Hiện nay công nghệ blockchain đã được triển khai ở nhiều quốc gia trong nhiều lĩnh vực, nhưng ở Việt Nam, theo ông Đỗ Văn Long, Giám đốc chiến lược Công ty Infinity Blockchain Labs Việt Nam (IBL) chúng ta có thể sẽ phải chờ đến 2020 mới có thể chứng kiến những chuyển biến rõ rệt trong việc tiếp cận công nghệ này.

PV: Trong thời gian gần đây người ta thường nói nhiều về những tiềm năng và ưu điểm của công nghệ blockchain, vậy vì sao công nghệ này gặp khó khăn khi triển khai ở Việt Nam?

Ông Đỗ Văn Long: Ngoài những vấn đề đã được đề cập gần đây như sự thiếu hoàn thiện của hành lang pháp lý, hay hạn chế về nguồn nhân lực trình độ cao, khó khăn cơ bản đối với công nghệ blockchain tại Việt Nam xuất phát từ việc đây vẫn là một công nghệ còn rất mới mẻ, bản chất của nó đến nay vẫn chưa hoàn thiện và vẫn có những khái niệm, cách hiểu khác nhau. Hiện chưa có một ứng dụng hay sản phẩm nào nổi bật, phổ biến, có chăng chỉ là một vài dự án lẻ tẻ trong một số lĩnh vực hay trong nội bộ liên ngân hàng nhưng những ứng dụng đó vẫn đang tiếp tục cải tiến, hoàn thiện nền tảng công nghệ.

Cũng vì vậy vẫn còn hạn chế trong nhận thức công chúng, như nhiều người vẫn nhầm lẫn blockchain là bitcoin – có lẽ vì ứng dụng nổi bật nhất của công nghệ blockchain tính tới thời điểm này là trong lĩnh vực tài chính – mà không biết rằng công nghệ blockchain còn có nhiều ứng dụng hiệu quả khác ngoài tiền thuật toán, tiền mã hóa.

Xuất phát từ việc mọi người không có cái nhìn đa chiều về blockchain sẽ dẫn tới những đánh giá, nhìn nhận không đúng về công nghệ này, từ đó mất niềm tin về các ứng dụng của công nghệ và không dám mạnh dạn áp dụng công nghệ này cho các ứng dụng mang tính thực tiễn. Thực tế triển khai của Công ty IBL hơn một năm trước, các doanh nghiệp khi chúng tôi tiếp xúc đều tỏ ra khá quan tâm, nhưng không doanh nghiệp nào dám mạnh dạn triển khai.

Ông Đỗ Văn Long - Giám đốc Công ty Infinity Blockchain Labs Việt Nam. Nguồn: Robusta.vn

Trước những thách thức như vậy, theo ông các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ blockchain cần điều gì và nên làm gì?

Đối với hạn chế về khuôn khổ pháp lý, các doanh nghiệp cần nhà nước triển khai những khung pháp lý thí điểm có tính linh hoạt, theo hình thức sandbox mà các nước vẫn thường làm, qua đó nhận ra các điểm mạnh, điểm yếu để có thể tiếp tục hoàn thiện. Tôi hi vọng đến cuối năm Việt Nam sẽ có những quy định về khung pháp lý theo cách như vậy.

Còn đối với vấn đề hạn chế trong nhận thức cộng đồng, không cách nào khác các doanh nghiệp cần kiên trì tương tác để nâng cao nhận thức của khách hàng. Hiện đã có khá nhiều doanh nghiệp chủ động tìm đến IBL, mặc dù mới chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu nhưng qua đó các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu nhìn thấy tiềm năng ứng dụng blockchain cho lĩnh vực kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, yếu tố then chốt nhất là doanh nghiệp cần có một đội ngũ nhân sự mạnh làm chủ được công nghệ để có thể đưa ra những giải pháp cụ thể và thiết thực đáp ứng các nhu cầu khách hàng. Chính điều đó sẽ làm thay đổi nhận thức của khách hàng một cách hiệu quả nhất.

Ông có thể giải thích rõ hơn vì sao nguồn nhân lực của doanh nghiệp làm ứng dụng blockchain lại là yếu tố then chốt nhất để doanh nghiệp đáp ứng các nhu cầu và nâng cao nhận thức khách hàng?

Chúng ta có thể tạm hình dung sự phát triển công nghệ blockchain cũng giống như công nghệ Internet trước đây. 30 năm về trước khi mọi người đều muốn tìm hiểu Internet là gì và họ đưa ra nhiều định nghĩa, lý giải khác nhau, nhưng tới thời điểm hiện tại công chúng không còn quá quan tâm tới vấn đề làm rõ khái niệm Internet, họ đơn giản chỉ cần mở Facebook kết nối 3G là có thể tự động chat được với bạn bè.

