Dịch vụ công trực tuyến đang giúp nâng tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng hẹn lên 97,3%.


Các tham luận báo cáo tại Hội thảo
Các tham luận báo cáo tại Hội thảo Ảnh: KA

Tại hội thảo quốc gia về Chính phủ Điện tử do Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với IDG Việt Nam tổ chức ngày 17/9 tại TPHCM, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết, hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai dịch vụ công trực tuyến, giúp nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 97,3% đúng hẹn. Tỷ lệ cung cấp thủ tục hành chính trên môi trường điện tử tăng nhanh; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thông qua các dịch vụ công cũng tăng, đặc biệt tại các bộ.

Được biết, tính đến hết tháng 8/2020, riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền và từ tháng 3/2020 đến nay, đã triển khai hệ thống thanh toán trực tuyến.

Theo ông Phan, Cổng dịch vụ công quốc gia ưu tiên tích hợp thủ tục hành chính có lượng người thực hiện lớn, liên quan đến nhiều cơ quan và có ý nghĩa thúc đẩy, tạo cơ sở cho việc thực hiện trên môi trường điện tử; đồng thời thực hiện tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ khai báo thông tin và thanh toán trực tuyến. Việc này giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 6.700 tỷ đồng/năm và tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Các giải pháp, công nghệ phát triển Chính phủ điện tử
Giới thiệu các giải pháp, công nghệ phát triển Chính phủ điện tử Ảnh: KA

Theo xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc công bố tháng 7/2020, Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Để đạt tới mục tiêu tới năm 2025 sẽ nằm trong top 4 quốc gia hàng đầu tại ASEAN và thuộc nhóm 70 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ Điện tử, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lập kế hoạch cho Chính phủ số, với lộ trình 2021 - 2025 và 2025 - 2030.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số phải được thay đổi toàn diện về cách nghĩ, cách làm và việc thay đổi nhận thức là quan trọng nhất, đặc biệt là người đứng đầu. "Thay đổi cách nghĩ mới thay đổi được cách làm” – ông Đường nhấn mạnh và đề xuất các bộ, ngành, địa phương cần sớm xây dựng và ban hành chiến lược hoặc chương trình chuyển đổi số ngay trong năm nay. Đồng thời, dành ít nhất 1% ngân sách hằng năm chi cho ứng dụng công nghệ thông tin. “Mỗi vùng kinh tế trọng điểm nên xây dựng một trung tâm chuyển đổi số vùng làm nòng cốt chuyển đổi số cho cả khu vực” – ông Đường nói.