Từ khái niệm về giáo dục STEM, tác giả Nguyễn Thành Hải (Đại học Missouri) đã giúp chúng ta thoát khỏi sự mù mờ về khái niệm và hiểu cái mà người học, người dạy và xã hội cần biết về tiếp cận giáo dục mới này.

Việc giảng dạy khoa học STEM (Science - Technology - Engineering - Mathematics) đang trở thành một yêu cầu trong giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, không như giảng dạy khoa học của ngày hôm qua, là tách bạch giữa thế giới khoa học với kỹ thuật, với giáo dục khoa học STEM hôm nay, công nghệ và toán học không thể là những môn học độc lập, đầy thử thách với học sinh; mà tất cả phải quyện vào nhau, để rồi người học sinh sẽ có một cái nhìn tổng hợp trong cuộc sống, trong nghề nghiệp, trong sáng tạo, đi từ tính logic của khoa học đến kỹ thuật, công nghệ của một sản phẩm, một kết quả cụ thể.


Khi nói về yêu cầu đưa ý thức khoa học đến với học sinh một cách tự nhiên, tác giả đã giả khéo léo đưa ra câu phát biểu của Jean Jacques Rousseau: “Ta không nên dạy trẻ nhỏ khoa học; mà hãy để trẻ nếm trải nó”. Câu nói đơn giản mà bộc lộ cả triết lý và phương pháp giảng dạy của STEM. Nguyên tắc này, còn được nhấn mạnh “Nếu trẻ không thể học theo cách ta dạy, có lẽ ta nên dạy theo cách trẻ học” (Ignacio Estrada) hay “Chơi chính là việc làm của tuổi thơ” (Jean Piaget). Nhưng dưới cái yêu cầu hồn nhiên, tự nhiên, phù hợp với tâm lý trẻ em là những yêu cầu rất chặt chẽ của phương pháp. Tác giả trình bày phải dạy cho học sinh từ tư duy phản biện đến sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề một cách khoa học, logic bằng những kiến thức tích hợp. Thậm chí, theo tác giả “học tập STEM đối với giai đoạn giáo dục sớm không phải là học sớm để biết nhiều kiến thức mà là tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm, kích thích phát triển các giác quan, cảm xúc”, điều này phù hợp với Tiêu chuẩn khoa học thế hệ tiếp theo (NGSS) ở Hoa Kỳ khi đưa giảng dạy khái niệm khoa học đơn giản vào cấp mẫu giáo.

Theo tác giả, giáo dục khoa học STEM nên đưa vào học tập sớm, nhưng không phải tập trung nhớ nhiều kiến thức mà mục đích là chuẩn bị năng lực cho những thế hệ công dân trong tương lai. Từ đó phương pháp giảng dạy được đặt trên nền tảng phù hợp với lứa tuổi nhưng được dẫn dắt để đi từ óc tò mò của trẻ đến hình thành tư duy bậc cao của con người, tư duy sáng tạo của một người trưởng thành; đây là quá trình phát triển logic và cần đến giáo dục.

Cuộc sống từ bản thân mỗi người chứng minh rằng “cảm giác hạnh phúc quan trọng hơn thành công, trí tuệ, kiến thức, các mối quan hệ, sự giàu có”. Và giáo dục, giáo dục STEM, muốn trao cho học sinh cái hạnh phúc đó, khi óc tò mò khám phá thế giới xung quanh, sự ham hiểu biết là một phẩm chất có thể nuôi dưỡng và phát triển thông qua giáo dục. Và quá trình này được tác giả trình bày trong phần “học dựa vào khám phá” bao gồm một quá trình mà người thầy và các học sinh cùng trải nghiệm: đặt câu hỏi (dựa trên óc tò mò), thực hiện khảo sát (thực tế), thu nhận kết quả (nhận xét cá nhân), thảo luận kết quả (tìm câu trả lời) và rút ra kết luận (hình thành nhận thức). Trong quá trình trưởng thành của mình, học sinh là những diễn viên chính và người thầy sẽ chỉ là người hướng dẫn, gợi mở, không là người đạo diễn. Có phải chăng theo tôi, đây là một vở kịch mà chỉ có những diễn viên chính, không có diễn viên phụ và không có cả đạo diễn. Tôi tìm được sự thích thú, đồng cảm khi cảm nhận ra ý tưởng này từ trình bày của tác giả. Không có sự tham gia, giao tiếp, tranh luận, thảo luận thì tư duy bậc cao sẽ khó phát triển, khó hình thành tư duy phản biện, một hình thức tư duy của con người. Và như thế STEM đâu chỉ là giáo dục dành cho trẻ em, mà là một yêu cầu trong giáo dục phổ thông và có thể ở bậc cao hơn nữa.

STEM, giáo dục STEM, là một hướng mới đang phát triển trong giáo dục thế giới, đặc biệt ở Hoa Kỳ. Việt Nam cũng đang phát triển sự quan tâm đến giáo dục này.

Để trình bày một vấn đề mới, từ lý luận đến thực tiễn, tác giả đã chọn cách đi từ những vấn đề của STEM đến yêu cầu đối với người thầy, qua các phương pháp giảng dạy, hình thức đánh giá, đến vai trò của gia đình và cuối cùng tác giả giới thiệu cả những biểu mẫu cụ thể để tham khảo trong nhiệm vụ giảng dạy. Với văn phong nhẹ nhàng, trong sáng, dễ hiểu, tác giả đã giới thiệu những quan điểm, những cơ sở khoa học cho giáo dục STEM một cách logic, tất cả đã đi vào người đọc một cách rất thuyết phục. Quyển sách đã cuốn hút tôi từ đầu và tôi đã đọc liền một mạch để không cắt đứt dòng cảm xúc, sự tò mò của mình. Tôi tin rằng đây là một quyển sách hay về STEM và là một quyển sách đáng đọc dành cho những người quan tâm đến giáo dục nói chung, giáo dục STEM nói riêng. Quyển sách cũng dành cho người quản lý, cho thầy cô, cho cha mẹ học sinh, cho chính những học sinh và cả cho những người khác quan tâm đến giáo dục.

TS Phan Thanh Bình,
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội,
Ủy viên Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo.