Ecofarm là một trong những startup hiếm hoi được sở KHCN TP. HCM và Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM quyết tâm đầu tư. Startup đã khó, startup nông nghiệp công nghệ cao lại càng khó, làm nông nghiệp đô thị (urban farming) còn khó hơn nữa.
Phạm Thành Lộc, người sáng lập Ecofarm đã có cuộc trò chuyện với báo Khoa học và Phát triển về niềm tin để đi qua những khó khăn này.
Khi đất nông nghiệp xứ mình còn nhiều, sao phải làm những thứ trồng trên tường, trồng không cần đất? Đó có phải là đi ngược lại lợi thế cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam không?
Chúng ta biết rằng, thời đại Urban farming đang đến gần và nó đang thật sự trở thành một xu hướng phổ biến. Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc - FAO cũng đã khẳng định điều đó trong các báo cáo, các phân tích và dự đoán của mình. Xu hướng đó đã đến Việt Nam với những hạt giống ban đầu, từ trong chính sách đã bàn về nông nghiệp đô thị và có chủ trương khuyến khích, định hướng .v.v.. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có sản phẩm dịch vụ dành cho thị trường này. Đã có một số lượng nhỏ người dân đô thị bắt đầu làm nông tại đô thị.
Tuy nhiên, xét về mục tiêu và quy mô thì xu hướng urban farming ở Việt Nam chỉ là sản xuất tự cung tự cấp, chưa có nhiều mô hình sản xuất thương phẩm. Do vậy, urban farming ở Việt Nam sẽ bắt đầu bằng làn sóng tự sản xuất và tự tiêu thụ dân dụng, cùng với đó là sản xuất tự tiêu thụ của các mini farm, micro farm do các chủ cửa hiệu nhà hàng .v.v… làm chu, sau đó mới đến các trại sản xuất lớn (Mặc dù chúng ta sẽ thấy sự ồn ào của các trang trại lớn trước). Nguyên nhân là nước ta là một xứ nông nghiệp tài nguyên đất đai còn đủ trong một thời gian dài, sản xuất trang trại quy mô lớn vẫn còn nhiều lợi thế để cạnh tranh ở phân khúc thị trường phổ biến.
Tuy nhiên có hai yếu tố đang ảnh hưởng sống còn đến lợi thế cạnh tranh của các trang trại lớn, bao gồm: thứ nhất là sự suy giảm niềm tin vào các nông sản phổ thông vì cách thức mà người ta sản xuất và lưu thông nông sản này trên thị trường; thứ hai là quá trình đô thị hóa dẫn đến sự tăng giá phi lý của đất đai, làm cho đất đai trở thành tư liệu sản xuất có chi phí đầu tư cao nhất trong tất cả các loại chi phí. Hai nguyên nhân này dẫn đến nguy cơ cho sản xuất trang trại quy mô lớn nhưng mang đến thời cơ cho sự xuất hiện của các micro farm, mini farm và sản xuất tự cung tự cấp.
Nên sắp tới các giải pháp, kỹ thuật canh tác mới đáp ứng được nhu cầu của xu thế urban farming trong tương lai sẽ tiếp tục xuất hiện ngày một nhiều hơn. Các giải pháp giúp khai thác tốt không gian, tiết kiệm năng lượng, công sức và đơn giản sẽ được ưu tiên trên thị trường. Xu thế đó không đi ngược với ưu thế cạnh tranh của nền nông nghiệp Việt Nam mà nó tham gia bổ sung thêm một số màu sắc mới cho toàn cảnh bức tranh nông nghiệp nước ta. Trong trường hợp may mắn, nếu xuất hiện một vài sản phẩm, quy trình công nghệ có thể xuất khẩu đi nước ngoài thì nó sẽ đóng góp thêm vào lợi thế của nông nghiệp hiện đại của nước ta.
Cuộc thi khởi nghiệp nào mà không có mấy ý tưởng thủy canh, khí canh... Nhưng mấy năm rồi đâu thấy dự án nào tồn tại, vì cũng chỉ trồng được mấy cây rau ăn lá, mà thực đơn người Việt thì rau ăn củ cũng rất quan trọng... Dự án này khác biệt nhất ở chỗ nào?
Thực ra, về cơ bản sản phẩm dự án của bọn mình không phải là các loại rau ăn lá, củ, quả đang được thị trường xếp vào nhóm rau sạch, rau an toàn hay rau hữu cơ thường nằm trên kệ siêu thị hay trên sạp ngoài chợ mà người tiêu dùng có thể đến để mua về dùng trong bữa ăn. Sản phẩm là một giải pháp kỹ thuật công nghệ, đáp ứng nhu cầu thị trường thông qua hình thức là thiết bị công nghệ kết hợp quy trình sản xuất vừa phục vụ cho sản xuất quy mô lớn và vừa đáp ứng được nhu cầu dân dụng.
