Các hoạt động kinh doanh “ít chạm” không đòi hỏi phải tụ tập đông người hay tương tác gần với khách hàng đã và đang hoạt động khá tốt ở Việt Nam trong đại dịch.

Các làn sóng ít tiếp xúc do dịch Covid-19 | Nguồn: Board of Innovation
Dự báo các làn sóng ít tiếp xúc trong 3 năm tới | Nguồn: Board of Innovation

Đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng không chỉ tới sức khỏe con người mà còn toàn bộ các hoạt động làm việc, sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi, mua sắm, tập thể dục và sử dụng thời gian rảnh rỗi trên quy mô toàn cầu. Đại dịch diễn ra càng lâu, các biện pháp phòng chống dịch được áp dụng càng dài thì con người càng có nhiều khả năng hình thành những thói quen mới làm gián đoạn nền kinh tế.

Những năm tiếp theo sẽ được định hình bởi cuộc khủng hoảng hiện tại. Theo một kịch bản của Board of Innovation, phải mất từ 18-24 tháng nữa, thế giới mới có thể trở lại "bình thường" khi các chính sách vệ sinh phòng dịch, giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, cấm tụ tập... dần dần được gỡ bỏ.

Đó là lý do khái niệm “Kinh tế ít tiếp xúc” hay “Kinh tế ít chạm” xuất hiện để chỉ xu hướng người tiêu dùng và doanh nghiệp thích nghi với bối cảnh mới.

Để tìm hiểu các quy trình kinh doanh có tiềm năng giảm mức độ tiếp xúc, nhóm chuyên gia của Đại học RMIT Việt Nam đã đề xuất một khung phân loại kinh tế ít tiếp xúc.

Theo đó, các hoạt động kinh doanh “ít chạm” không đòi hỏi phải tụ tập đông người hay tương tác gần với khách hàng. Nhóm ngành này đã và đang hoạt động khá tốt trong đại dịch COVID-19, khi mà mua sắm trực tuyến, giáo dục trực tuyến, giải trí trực tuyến và thanh toán không tiền mặt... đã chứng kiến mức tăng trưởng chưa từng có cả ở Việt Nam và nước ngoài.

Nguồn: Đại học RMIT, 2020
Nguồn: Đại học RMIT, 2020

Ngân hàng Nhà nước cho biết trong 4 tháng đầu năm 2020, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tăng đáng kể, trong đó thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Đại dịch cũng đẩy nhanh kế hoạch của Chính phủ về việc cung cấp dịch vụ công trên các phương tiện truy cập khác nhau (bao gồm điện thoại di động) và xử lý hồ sơ công việc tại các cấp chính quyền trên môi trường mạng. Trong hơn 1 tháng đầu phòng dịch Covid-19, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến tăng gấp đôi so với năm ngoái, lên mức 24%. Sau 20 năm phát triển Chính phủ điện tử, tỷ lệ này mới là 12%.

Đồng thời, phân loại của ĐH RMIT Việt Nam chỉ ra các ngành kinh doanh “nhiều chạm”, như du lịch và khách sạn, tổ chức hội nghị, hay các khu văn phòng truyền thống cần phải tụ tập đông người và nhiều tương tác gần. Các lĩnh vực này bị tổn thất đáng kể, chẳng hạn, riêng ngành du lịch từ tháng 2-4/2020 đã mất khoảng 6-7 tỷ USD, giảm hơn 50% so với cùng kì năm ngoái.

Để sinh tồn và nắm được cơ hội hồi phục trong tương lai, các doanh nghiệp "nhiều chạm" buộc phải tìm cách thay đổi , chẳng hạn như tạo ra mô hình lai giữa offline và online, bắt đầu bằng việc đưa thêm một số hoạt động trực tuyến vào sản phẩm để bổ sung phương thức tạo doanh thu mới.

Ví dụ các công ty lữ hành có thể xây những tour du lịch ảo bằng công nghệ thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) để khách nước ngoài cũng có thể khám phá những địa điểm như phố cổ Hội An, hang động Sơn Đoòng hay các bảo tàng văn hóa của Việt Nam.

Chuyển đổi số phục vụ cho kinh tế ít tiếp xúc

Do nền kinh tế ít tiếp xúc được xây dựng trên nền tảng công nghệ và dữ liệu, nên việc chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng với doanh nghiệp. Một khi khách hàng có thói quen chuyển sang các tương tác trực tuyến, doanh nghiệp sẽ buộc phải đầu tư nhiều hơn vào chuyển đổi số các quy trình cốt lõi.

Số hóa các quy trình trong nhà máy
Số hóa các quy trình trong nhà máy

Các công ty có thể số hóa các quyển cataloge sản phẩm và dùng AI để trình bày nó theo sở thích của khách hàng. Khu vực chăm sóc khách hàng có thể sử dụng các nền tảng giao tiếp trực tuyến (voice call, chatbot,...) để phục vụ nhiều lượt khách hàng mà không phải đến tận nơi.

Ngay cả trong dây chuyền sản xuất chế tạo với lực lượng nhân công đông đảo, doanh nghiệp cũng có thể thích nghi với việc "ít tiếp xúc" bằng cách dùng phần mềm sắp xếp ca làm để có ít người trên sàn cùng một lúc, dùng camera cảm biến theo dõi tình trạng thể chất của người lao động hoặc tự động hóa một số dây chuyền bằng robot.

Đối với nhóm nhân viên văn phòng, không ít công ty đã bắt đầu các thỏa thuận làm việc linh hoạt như làm việc tại nhà, trong đó cung cấp đầy đủ các quy định hướng dẫn, máy móc thiết bị và chương trình đào tạo cần thiết để người lao động có thể kết hợp hiệu quả giữa phương thức làm việc tại văn phòng và tại nhà.