Ở Việt Nam, tiêu chuẩn quốc gia về thực phẩm an toàn là VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi.
VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất.
Những hộp đựng cam sạch bán tại của hàng rau hữu cơ Tâm Đạt. Ảnh: Lê Phượng
Thực phẩm an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn được phép dùng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, nhưng phải đúng quy cách về liều lượng, thời gian để đảm bảo sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và có hàm lượng chất độc hại dưới mức cho phép.
Thực phẩm hữu cơ được sản xuất bằng phương thức và tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ - tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, chất điều tiết sự tăng trưởng của cây trồng, chất phụ gia trong thức ăn gia súc.
Việc canh tác dựa tối đa vào sự quay vòng mùa vụ, các phần thừa sau thu hoạch, phân động vật và việc canh tác cơ giới để duy trì năng suất đất, cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng và kiểm soát cỏ, côn trùng, sâu bệnh.
Mục đích hàng đầu của nông nghiệp hữu cơ là tối đa hóa sức khỏe và năng suất của các cộng đồng độc lập về đời sống đất đai, cây trồng, vật nuôi và con người. Hệ thống chứng nhận thực phẩm hữu cơ ở Việt Nam hiện nay có PGS.