Các nhà khoa học lần đầu tiên quan sát thấy khói từ vụ cháy rừng ở Úc di chuyển qua Thái Bình Dương vào tháng 12 và bây giờ đã quay trở lại khu vực phía đông Úc.

Khói từ những đám cháy dữ dội đang hoành hành trên khắp nước Úc đã lan khắp toàn cầu, theo NASA công bố mới đây.

Hình ảnh vệ tinh NPP của NOAA/ NASA ngày 13 tháng 1 năm 2020, cho thấy khói từ phía đông Úc đi quanh trái đất và trở về điểm xuất phát.

Khói từ Úc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến New Zealand, "biến bầu trời trở nên mờ ảo và gây ra những bình minh và hoàng hôn với màu sắc lạ", NASA thông báo.

NASA đã nhấn mạnh rằng các vụ hỏa hoạn ở Úc có thể gây ra thiệt hại toàn cầu, tình trạng nhiệt độ nóng kết hợp với khô hạn lịch sử đã dẫn đến một hiện tượng thời tiết thất thường có tên là "các đám mây lửa". Những đám mây này làm cho khói có thể bay cao đến 10 dặm và phát tán đi hàng ngàn dặm từ điểm cháy.

Đây không phải lần đầu tiên khói từ một đám cháy lớn bay khắp hành tinh. Mike Flannigan, giám đốc chương trình Đối tác Khoa học Lửa Canada tại Đại học Alberta, Canada, cho biết tình trạng này đã xảy ra trong các vụ hỏa hoạn ở Hoa Kỳ và Canada trước đây.

Flannigan cho biết: "Một đám cháy ở Alberta đã từng khiến khói bay vào vùng biển phía đông và đám khói đó dày đến mức phải bật đèn đường vào ban ngày". "Nó đã đi đến châu Âu và gây ra rất nhiều vấn đề ở châu Âu."

Tầm với của khói lửa phụ thuộc vào kiểu gió và cường độ của đám cháy. Khi khói được đẩy lên cao vào bầu khí quyển, nó có thể được đưa đẩy bởi gió trên toàn cầu.

"Hầu hết thời tiết của chúng ta xảy ra ở tầng đối lưu, độ cao khoảng 10 km, tầng gần nhất với Trái đất,” Flannigan nói. "Nhưng tầng bình lưu [ở cao hơn] là một môi trường ổn định hơn nhiều. Vì vậy, khói, tro có thể bị mắc kẹt trong đó trong nhiều tuần, nhiều tháng và bị cuốn theo gió và được vận chuyển quanh Trái đất."

Flannigan nói rằng tình trạng này có thể chặn ánh sáng mặt trời, gây ra hiệu ứng làm mát cục bộ. Cuối cùng, lực hấp dẫn có thể sẽ làm cho khói và tro lắng xuống thấp hơn trong bầu khí quyển, gần bề mặt Trái đất hơn, nhưng ông nói thêm rằng điều này có thể gây ra vấn đề về chất lượng không khí và gây ra các rủi ro sức khỏe.

Nguồn:

https://www.nbcnews.com/science/environment/scientists-find-australian-wildfire-smoke-has-circled-globe-n1116511