Tỉnh Quảng Trị đang kỳ vọng xây dựng đèo Sa Mù (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa) thành “tiểu Đà Lạt”, bởi điều kiện đất đai, khí hậu nơi đây được đánh giá rất phù hợp để phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như hoa cao cấp, rau quả, dược liệu quý hiếm và một số vật nuôi xứ lạnh.
Để hiện thực hóa điều này, từ năm 2016, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Quảng Trị đã triển khai xây dựng Trạm Nghiên cứu và Ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa (Trạm Nghiên cứu) thuộc Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng tiến bộ KH&CN (nay là Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN). Trạm Nghiên cứu đi vào hoạt động từ cuối năm 2017 và được xem là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của Quảng Trị. Đến nay, sau hơn 2 năm thử nghiệm, “tiểu Đà Lạt” đã cho những kết quả ban đầu rất khả quan.
Với độ cao trên 1.000 m, khu vực đèo Sa Mù thuộc xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị có nhiệt độ mát mẻ quanh năm (nhiệt độ trung bình ban ngày 18-23oC, ban đêm 12-15oC), điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đặc thù nên được ví là “tiểu Đà Lạt”. Ngoài ưu đãi của thiên nhiên về các điều kiện tự nhiên, khu vực đèo Sa Mù còn có những thuận lợi về đường giao thông, hệ thống đường điện, nguồn nước suối tự chảy... Với những điều kiện nêu trên, đèo Sa Mù được đánh giá rất phù hợp để phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo hướng hàng hóa như các loại hoa cao cấp, rau quả, dược liệu quý hiếm và một số vật nuôi xứ lạnh.
Nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế tại khu vực đèo Sa Mù, từ năm 2016, Sở KH&CN Quảng Trị đã triển khai xây dựng Trạm Nghiên cứu và Ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa đặt tại xã Hướng Phùng. Trạm Nghiên cứu là nơi triển khai thực hiện các mô hình nghiên cứu, ứng dụng phù hợp với điều kiện thực tế cũng như các kết quả nghiên cứu của nhiều địa phương khác có đặc điểm về điều kiện tự nhiên và khí hậu tương tự; xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ KH&CN để nâng cao đời sống nhân dân, góp phần ổn định kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh dọc tuyến biên giới.
Cũng trong năm 2016, để có cơ sở khoa học khẳng định sự phù hợp của các yếu tố tự nhiên đặc thù của xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa trong việc triển khai các mô hình KH&CN, UBND tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ “Xây dựng mô hình trồng hoa Lily thương phẩm tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị” do Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng tiến bộ KH&CN thuộc Sở KH&CN Quảng Trị chủ trì thực hiện. Trong lần nghiên cứu thử nghiệm này, hoa Lily được trồng ở hai vị trí là đèo Sa Mù và trung tâm xã Hướng Phùng để đánh giá khả năng thích nghi, phát triển ở 2 nền nhiệt độ khác nhau. Kết quả bước đầu đã xác định được 2 giống Lily Sorbonne và Concador có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện ở cả 2 khu vực. Hoa Lily có thân chắc, khỏe, lá xanh, màu sắc đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng và đặc biệt là mùi hương dễ chịu hơn hoa ở các nơi khác, cánh hoa dày, số hoa trung bình trên cây đạt 5-7 hoa.
Từ kết quả thử nghiệm năm 2016, để tăng cường nguồn lực cho hoạt động của Trạm Nghiên cứu, Sở KH&CN Quảng Trị đã chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng tiến bộ KH&CN đề xuất dự án “Xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa lan Hồ điệp, hoa Lily tại Quảng Trị” thuộc Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2025. Dự án được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện từ tháng 9/2018 đến tháng 3/2021 tại Trạm Nghiên cứu.
Vườn lan hơn 10.000 cây được chăm sóc hoàn toàn tự động.
