Sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân theo hình thức BOT và IPP trong cơ cấu nguồn điện toàn quốc đã tăng lên đáng kể trong 10 năm qua, từ 14,41% vào năm 2010 lên 27,29% vào năm 2019.
Phát biểu tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng do Bộ KH&CN chủ trì tổ chức ngày 17/9, ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, cho biết, thời gian qua, sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân theo hình thức BOT và IPP trong cơ cấu nguồn điện toàn quốc đã tăng lên đáng kể, từ 14,41% (tương đương 4.344 MW) vào năm 2010 lên 27,29% (tương đương 15.591 MW) vào năm 2019 (chưa kể đến các dự án điện gió, điện mặt trời đã đưa vào vận hành và đang xây dựng năm 2020).
Ông Tuấn Anh cho biết: “Thông thường đối với các dự án điện than, điện khí đầu tư theo hình thức BOT, hay các dự án điện khí đang đề nghị đầu tư thường yêu cầu có bảo lãnh Chính phủ trong triển khai dự án. Tuy nhiên, hiện nay các dự án điện mặt trời, điện gió triển khai đầu tư hoàn toàn không có bảo lãnh Chính phủ. Đây là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành điện. Doanh nghiệp tư nhân không chỉ đầu tư mà còn tích cực tham gia thực hiện dự án như tư vấn thiết kế, quản lý dự án; Sản xuất thiết bị, cung cấp vật tư; xây dựng, lắp đặt; vận hành”.
Đại diện Bộ Công Thương đánh giá, hoạt động đầu tư tư nhân vào ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng là mũi nhọn hết sức quan trọng.
Bước nhảy vọt của năng lượng tái tạo
Báo cáo về cơ cấu năng lượng tại Việt Nam, TS. Đinh Thế Phúc – Vụ
trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho
biết, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp (như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, nhiên liệu gỗ, nhiên liệu hoá thạch, dầu và khí tự nhiên, urani...) trong nước liên tục tăng, bình
quân 4,64%/năm, từ gần 46 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) năm 2007 lên mức
gần 72 triệu TOE vào năm 2017. Hạn mức này cơ bản đáp ứng yêu cầu phát
triển kinh tế - xã hội.
Tổng công suất các
nguồn điện tăng 3,36 lần - từ hơn 13 nghìn MW vào năm 2007 lên hơn 45
nghìn MW vào năm 2017.
Tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu tăng
2,86 lần, từ gần 69 tỷ kWh vào năm 2007 lên hơn 197 tỷ kWh vào năm 2017
và
231
tỷ kWh vào năm 2018. Trong đó, sản lượng điện gió và mặt trời tăng 7,7
lần chỉ trong vòng 2 năm 2018 và 2019 - từ 0,79 tỷ kWh lên 6,1 tỷ
kWh - chiếm 2,64% sản lượng điện sản xuất
và mua.
Đối với năng lượng tái tạo, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, tính đến tháng 7/2020, trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà
máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất 5.053 MW. Hiện cũng có
11 nhà máy điện gió đang hoạt động với tổng công suất là 429 MW. Như
vậy, tổng công suất điện gió và mặt trời đã là 5.482 MW, chiếm khoảng
9,5% tổng công suất của hệ thống. Ngoài ra, còn có 325
MW điện sinh khối và gần 10 MW điện chất thải rắn.
Riêng điện mặt trời
mái nhà, tính đến hết tháng 8/2020 đã có trên 47.000 hệ thống
được lắp đặt với tổng công suất 1.128 MWp, góp phần đáng kể đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Bích Ngọc