Hơn 1.000 học sinh THCS và THPT, 80% trong số đó là nữ, đã tham gia trực tiếp vào 45 dự án STEM nhằm giải quyết các vấn đề ở địa phương, dưới sự hướng dẫn của các thành viên thuộc Mạng lưới Đại sứ STEM.
Trong tháng 12/2018 và tháng 1/2019,
Mạng lưới Đại sứ STEM do Hội đồng Anh ở Việt Nam thiết lập đã tỏa về 28 trường THCS và THPT thuộc 7 thành phố/tỉnh thành để hướng dẫn cho các học sinh kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề thông qua mô hình TRIAL.
Đây là mô hình mà bản thân các Đại sứ STEM đã được tập huấn bởi 2 chuyên gia giáo dục người Anh.
Mô hình gồm 5 bước: Xác định nhiệm vụ (Task), Hồi tưởng [những kiến thức đã biết, có thể khai thác để giải quyết vấn đề] (Recall), Lên ý tưởng (Idea), Thực hiện (Apply), và Rút ra bài học (Learnt).
Trong quá trình tập huấn, các Đại sứ STEM đã sử dụng mô hình này để giải quyết một số tình huống đặt ra như: cây cầu duy nhất của làng dẫn đến chợ bị sập, phải dùng túi ni-lông kết thành lưới đánh cá để kiếm thức ăn; trồng rau sạch khi gia đình không có vườn; sử dụng các vật liệu tái chế để lọc nước khi địa phương xảy ra lũ lụt; dùng các vật liệu thông thường để làm bẫy bắt muỗi phòng sốt rét; thắp sáng tạm thời với các nguyên liệu như hoa quả, giấm, đèn LED, các tấm đồng và nhôm khi bị cắt điện…
Nhóm học sinh phân tích vấn đề sử dụng mô hình TRIAL. Ảnh: britishcouncil.vn
Ông Alessio Bernardelli, một trong hai chuyên gia giáo dục trực tiếp tập huấn cho các thành viên của Mạng lưới STEM, cho biết, khi gặp một vấn đề, học sinh thường bỏ qua 3 bước đầu mà “nhảy thẳng” vào giải quyết vấn đề, như vậy sẽ mất thời gian, nguồn lực và khả năng thất bại rất cao.
Nhưng nhiệm vụ của các Đại sứ STEM không chỉ tập trung vào hướng dẫn học sinh tìm ra giải pháp cuối cùng mà phải giúp các em biết cách mô tả các bước đã trải qua một cách chặt chẽ và thuyết phục. “Giải thích trình tự đi đến sản phẩm là điều rất quan trọng vì nó giúp học sinh nâng cao khả năng thuyết trình và các kỹ năng mềm khác,” ông Bernardelli nói.
Cũng theo ông Bernardelli, khảo sát do Dự án tiến hành cho thấy, sau khi được tập huấn, số học sinh vô cùng hứng thú với các môn học STEM đã tăng từ 45 lên 63%; số học sinh nói có khả năng lựa chọn ngành nghề STEM trong tương lai tăng từ 73 lên 80%.
Bên cạnh đó, khảo sát còn chỉ ra, trước khi tham gia Dự án, nhiều lãnh đạo nhà trường và các thầy cô “coi giáo dục STEM là hoạt động chơi nhiều hơn học và chưa đánh giá được tác động của giáo dục STEM, không nghĩ nó cho học sinh kết quả học tập cao hơn”. Nhưng sau đó, hầu hết các thầy cô đã nhận thấy giáo dục STEM làm cho quá trình học tập trở nên không chỉ hiệu quả hơn mà còn thú vị hơn, ông Bernardelli nói.
Báo cáo đánh giá Dự án cũng ghi nhận, nhiều giáo viên muốn “áp dụng mô hình TRIAL vào mọi môn học” hoặc “mở rộng mô hình TRIAL tới mọi lớp học”.
Được biết, Mạng lưới STEM gồm 80 nữ sinh nhận học bổng YouthSpark của Microsoft, 20 giáo viên từ các trường tham gia Dự án, 30 đại sứ được tuyển dụng trực tiếp. Sau khi Dự án kết thúc, đối tác BK-Holding đã tiếp quản Mạng lưới để duy trì và khai thác trong các hoạt động liên quan đến giáo dục STEM của mình.
Giáo dục STEM là một cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học, trong đó các khái niệm học thuật mang tính nguyên tắc được lồng ghép với các bài học trong thế giới thực, ở đó các học sinh áp dụng các kiến thức trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán vào trong các bối cảnh cụ thể, giúp kết nối giữa trường học, cộng đồng, nơi làm việc và các tổ chức toàn cầu, để từ đó phát triển các năng lực trong lĩnh vực STEM và có thể góp phần vào cạnh tranh trong nền kinh kế mới. (Tsupros, 2009).
|