Ngoài các doanh nghiệp startup, nhìn chung các doanh nghiệp khác, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn chưa nhận thức được vai trò của chuyển đổi số và chưa có những hành động chuyển đổi hiệu quả. Rào cản lớn nhất được nhận định chính là sự ngần ngại của người đứng đầu doanh nghiệp.

Lãnh đạo trong thời đại kinh tế số

Thay đổi cách thức điều hành trong thời đại số

Là một trong những dịch bệnh gây tổn thất và xáo trộn kinh tế-xã hội toàn cầu một cách mạnh mẽ nhất, nhưng Covid-19 đồng thời là nhân tố thúc đẩy nền kinh tế số mạnh mẽ nhất từ trước tới giờ. Dịch bệnh này làm nổi bật những thay đổi đang diễn ra trong quá trình chuyển đổi số, cho thấy một số cách điều hành kinh tế - xã hội truyền thống không còn hiệu quả và nền kinh tế vật thể muốn tồn tại được phải gắn liền với kinh tế số. Nhiều người nhận ra rằng quyền lực hiện nay không phải thuộc về việc sở hữu tài sản vật lý mà thuộc về quyền lực thông tin để điều hành hệ thống.

“Đây là điều rất căn bản trong xã hội. Khi nguồn lực thay đổi thì cấu trúc quyền lực cũng thay đổi. Và khi quyền lực thay đổi, thì cách thức tổ chức điều hành cũng phải thay đổi theo. Điều này đúng với cả chính phủ và doanh nghiệp”, TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhận xét trong buổi hội thảo quốc tế “Lãnh đạo và quản lý trong thời đại chuyển đổi số” ngày 2/7 tại Hà Nội.

Theo TS. Trần Đình Thiên, Việt Nam đang phải đối mặt với 2 thách thức lớn: Từ bỏ những cái cũxây dựng những cái mới. Trong dịch Covid-19, Việt Nam đang rất vất vả vì cứu các doanh nghiệp - mà đa số là doanh nghiệp nhỏ, yếu - bởi chúng liên quan đến vấn đề việc làm và thu nhập của phần lớn người lao động. Nhưng bên cạnh đó, vị đại diện tổ tư vấn kinh tế đề xuất một hướng tiếp cận gắn với nền kinh tế số, tức dành một phần nguồn lực hỗ trợ để giúp những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) phát triển.

Hàm ý ở đây là nền kinh tế đứng dậy sau dịch bệnh sẽ rất khó khăn, nhưng đó nên là nền kinh tế có những yếu tố mới, bắt đầu được thay máu bằng những doanh nghiệp khởi nghiệp và bằng những lực lượng kinh tế số,” TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Chuyển đổi số gắn với người lãnh đạo

Cũng tạo hội thảo nói trên, ông Lê Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc VCCI, dẫn ra một kết quả nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp startup sử dụng công nghệ số để vận hành có thể giúp tăng doanh thu đến 34% so với cách làm truyền thống - nhờ các lợi ích từ việc tiết kiệm không gian lưu trữ hồ sơ, sắp xếp và tìm kiếm tài liệu hiệu quả hơn, hỗ trợ việc lên kế hoạch phát triển, hỗ trợ hoạt động kinh doanh…

Ngoài các doanh nghiệp startup, nhìn chung các doanh nghiệp khác, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vẫn chưa nhận thức được đúng vai trò của chuyển đổi số và chưa có những hành động chuyển đổi hiệu quả. Các nguyên nhân có thể kể đến bao gồm: gánh nặng chi phí, thiếu nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi số, thiếu tư duy kĩ thuật số. Ngoài ra, việc số hóa có thể gây ra sự xáo trộn lớn về nhân sự, đặc biệt là những vị trí lâu năm hoặc chủ chốt.

Tuy nhiên, đại diện của VCCI nhấn mạnh, rào cản lớn nhất cho chuyển đổi số trong các doanh nghiệp chính là sự thay đổi tư duy hay nhận thức của người đứng đầu. “Chuyển đổi số là một cách nói khác của việc thay đổi chiến lược kinh doanh, bởi vậy nhà lãnh đạo là những người phù hợp nhất để nói về chuyển đổi số”, ông Lê Minh Huân khẳng định.

