư ban đầu, một phần là do một số doanh nghiệp cố ý đẩy giá lên cao để tăng lợi nhuận.
Nói về tiềm năng của NNHC tại Việt Nam, ông Đức bày tỏ sự tin tưởng bởi ngoài triển vọng kéo gần khoảng cách về giá với sản phẩm thường, nhu cầu tiêu thụ cũng ngày càng tăng. “Hiện tại trên thế giới, thị trường NNHC đã đạt giá trị hơn 80 tỷ USD. Ở thời điểm kinh tế khó khăn như năm 2008, thị trường này vẫn tăng 10-12%. Xu hướng phát triển đó khiến các doanh nghiệp như chúng tôi an tâm hơn trong việc phát triển NNHC” - ông Đức nói.