Cuối năm 2018, sau khi hoàn thành bước đầu hệ thống nhà kính, bên cạnh việc tiếp tục đưa vào trồng, chăm sóc 10.000 cây hoa Lily, Trung tâm đã đưa vào trồng thử nghiệm 7.000 cây hoa Tulip với 5 màu sắc, sau 40 ngày tất cả gốc cây đã cho hoa đúng vào dịp Tết Mậu Tuất 2018. Hoa Tulip trồng ở đèo Sa Mù có màu tươi thắm, nhiều màu sắc, lá xanh bóng mượt mà, thân mập mạp... Bên cạnh đó, trồng hoa Tulip ở đèo Sa Mù có giá đầu tư và chi phí chăm sóc, vận chuyển thấp nên giá bán cạnh tranh hơn rất nhiều so với loại hoa này nhập về từ các nơi khác. Đặc biệt, trong khuôn khổ dự án, đầu năm 2019, Trung tâm đã tiếp nhận, đưa vào trồng và chăm sóc 15.000 cây lan Hồ điệp với nhiều màu sắc khác nhau như trắng, đỏ, vàng, hồng. Mô hình lan Hồ điệp được ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất theo hướng tự động hóa được giám sát, điều khiển từ xa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Lan Hồ điệp được trồng trong nhà kính ứng dụng công nghệ hiện đại, khép kín với hệ thống cảm biến đo độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng; mái che, quạt tự động điều chỉnh khi có sự thay đổi của môi trường bên ngoài. Ngoài ra, hệ thống còn có chức năng truyền hình ảnh và các thông số về môi trường thông qua điện thoại thông minh, giúp người vận hành ở bất cứ nơi đâu cũng có thể giám sát các thông số và tình hình phát triển của lan Hồ điệp, đồng thời có thể cài đặt được các thông số giới hạn cho hệ thống vận hành mà không cần có mặt ở vườn cây. Sau hơn 15 tháng, hiện hơn 15.000 cây lan Hồ điệp đang sinh trưởng tốt, lá xanh, mập mạp, chiều dài 20-30 cm, hoa ra đúng thời điểm phục vụ thị trường tết Nguyên đán Canh Tý. Với những kết quả này, có thể khẳng định lan Hồ điệp khá phù hợp với điều kiện môi trường tại đèo Sa Mù.
Ngoài hoa Lily, Tulip, lan Hồ điệp, Sa Mù còn là địa điểm lý tưởng trồng thử nghiệm thành công nhiều loại giống cây khác như dâu tây, cà chua siêu ngọt cùng nhiều loài dược liệu quý hiếm.
Kiểm tra thực tế mô hình tại đèo Sa Mù, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Quân Chính đánh giá cao những thành công từ các mô hình trồng hoa thương phẩm công nghệ cao, đặc biệt là triển khai thành công mô hình trồng hoa Lily, lan Hồ điệp và nhận định tiềm năng đất đai, khí hậu ở khu vực đèo Sa Mù rất phù hợp để phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Việc trồng thành công các giống cây, hoa, dược liệu tại vùng tiểu khí hậu ôn đới Sa Mù sẽ giúp địa phương biến nơi đây thành "tiểu Đà Lạt" ở miền Trung để hình thành vùng trọng điểm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Những kết quả bước đầu của việc ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa Lily và lan Hồ điệp tại Sa Mù cũng đã nhận được sự đánh giá cao từ đoàn công tác của Bộ KH&CN nhân chuyến thăm và kiểm tra mô hình. Hiện, toàn bộ số hoa trồng tại đây đã được các cơ sở kinh doanh từ Nghệ An đến Đà Nẵng đặt mua với giá bán hoa lan Hồ điệp 95.000-120.000 đồng/cây, hoa Lily là 190.000 đồng/chậu 5 cây.
Có thể nói việc ứng dụng công nghệ cao trong trồng, chăm sóc hoa Lily, Tulip, lan Hồ điệp và các loại dược liệu quý tại đèo Sa Mù bước đầu đã mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng, triển vọng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại “tiểu Đà Lạt”. Mặc dù mới chỉ là những kết quả ban đầu nhưng là tín hiệu vui để tỉnh Quảng Trị có những bước đi phù hợp, tiệm cận với nền sản xuất nông nghiệp hiện đại trong tương lai gần, cũng là cơ sở trong kêu gọi, thu hút đầu tư vào khu vực được xem là rất lý tưởng này. Trong thời gian tới, Sở KH&CN Quảng Trị sẽ tiếp tục nghiên cứu, áp dụng tiến bộ KH&CN để phát huy hiệu quả khu thực nghiệm sản xuất chất lượng cao và phối hợp với các nhà đầu tư chuyển giao quy trình trồng các sản phẩm mà Sở KH&CN đã nghiên cứu thành công.