Công nghệ blockchain hiện nay cũng giống như với Internet thời kỳ đầu. Mọi người đang tìm hiểu công nghệ đó là gì, ứng dụng của nó ra sao. Do vậy, nếu chúng ta có được đội ngũ mạnh làm về công nghệ blockchain để công nghệ này trở thành bề chìm, khi đó mọi người không cần hiểu nhiều về blockchain mà chỉ cần hiểu bản chất của công nghệ và hoàn toàn có thể đưa ra những ứng dụng một cách nhanh chóng nhất trên nền tảng công nghệ này. Dần dần mọi người không còn đặt câu hỏi blockchain là gì mà sẽ đặt câu hỏi vậy blockchain giúp được gì và những ứng dụng nào có thể ứng dụng blockchain và công nghệ này mang lại giá trị như thế nào.

Tuy nhiên, để có nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực blockchain cũng là một vấn đề thách thức như đã đề cập. Giải pháp cho doanh nghiệp đứng trước thách thức này là gì thưa ông?

Các doanh nghiệp cần chủ động hợp tác với những cơ sở đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực, và để thành công câu trả lời vẫn là cần sự kiên trì. Vì blockchain khó nên những người đào tạo chuyên sâu về blockchain ở Việt Nam hiện nay vẫn còn hiếm. Ngoài ra việc đào tạo nguồn nhân lực phụ thuộc vào nhu cầu của từng đơn vị đào tạo.

Trong 2 năm, chúng tôi đã tiếp xúc với gần 40 đơn vị là các trường đại học, viện nghiên cứu ở cả miền Bắc và miền Nam để chia sẻ về công nghệ này. Có những trường khi chúng tôi đến thu hút rất nhiều người đến nghe, tìm hiểu nhưng đa phần đều hỏi chúng tôi bán đồng coin nào hay đồng coin này giá trị bao nhiêu…, tức họ đến nghe để tìm hiểu và muốn đầu tư là chính chứ không thực chất mong muốn tìm hiểu về công nghệ. Chính vì thế, có những trường chúng tôi không phải đến 1, 2 lần mà đến nhiều lần. Sau những lần tiếp xúc như thế, có những trường nhìn thấy được ý nghĩa của công nghệ và sẵn sàng phối hợp với chúng tôi.

Vậy xin ông cho biết mô hình hợp tác giữa IBL với một cơ sở đào tạo cụ thể?

Hiện IBL đã có hơn 1.000 người tham giá đăng ký học tại Đại học Bách khoa TPHCM trong 2 năm qua, bao gồm các bạn sinh viên đam mê công nghệ, những người làm quản lý, những người làm kinh doanh. Kế hoạch từ giờ đến cuối năm chúng tôi sẽ có 6 blockchain labs - là những trường có những định hướng nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ này. Với những blockchain lab này học viên sẽ được đào tạo về nền tảng của công nghệ, sau đó sẽ có những đề tài, dự án cụ thể để triển khai thí điểm. Nếu học viên nào vượt qua được giai đoạn hiểu và nắm bắt được công nghệ thì đó sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai.

Ngoài ra chúng tôi cũng đang triển khai dự án Vietnam Blockchain Country, trong 5 năm sẽ dùng đóng góp của mình để giúp cộng đồng không chỉ hiểu về công nghệ mà còn nắm bắt sâu, khi đó sẽ mạnh dạn đưa công nghệ blockchain vào nghiên cứu thí điểm. Từ những nghiên cứu thí điểm mới đưa ra được những sản phẩm hoàn thiện, trong quá trình đó đội ngũ nhân lực sẽ càng làm chủ tốt hơn công nghệ.

Theo ông Việt Nam cần bao lâu để vượt qua những thách thức ban đầu và có những chuyển biến rõ rệt?

Để mọi người hiểu một cách đúng đắn hơn cần phải có thời gian. Chúng tôi đưa ra hạn là đến năm 2020 để mọi người có một quá trình dài nghiên cứu và tìm hiểu. Chúng tôi hi vọng khi đó Việt Nam sẽ trở thành cái nôi thu hút nhiều hơn những nhân tố hiểu về công nghệ blockchain và những nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam.

Một tín hiệu vui là đến nay nhận thức của mọi người về blockchain đã khá hơn rất nhiều, rằng blockchain không phải là bitcoin mà là công nghệ nền tảng; bitcoin và cryptocurrency chỉ là một sản phẩm của công nghệ blockchain và còn rất nhiều ứng dụng khác có thể triển khai trên nền tảng công nghệ blockchain. Như vậy, mọi người đã bắt đầu nhìn thấy tiềm năng khác của nền tảng công nghệ này.

Trân trọng cảm ơn ông!.