Hiện nay, không ít người trẻ thu nhập thấp ở Hàn Quốc đang xem đầu tư vào tiền mật mã (cryptocurrency) như là một trong những giải pháp để đổi đời nhanh nhất.
Những giao dịch sôi động trên thị trường đã giúp nhiều nhà đầu tư giàu lên nhanh chóng trong một vài năm đầu tiên, nhất là vào giai đoạn đỉnh điểm của đồng Bitcoin khi xác lập mức giá kỷ lục (20.000 USD, tháng 12/2017). Nhưng “chơi dao lắm cũng có ngày đứt tay” khi giá trị của hầu hết các đồng tiền đều lao dốc trong năm 2018, biến giai đoạn vừa qua trở thành một khoảng thời gian nghiệt ngã đối với hàng triệu người chơi trên khắp thế giới, trong đó có Hàn Quốc – thị trường crypto lớn thứ 3, chỉ sau Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Tại xứ Kim Chi, blockchain đang được nâng tầm lên trở thành một thứ văn hóa, thậm chí ngang hàng với cả K-Pop, đi kèm với một loạt các sản phẩm ăn theo. Lấy ví dụ, show truyền hình “Block Battle” hiện đã trở thành một sân chơi hấp dẫn nhiều thí sinh đam mê giàu, tới tham dự và ganh đua để học cách xây dựng những startup sinh lời trong lĩnh vực này; Thậm chí nhà sản xuất của Block Battle còn tự nhận đây là chương trình đầu tiên trên thế giới trang bị các kiến thức về kỹ năng sinh tồn trong thế giới blockchain, thu hút hàng triệu người xem từ ngay tại nhà và có thể bình chọn theo thời gian thực – giống như American Idol ở Mỹ vậy.
“Ai sẽ trở thành Satoshi tiếp theo?” Đó là một trong những câu hỏi tu từ mà người dẫn Block Battle thường đặt ra, cùng với cái gật đầu đầy ẩn ý nhằm dẫn dụ người xem lạc vào thế giới của blockchain – công nghệ mà phần lớn người quan tâm chỉ đang hiểu rất mơ hồ về nó. Song thật trớ trêu, chương trình lại được lên sóng lần đầu đúng vào giai đoạn khủng hoảng mạnh của tiền crypto (tháng 10/2018). Thế nhưng, trong lúc còn đang phải tính toán xem vừa hứng chịu bao nhiêu thiệt hại, không ít người dân Hàn Quốc vẫn đang bị giấc mơ làm giàu nhờ crypto ám ảnh.
Dẫu vậy, thực tế quả thật luôn rất phũ phàng, khi biết bao nhiêu nguy cơ bảo mật (hack) hay các bê bối liên quan đến giao dịch tiền điện tử vẫn đang trực xảy ra mỗi ngày. Và liệu điều này có nên được nhìn nhận như một lời cảnh tỉnh kịp thời?
Hải Đăng (theo Futurism)