Đây là nhận định của ông Trần Tuấn Anh – chuyên gia cấp cao Hội đồng Năng lượng Thế giới tại Việt Nam tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng do Bộ KH&CN chủ trì tổ chức ngày 17/9.

Báo cáo tại Diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh đã chia sẻ kết quả khảo sát hơn 100 quốc gia về xu hướng sử dụng năng lượng và xu hướng công nghệ năng lượng trong tương lai tới năm 2040 do Hội đồng Năng lượng Thế giới (World Energy Council) công bố vào tháng 9/2019. Theo Báo cáo, nước sẽ là nguồn tài nguyên khan hiếm nhất vào năm 2040, tiếp đến là dầu, các nguồn năng lượng từ mỏ (mỏ than, mỏ dầu, mỏ khí…), và khí tự nhiên.

Toàn cảnh Diễn dàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020. Ảnh: Minh Khôi.
Toàn cảnh Diễn dàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020. Ảnh: Minh Khôi.

Một dự báo từ báo cáo này cũng chỉ ra, đến năm 2040, các phương tiện công suất nhỏ như xe đạp, taxi, xe khách, xe bán tải,... sẽ phổ biến chạy bằng điện. Các phương tiện cần công suất lớn như xe tải hạng nặng, xe bus, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay... sẽ sử dụng nhiên liệu hydro.

“Hydro sẽ là năng lượng tương lai của thế giới và được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực giao thông cùng với điện vào năm 2040” – ông Tuấn Anh nói.

Ông Trần Tuấn Anh – chuyên gia cấp cao Hội đồng Năng lượng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Minh Khôi.
Ông Trần Tuấn Anh – chuyên gia cấp cao Hội đồng Năng lượng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Minh Khôi.

Đồng tình với ý kiến của ông Trần Tuấn Anh, ông Lê Hải Đăng - Trưởng ban Chiến lược phát triển, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - cho biết, với việc tham gia Thỏa thuận Paris tại COP 21 năm 2015, thì việc chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo là bắt buộc.

Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), đến năm 2050, hydro có khả năng cung cấp gần 29 EJ (1EJ = 287 tỷ KWh, xấp xỉ sản lượng điện 1 năm của Việt Nam) cho nhu cầu năng lượng toàn cầu.

Với ưu điểm có trữ lượng lớn, được sản xuất từ nước và không tạo ra khí thải, có thể lưu trữ ở nhiều hình thức (khí, chất lỏng,..), có khả năng vận chuyển xa, dễ dàng chuyển đổi sang các dạng năng lượng khác, ông Lê Hải Đăng kiến nghị xây dựng lộ trình cho phát triển nền kinh tế hydro tại Việt Nam, nếu muốn đón đầu theo cách mà Nhật Bản, Hàn Quốc... đang làm.