Trong thời kì chuyển đổi số, công ty sẽ phải thay đổi cách xây dựng chiến lược tổ chức, tái cấu trúc năng lực của nhân sự để tương thích hơn với những kỹ năng số, cũng như thay đổi cách quản trị dữ liệu để vận hành nội bộ và tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả nhất. Các nhà lãnh đạo sẽ phải đối mặt với việc mọi khía cạnh của công ty thay vì kết nối theo chuỗi tuyến tính như trước kia, thì sẽ trở thành các điểm nút trong một loạt mạng lưới phức tạp phải liên kết với nhiều bên trong cùng một lúc.

Để tạo ra được những thay đổi mang tính toàn diện về cấu trúc như thế, quá trình chuyển đổi số cần một sự lãnh đạo. Theo một khảo sát công bố trước đó ít ngày của KPMG và RMIT Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp Việt đang chăm chăm tìm lời giải cho bài toán công nghệ mà quên đi rằng con người mới là nhân tố thúc đẩy cho quá trình chuyển đổi số. Nhiều CEO đang “khoán trắng” cho bộ phận IT để tìm hiểu và thực hiện các kế hoạch chuyển đổi số và xem đây là trách nhiệm của bộ phận IT. Ngược lại, nhiều bộ phận IT cũng nghĩ mình có thể tạo ra chuyển đổi cho doanh nghiệp mà không cần quá nhiều can thiệp của lãnh đạo.

Đây là một trong những lý do chính dẫn đến việc đại đa số các dự án chuyển đổi số trong doanh nghiệp thất bại. Nói như TS. Phan Quốc Nguyên, thuộc CLB Techno - Idea Club của ĐH Quốc gia Hà Nội chuyên về đào tạo, kết nối và ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp, thì “Chúng ta không thể mong doanh nghiệp đổi mới khi mà người làm công đi hội thảo [học hỏi về chuyển đổi số] thay cho lãnh đạo

Từ kinh nghiệm nhiều năm làm việc với các doanh nghiệp, bà Céline Charpiot, Giám đốc Linagora Vietnam - đơn vị cung cấp các giải pháp công nghệ nguồn mở ‘miễn phí và tự do’ trong các dự án chuyển đổi số tại Việt Nam - nhận định rằng “trở ngại lớn nhất đối với những nhà lãnh đạo là chính bản thân họ.”

“Khi tôi nói đến IT hay các thuật ngữ chuyên ngành, mọi người đều tỏ ra ngại ngùng sợ hãi, nên tôi bảo được rồi, tôi sẽ nói đến chuyển đổi số mà không sử dụng các từ ngữ kỹ thuật. Nhưng đó chính là vấn đề. Chúng ta cần nói đến nó, mọi người cần hiểu những từ vựng chung đó và không nên sợ nó. Những người dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp trước tiên phải tự chuyển đổi chính mình”, bà Céline nói thêm.

Hội thảo quốc tế “Lãnh đạo và Quản lý trong thời đại chuyển đổi số” do Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB) và Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (EDF-VCCI) tổ chứcnhằm khảo sát các lý thuyết và ý tưởng mới, cũng như chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo và quản lý trong các tổ chức và doanh nghiệp.

Tại đây, các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia, giảng viên thảo luận những khía cạnh liên quan tới công nghệ, kinh tế, văn hóa, xã hội, đạo đức và luật pháp của lãnh đạo và quản lý trong thời đại chuyển đổi số, đồng thời cùng tư duy về lãnh đạo và quản lý – từ triết lý, chủ thể, đối tượng đến kỹ năng lãnh đạo và quản lý để nắm bắt những cơ hội và giải quyết những thách thức của thời đại số.

Hội thảo này nằm trong chuỗi Hội thảo khoa học liên ngành DAAS (Diderot Advanced Academic Seminars) do IFI tổ chức thường niên. Tài liệu trình bày của các diễn giả tham gia kể trên có thể truy cập và download tại đây.