Để có một bức "ảnh tự sướng đỉnh cao", rất nhiều đã phải trả giả, thậm chí là bằng cả mạng sống.

Năm nay, nhiều người đã trả giá bằng cả mạng sống của họ, khi cố tìm cách tự chụp một bức ảnh thật đẹp về bản thân.

Thi nhau mất mạng vì “tự sướng”

Đơn cử như nước Nga đã chứng kiến khá nhiều trường hợp tử vong vì chụp ảnh selfie, gồm cái chết của 2 người đàn ông ở vùng núi Ural, những người đã cùng nhau giật chốt một quả lựu đạn để có được bức ảnh thật “độc”. Tháng 6 vừa qua, một người mới tốt nghiệp đại học cũng thiệt mạng do chụp ảnh tự sướng lúc đang treo lơ lửng trên một cây cầu ở Moskva.

Gần đây nhất, một thiếu niên 17 tuổi tử vong do tìm cách chụp ảnh selfie đưa lên mạng xã hội Instagram và bị ngã từ trên mái một tòa cao ốc xuống đất. Trước đó, cậu trai này đã chụp rất nhiều bức ảnh tương tự, với bản thân đang tạo dáng trên nóc các tòa cao ốc ở thành phố Vologda.


Nhiều người đã gặp họa khi cố tìm cách chụp ảnh selfie thật “độc”

Tại Mỹ gần đây, một thanh niên đã tự bắn vào cổ, lúc đang chụp ảnh selfie cùng một khẩu súng, và thiệt mạng. Ít nhất 12 người đã chết trong năm nay do chụp ảnh tự sướng. Để so sánh, các vụ cá mập tấn công người trong năm nay chỉ khiến 8 nạn nhân thiệt mạng.

Số liệu thống kê rõ ràng đã tạo ra một vấn đề nghiêm trọng cho nhiều chính quyền. Hồi tháng 8 năm nay, giới chức quản lý công viên Waterton Canyon ở Colorado, Mỹ, đã buộc phải đóng cửa nơi này, do vài du khách bị phát hiện tiếp xúc quá gần với động vật hoang dã. Còn tại Công viên quốc gia Yellowstone cơ quan quản lý phải đưa ra cảnh báo sau 5 vụ du khách chụp ảnh selfie bị bò rừng Bison húc.

Ở Australia, người ta phải rào kín một tảng đá trông giống chiếc bánh cưới, do có quá nhiều người leo lên hòn đá đó để chụp ảnh selfie trước và sau khi làm đám cưới. Còn ở Nga, Bộ Nội vụ đã phải mở chiến dịch cảnh báo người dân rằng chụp ảnh selfie có thể khiến bạn mất mạng.

Bộ này đã phát các tờ rơi chứa hình ảnh cho thấy nhiều kiểu chụp ảnh selfie thực ra rất nguy hiểm. “Chụp ảnh selfie với vũ khí sẽ làm bạn mất mạng” – tờ rơi viết. Nó cũng có một danh sách các địa điểm nguy hiểm, không nên tới chụp ảnh selfie.

Nổi tiếng trong 15 phút

Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao người ta lại sẵn lòng rủi ro mạng sống, chỉ để chụp một bức ảnh selfie “đỉnh cao”? Theo Lee Thompson, người sở hữu bức ảnh tự sướng chụp trên đỉnh tượng Chúa cứu thế ở Rio de Janeiro từng gây sốt hồi năm 2014, nguyên nhân có thể do nhiều người thích tỏ ra anh hùng, can đảm.

"Người ta nhìn thấy các bức ảnh như của tôi, cách chúng lan nhanh trên thế giới ra sao và họ cũng muốn làm điều tương tự để được nổi tiếng trong vòng 15 phút” – anh chia sẻ với hãng tin BBC. Là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, Thompson đã chụp bức ảnh đó nhằm gây sốc dư luận, phục vụ việc quảng bá cho công ty du lịch Flash Pack của anh. Vấn đề là Thompson được phép leo lên bức tượng và chuẩn bị chu đáo để chụp ảnh một cách an toàn.


Bức ảnh tự sướng trên đỉnh tượng Chúa cứu thế từng gây sốt của Thompson

"Tôi không phải người nghiện chụp ảnh selfie và bức ảnh đó ra đời để phục vụ việc quảng bá. Đó là bức ảnh tôi phải chụp vì thiên hạ đều thích ảnh selfie” – anh nói, thừa nhận xu hướng chấp nhận mạo hiểm để chụp ảnh selfie độc đang đi tới chỗ mất kiểm soát - “Hãy sáng tạo với các bức ảnh của bạn, nhưng đừng đẩy bản thân tới chỗ nguy hiểm.”

Theo một nghiên cứu mới được Đại học bang Ohio công bố, các bức ảnh ai đó tải lên mạng xã hội có thể kể một câu chuyện thú vị về cá tính của họ. Hàng trăm thử nghiệm đã được tiến hành, nhằm vào thói quen của con người trên truyền thông xã hội.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng những ai có nhiều ảnh selfie thường cũng ghi điểm cao trong các hạng mục thể hiện sự ái kỷ và bệnh thái nhân cách. Nhà nghiên cứu Jesse Fox nói rằng với không ít cá nhân, việc chụp ảnh selfie nguy hiểm là rất đáng, vì tác phẩm sẽ khiến rất nhiều người thích (like) và bình luận (comment). “Càng chụp ảnh selfie độc, bạn càng nổi bật và nhận được nhiều like” - Fox nói về xu hướng này.

Ảnh tự sướng cùng cá mập trắng?

Sự trỗi dậy của ảnh selfie như một loại hình nghệ thuật đã được nhiều nhà sản xuất chú ý, bao gồm Asus - hãng mới tung ra chiếc điện thoại ZenFone Selfie, với camera hỗ trợ chụp tự sướng rất mạnh. Nhưng Asus cũng rất nhạy cảm với vấn đề chụp ảnh selfie mạo hiểm. Tại sự kiện tiếp thị sản phẩm mới ở Pháp, hãng đã phát các tờ rơi cảnh báo về những nơi người ta không nên chụp ảnh selfie, như trước các đoàn tàu, trong xe hơi và cùng với... những con gấu.

Nhưng bất chấp rất nhiều cảnh báo đã được phát ra, dường như làn sóng chụp ảnh selfie mạo hiểm vẫn không hề suy giảm, cũng như số lượng người ham muốn xem những bức ảnh này. Một đoạn video tải lên mạng xã hội YouTube có tiêu đề “25 bức ảnh selfie nguy hiểm nhất” hiện đã thu hút hơn 20 triệu lượt người xem.

Các bức ảnh bao gồm cảnh một người đàn ông bình thản giơ máy ảnh, khi một con bò tót đang lao thẳng tới chỗ anh ta; một người chụp ảnh với sư tử; người khác chụp trước một đoàn tàu đang chạy; một bà mẹ chụp ảnh cùng con thơ lúc đang lái xe.

Danh sách còn gồm vài bức selfie chụp với cá mập, nhưng đã bị phát hiện chỉ là ảnh ghép. Có thể thấy rằng hoạt động chụp ảnh selfie đang trở nên nguy hiểm hơn cả một vụ cá mập tấn công, nhưng ngay cả những người mê selfie nhất vẫn không dám vượt qua ranh giới an toàn để tự sướng cùng cá mập trắng!