"Mẹ ơi, bây giờ học hay chơi tiếp?" - câu nói của một em nhỏ mà tình cờ chúng tôi nghe được đã lột tả ngắn gọn và đầy đủ nhất sự hào hứng mà Ngày hội STEM 2019 mang đến cho hơn 1.000 lượt khách tham dự giữa cái nóng 40 độ ở Hà Nội.

Ngày hội STEM 2019 với chủ đề Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học | Ảnh: Ngô Hà
Các em học sinh, sinh viên, mỗi người cầm biển tên một nguyên tố hóa học, xếp hình chữ STEM | Ảnh: Ngô Hà

Ngày 19/5, tại khuôn viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) đã diễn ra Ngày hội STEM 2019 với chủ đề “Nguyên tố bí ẩn” nhằm hưởng ứng Năm Bảng Hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hoá học.

Giữa cái nắng 40 độ của Hà Nội, các hoạt động Hội và Học vẫn diễn ra hết sức hào hứng, thu hút khoảng 1.000 lượt học sinh, phụ huynh và các thầy cô tham gia.

Nét nổi bật của Ngày hội năm nay là sự thể hiện vai trò của các em học sinh, sinh viên trong nhiều hoạt động như trình diễn khoa học, tổ chức các thí nghiệm tại các gian trưng bày, đứng lớp dưới sự hỗ trợ của thầy cô và thuyết trình tại hội thảo. Bên cạnh đó, sự hiện diện của các “trường làng” tại Ngày hội cũng tạo một dấu ấn đặc biệt.

Trưng bày bảng tuần hoàn của học sinh | Ảnh: Ngô Hà
Trưng bày bảng tuần hoàn của học sinh | Ảnh: Ngô Hà

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, đây là lần thứ 4 ông tham gia sự kiện này và cảm nhận “Ngày hội ngày càng đông vui”.

Chia sẻ về chủ đề của Ngày hội năm nay, Thứ trưởng nói, trong Bảng Tuần hoàn các nguyên tố hóa học, chúng ta có thể tìm thấy những cái tên gắn với tên quốc gia hay viện nghiên cứu như Polonium, Americium, Dubnium…; và ông bày tỏ hy vọng, từ những hoạt động gieo niềm đam mê nghiên cứu như Ngày hội STEM, sẽ có ngày xuất hiện một nhà khoa học khám phá ra nguyên tố mới gắn với tên Việt Nam.

Không dự lễ khai mạc nhưng ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Ủy viên Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo - với tư cách cá nhân, đã đến thăm một số lớp học mẫu theo tiếp cận STEM trong khuôn khổ Ngày hội và trò chuyện cùng những người đứng lớp, ông Đỗ Hoàng Sơn, thành viên Ban tổ chức, cho biết.

Theo Ban tổ chức, thu hút đông học sinh nhất là những lớp học lập trình robot. Đặc biệt, 3 trong số 4 lớp học lập trình robot tại Ngày hội là do các trường làng, trường huyện của Nam Định, Lào Cai, và Điện Biên tổ chức.

“Mô hình của chúng tôi tái hiện trận Điện Biên Phủ với các xe robot điều khiển từ xa,” cô Đào Thị Loan, Bí thư chi đoàn trường tiểu học Bế Văn Đàn, TP. Điện Biên, giới thiệu. Đây là kết quả mà các thầy cô ở trường tạo ra sau 2 ngày được Liên minh STEM tập huấn và dạy lại cho học sinh. “Các em rất hào hứng, em nào cũng muốn sờ vào robot và nhiều em muốn lập trình cho chúng nữa.”

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Thoa, giáo viên tin học trường tiểu học Nam Tiến, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định thì cho biết, tại trường của cô cũng có rất nhiều em muốn học lập trình robot nhưng chỉ có 40 em được chọn vào CLB STEM vì chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu. Nguyện vọng của trường là tìm được nguồn tài trợ ổn định hơn để các em ai cũng có cơ hội tham gia CLB STEM.

Đăng ký lớp lập trình cảm biến ánh sáng của Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, em Nguyễn Đặng Trường Giang, lớp 6, trường THCS Tây Sơn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết, "Đây là lần đầu tiên em được lập trình 'cool' như thế này. Hồi cấp 1 bọn em cũng học lập trình nhưng chỉ di chuyển hình vẽ trên máy thôi, còn ở đây có cả đèn bật/tắt khi em che ánh sáng đi".

Một hoạt động khác cũng thu hút nhiều học sinh, đặc biệt học sinh cấp 3, là tham quan các phòng thí nghiệm trong khuôn viên ĐH Khoa học tự nhiên. Tại đây, các em được nghe các nghiên cứu viên giới thiệu từng loại máy móc phục vụ những công việc gì; và được tự tay sờ thử, soi thử các mẫu vật.

Ở phần bài giảng đại chúng PGS. TS. Nguyễn Thị Hà - Giảng viên cao cấp hạng 1 trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giải thưởng Kovalevskaia 2018 - đã trình bày về chủ đề kiểm soát và xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng các giải pháp dựa trên cộng đồng. Bài giảng của cô không chỉ cung cấp hiểu biết về tình trạng ô nhiễm nước, không khí và rác thải nhựa ở Việt Nam mà còn chỉ ra mỗi cá nhân có thể góp phần giải quyết các vấn đề ô nhiễm như thế nào nhờ 3 chữ T: tiết giảm, tái chế và tái sử dụng.

