Ngày 18/9, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt cuốn sách “Cẩm nang chuyển đổi số” phiên bản điện tử, cho phép bất kỳ người dân nào cũng có thể truy cập, tải xuống, sử dụng và đóng góp sửa đổi.
Cẩm nang giải đáp 20 câu hỏi lớn và 100 câu hỏi nhỏ xoay quanh các vấn đề của chuyển đổi số Việt Nam.
Các câu hỏi lớn, chẳng hạn "chuyển đổi số là gì?", "chuyển đổi số tốn bao nhiêu tiền?", hay "làm sao để an toàn trong môi trường số?" được trả lời một cách ngắn gọn, đơn giản; sau đó là các câu hỏi nhỏ chi tiết hơn với phần trả lời mang tính giải thích sâu, dành cho những ai muốn quan tâm kỹ.
Cuối cùng là một số ví dụ minh họa về các nền tảng số Make in Vietnam để người đọc hình dung trực quan về vai trò và hoạt động của một nền tảng số trong việc thực hiện chuyển đổi số.
Theo Cục Tin học hóa, đơn vị chịu trách nhiệm nội dung, cẩm nang được tạo ra để phục vụ Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mới tuyên bố vào tháng 6 vừa qua.
Do chuyển đổi số là lĩnh vực khá mới đối với Việt Nam nên trên thị trường, các ấn phẩm, tư liệu thường là nguồn dịch từ nước ngoài hoặc đi sâu vào một mảng công nghệ riêng biệt (IoT, AI,...), chủ yếu dành cho đối tượng doanh nghiệp.
Tư liệu tham khảo về chuyển đổi số của Việt Nam đang tương đối phân tán và thiếu một nguồn chính thống từ cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định xây dựng một cuốn cẩm nang có khả năng đáp ứng yêu cầu cho mọi đối tượng: người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.
Cẩm nang được xây dựng trên cơ sở thực tiễn của những người đã trực tiếp tham gia hoạch định cơ chế, chính sách, chiến lược chuyển đổi số trong 2 năm qua, cũng như sự kế thừa tri thức của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nhân Việt Nam đã trao đổi về chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa, nhấn mạnh rằng cuốn sách này là tri thức miễn phí và không bán. Bản mềm của nó được đăng tải trên website (https://dx.mic.gov.vn) cho bất kỳ người nào truy cập và sử dụng. Ông cho biết thêm, trên website sẽ có bản thiết kế để người dùng tự in ấn phục vụ cho nhu cầu của riêng mình.
"Nội dung cuốn sách sẽ thường xuyên được cập nhật để phù hợp với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam. Quan trọng hơn, website của cẩm nang sẽ được được trình bày dưới dạng wiki mở để cộng đồng người đọc có thể đóng góp nội dung hoặc sửa chữa các tri thức chưa chính xác. Ban biên tập của Cục tin học hóa sẽ là đơn vị cuối cùng chịu trách nhiệm "lọc" các đề xuất trước khi đăng để thông tin được đảm bảo,” ông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Đại diện Cục Tin học hóa cũng cho biết họ đang xây dựng một phiên bản sách khác liên quan đến chuyển đổi số cho trẻ em, nhưng theo hướng hướng dẫn các kỹ năng số cơ bản cho học sinh trên môi trường mạng. Nó sẽ được trình bày dưới hình thức truyện tranh để dễ tiếp cận lứa tuổi nhỏ.
Ông Nguyễn Huy Dũng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa các kỹ năng số vào chương trình học, theo một cách tiếp cận sao cho “không làm nặng thêm những quyển sách giáo khoa, không làm nặng thêm những chiếc balo, làm sao để học như chơi và thực sự hữu ích”.