Xét về công nghệ hay kỹ thuật thì chúng mình cũng là người đi sau không phải là người được hưởng toàn bộ những ưu thế của người tiên phong trong lĩnh vực khí canh. Do đó, chúng mình đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về một số mô hình khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và các mô hình nhắm đến cả hai phân khúc gồm quy mô trang trại và cho hộ gia đình. Bọn mình cũng nhận ra được khá nhiều khuyết điểm của các mô hình startup ở Việt Nam trong lĩnh vực này. Phổ biến nhất và nguy hiểm nhất là các mô hình khởi nghiệp này là hoạt động trong nông nghiệp công nghệ cao nhưng chưa thực sự làm chủ được công nghệ và các yếu tố phụ trợ có liên quan. Vì thế khi đi vào giai đoạn mở rộng và kiểm soát thị phần thì hầu hết sẽ bị “hụt hơi”.
Về sản phẩm dùng cho hộ gia đình không giống như những trụ trồng rau khí canh đơn, sao chép nguyên mẫu kiểu của nước ngoài về, điểm khác biệt quan trọng nhất là chúng mình không dựa chính lên sản phẩm mà chúng mình dựa trên nền tảng là phương thức tiếp cận và đáp ứng nhu cầu thị trường đặc trưng của nhóm mình, từ đó đề ra yêu cầu thiết kế sản phẩm. Sản phẩm vừa gọn nhẹ, năng suất, hiệu quả cao, tiết kiệm, lắp đặt dễ dàng, bảo trì sửa chữa đơn giản.
Dự án còn có một ưu điểm tuyệt đối mà các đối thủ khác trong phân khúc thị trường không có được là chúng mình đã có được quy trình chăm sóc đặc biệt cộng với dinh dưỡng độc quyền (đã đạt được 60% hữu cơ) mà máy Ecofarm có thể giúp người tiêu dùng dễ dàng trồng được rất nhiều các loại cây khác nhau từ các loại rau ăn lá (ăn sống, nấu canh, rau mùi gia vị), ăn quả (dưa leo, dưa gang, dưa hấu, cà chua, ớt, dâu tây.v.v…), một số loại củ như củ cải, su hào, cà rốt .v.v..trồng các loại cây cảnh trang trí; có thể chiết cành cây cảnh một cách hiệu quả.
Vậy các bạn đã chuẩn bị cho sự thất bại của dự án chưa?
Đây thật sự là một câu hỏi hay, nó là bài toán quyết định sống chết mà các doanh nghiệp startup phải giải quyết để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của mình. Thật sự trong hầu hết các công ty startup trong lĩnh vực và phân khúc thị trường thời gian qua, ít có doanh nghiệp có thể tồn tại và rất hiếm có doanh nghiệp phát triển mạnh. Đã có rất rất nhiều doanh nghiệp đang loay hoay tìm cách tồn tại trên thị trường và cũng đã có nhiều startup đi trước phải từ bỏ.
Mình nhận thấy lý do chậm phát triển hoặc thất bại của các startup đi trước nằm ở các nhược điểm như sản phẩm thô sơ, công nghệ đơn giản, mẫu mã không có sự đầu tư đặc biệt. Chiến lược marketing thì tự phát, không có chiến lược đàng hoàng, chỉ chú trọng vào khách hàng end user (người dùng cuối) chưa chú trọng vào khách hàng trong chuỗi phân phối, khách hàng mua mà không dùng. Và khả năng làm chủ công nghệ còn yếu. Với công nghệ trồng cây thủy canh, khí canh, bí quyết nằm hoàn toàn ở dinh dưỡng và chế độ chăm sóc. Hầu hết các startup không nắm giữ bí quyết này mà lệ thuộc vào dinh dưỡng của các nhà sản xuất, cung cấp dinh dưỡng nên vẫn chỉ xoay quanh một số loại xà lách, cải, dưa leo .v.v…
Vì vậy, chúng mình tập trung vào định hướng sản phẩm, làm chủ công nghệ, xây dựng bộ máy và mô hình kinh doanh, cũng như tạo thu nhập ngắn hạn nuôi công ty tạm thời bằng cách kinh doanh đa dạng hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, chúng mình cũng tích cực làm các công tác xã hội. Sản phẩm của Eco Farm đóng góp trực tiếp rất nhiều lợi ích cho xã hội, cho người tiêu dùng và cho mản xanh của đô thị trong khi giúp tiết kiệm rất nhiều nguồn lực như điện năng, nước và công sức. Khách hàng đã mua, đang tiếp nhận sản phẩm đầy thiện cảm nên nếu chúng mình nỗ̉ lực và được sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông, thì một môi trường dư luận thuận lợi sẽ tạo điều kiện hát triển thị trường rộng hơn nữa.
Nếu làm tốt các yếu tố cơ bản này, chúng mình tin chắc sẽ kiểm soát được nguy cơ thất bại.
Cảm ơn và chúc Ecofarm thành công.