Tiếp theo đó, trong bài giảng “Hố đen”, TS. Phạm Tuấn Anh - Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - trình bày về quá trình khám phá những bằng chứng về sự tồn tại của hố đen. Nhà khoa học trẻ cho biết, chỉ cách đây vài chục năm, không ai tin vào sự tồn tại của hố đen nhưng ngày nay, người ta đã có cơ sở để tin rằng tồn tại ít nhất một hố đen ở tâm của mỗi thiên hà. "Đáng tiếc là, có rất ít trường đại học ở Việt Nam dạy môn thiên văn và nếu có dạy, chủ yếu dạy thiên văn cổ điển chứ không phải thiên văn vật lý với những vấn đề rất nóng hiện nay," anh nói. Bài giảng của anh đã đã khiến cử tọa, phần đông là sinh viên, vô cùng thích thú và đặt nhiều câu hỏi trở lại cho diễn giả.

Kéo dài nhất - gần 4 tiếng đồng hồ - cũng là hoạt động kết thúc Ngày hội, Hội thảo "STEM tại Việt Nam: Thực trạng và triển vọng thúc đẩy hoạt động sáng tạo" được nghe báo cáo của gần một chục thầy cô đến từ những ngôi trường đang chủ động triển khai giáo dục STEM trong điều kiện chưa có ngân sách chính thức của nhà nước ở Hà Nội, Nam Định, Lào Cai, Hạ Long, Hải Phòng, Nghệ An. Hội thảo cũng thử lý giải vì sao việc triển khai giáo dục STEM ở địa phương dường như thuận lợi hơn so với ở thành phố. Một số ý kiến cho rằng, có thể do ở thành phố, học sinh và cha mẹ học sinh vẫn coi trọng việc học để lấy điểm và đi thi hơn vì vậy hoạt động giáo dục STEM, vốn còn mang nặng tính ngoại khóa, chưa trở thành ưu tiên. Hiếm có hội thảo nào về giáo dục STEM thu hút được nhiều báo cáo từ các trường ở địa phương như vậy và những báo cáo đó "giúp chúng ta nhận thấy không cần phải sợ STEM vì đó không phải cái gì khó và đắt tiền," hội thảo kết luận.

Dưới đây là một số hình ảnh về Ngày hội:

Thi điều khiển robot trên bảng tuần hoàn | Ảnh: Ngô hà
Thi điều khiển robotđi theo những nguyên tố có mặt trên Bảng Tuần hoàn| Ảnh: Ngô Hà

Biểu diễn khoa học về biến đổi giọng nói | Ảnh: Ngô Hà
Thí nghiệm Heli biến đổi giọng nói như thế nào trongScience Show do Học viện Sáng tạo S3 và sinh viên khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học tự nhiêntrình diễn| Ảnh: Ngô Hà

Thử lắp mach điện | Ảnh: Ngô HàLắp mạch điện không quá khó, những học sinh 8-9 tuổi cũng làm được | Ảnh: Ngô Hà

Thử lắp chân vịt | Ảnh: Ngô Hà
Xem hướng dẫn lắp chân vịt cho thuyền mô hình | Ảnh: Ngô Hà

Thử nhìn kính tiềm vọng của tàu ngầm | Ảnh: Ngô Hà
Khám phá kính tiềm vọng của tàu ngầm | Ảnh: Ngô Hà

Thử chơi xếp tháp | Ảnh: Ngô Hà
Chơi dịch chuyển các khối hình để tạo thành hình tháp | Ảnh: Ngô Hà

Thử làm thí nghiệm hóa học | Ảnh: Ngô Hà
Làm thí nghiệm hóa học với các dung dịch quen thuộc | Ảnh: Ngô Hà

Lập trình cảm biến ánh sáng trong lớp IoT | Ảnh: Ngô Hà
Lập trình cảm biến ánh sáng trong lớp IoT | Ảnh: Ngô Hà

Robot và mô hình trận Điện Biên Phủ của trường Bế Văn Đàn, Tỉnh Điện Biên | Ảnh: Ngô Hà
Robot và mô hình trận Điện Biên Phủ của trường Bế Văn Đàn, tỉnh Điện Biên | Ảnh: Ngô Hà

Điều khiển Robot trong lớphọc STEM do trường Nam Tiến, tỉnh Nam Định tổ chức | Ảnh: Ngô Hà
Lớp học điều khiển Robot đá bóng do trường Nam Tiến, tỉnh Nam Định tổ chức | Ảnh: Ngô Hà


LabTour tham quan Máy gia tốc của khoa Vật Lý, trường ĐH Khoc học tự nhiên, ĐHQGHN | Ảnh: Ngô Hà
Tham quan Phòng Máy gia tốc ở Khoa Vật lý | Ảnh: Ngô Hà


LabTour tham quan phòng thí nghiệm nghiên cứu môi trường, trường ĐH Khoc học tự nhiên, ĐHQGHN | Ảnh: Ngô Hà
Tham quan Phòng thí nghiệm nghiên cứu môi trường ở Khoa Môi trường | Ảnh: Ngô Hà

LabTour tham quan phòng thực hành đa dạng sinh học, trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN | Ảnh: Ngô Hà
Tham quan phòng thực hành đa dạng sinh học| Ảnh: Ngô Hà

LabTour tham quan bảo tàng địa chất, trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN | Ảnh: Ngô Hà
Tham quan Bảo tàng địa chất | Ảnh: Ngô Hà

Bài giảng "Hố đen" của TS.Phạm Anh Tuấn, VAST, thu hút được nhiều sự chú ý | Ảnh: Ngô Hà
Bài giảng "Hố đen" do TS Phạm Tuấn Anh trình bày được nhiều người chăm chú lắng nghe và đặt câu hỏi | Ảnh: Ngô Hà