Giới chức Pháp vừa cảnh báo rằng, 300 tấn chì từ phần mái và gác chuông của Nhà thờ Đức Bà Paris bị tan chảy sau vụ cháy hồi tháng trước đã khiến nồng độ chì trong đất ở khu vực quảng trường trước nhà thờ [vẫn đang đóng cửa] và một số con đường xung quanh tăng lên mức nguy hiểm.
Cụ thể, nồng độ chì trong đất đo được khoảng 10 – 20 gram/kg, cao hơn từ 32 đến 65 lần so với giới hạn an toàn 0,3 gram/kg theo khuyến cáo của Bộ Y tế Pháp.
“Quá trình phân tích các mẫu không khí sau vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris cho thấy có sự xuất hiện của bụi chì trong khu vực gần nhà thờ, nhưng người dân không có nguy cơ hít phải không khí nhiễm chì độc hại”, cảnh sát Paris cho biết.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, những người dân địa phương hay qua lại khu vực nhà thờ nên thường xuyên rửa tay. Các khu dân cư gần đó cũng được yêu cầu dùng giẻ ướt để lau nhà.
Theo Richard Wittman, nhà sử học kiến trúc tại Đại học California, Santa Barbara (Mỹ), chì là loại vật liệu dễ uốn, có độ bền cao và không bị rỉ sét nên được sử dụng phổ biến để làm mái vòm hoặc ngọn tháp trong các tòa nhà thời Trung Cổ.
Quốc Hùng (Theo CNN)