“Khi tôi yêu cầu các em học sinh vẽ về nhà khoa học theo hình dung của mình, phần lớn các em sẽ vẽ một người đàn ông đầu hói hoặc tóc tai bù xù làm việc trong phòng thí nghiệm. Và là đàn ông da trắng,” ông Alessio Bernardelli, chuyên gia giáo dục Anh quốc, người có kinh nghiệm làm việc ở 18 nước trên thế giới, kể.
Dự án Đại sứ STEM do Hội đồng Anh tại Việt Nam thực hiện từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2019 đã giới thiệu các kỹ năng STEM cho hơn 1.000 học sinh THCS và THPT (80% trong số đó là nữ) ở 28 trường học thuộc 7 tỉnh/thành phố. Ảnh:Hội đồng Anh tại Việt Nam Theo ông, “những định kiến sai lầm phổ biến như khoa học không dành cho nữ giới” đã cản trở các nữ sinh tự tin tìm hiểu và lựa chọn theo học các ngành cũng như làm các nghề liên quan đến Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học - hay STEM - sau này.
Đã cónghiên cứu chỉ ra, ở phần lớn các nước, nữ sinh học giỏi ngang hoặc giỏi hơn nam sinh ở môn khoa học thế nhưng tỷ lệ nữ giới làm việc trong các ngành STEM luôn thấp hơn hẳn so với nam giới. Ngay ở Anh, chỉ có 23% nữ giới làm việc trong các lĩnh vực STEM, riêng lĩnh vực Kỹ thuật chỉ có 14%, theo ông Stephen Lysaght, Phó Đại sứ Anh quốc tại Việt Nam. “Con số này thời gian gần đây đang tăng lên nhưng cũng không đáng kể,” ông cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Hoàng, nhà sáng lập Học viện Giáo dục STEM, nêu một thực tế, Học viện của ông tổ chức các khóa học STEM cho trẻ em từ lứa tuổi mẫu giáo đến THPT và ông quan sát thấy, tỷ lệ các em gái theo học các khóa giảm rõ rệt từ sau bậc tiểu học. “Có thể là ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học, bố mẹ để các em được tự do, thích học gì thì học. Nhưng đến THCS, bố mẹ bắt đầu tác động để định hướng tương lai cho con nên các em gái không còn được khuyến khích học STEM nữa, với định kiến rằng, xác suất cạnh tranh thành công của nữ giới trong các lĩnh vực STEM thấp,” ông Hoàng phỏng đoán.
Các em được các Đại sứ STEM hướng dẫn thực hiện các dự án thông qua mô hình giải quyết vấn đề TRIAL gồm 5 bước: Xác định nhiệm vụ (Task), Hồi tưởng [những kiến thức đã biết, có thể khai thác để giải quyết vấn đề] (Recall), Lên ý tưởng (Idea), Thực hiện (Apply), và Rút ra bài học (Learnt).Ảnh:Hội đồng Anh tại Việt Nam
Không chỉ những định kiến về giới mà cách giáo dục trong gia đình và ở nhà trường cũng góp phần làm giảm độ tự tin của các em gái đối với các môn học STEM.
Từ bé, trẻ em đã được bố mẹ mua cho những món đồ chơi riêng như bé gái được búp bê, bộ đồ nấu ăn, bộ đồ khâu vá; trong khi bé trai được ô-tô, bộ xếp hình, bộ dụng cụ sửa chữa... như một cách ngầm định về những phẩm chất và nghề nghiệp mà các em nên hướng tới khi lớn lên: con gái tỷ mỷ, làm những công việc thiên về chăm sóc; con trai mạnh mẽ, làm những công việc thiên về sáng tạo. Bản thân các thầy cô cũng là những người bố, người mẹ, và họ lại mang theo các định kiến đó đến trường học. Ở trường, khi cần hỗ trợ trong các thí nghiệm khoa học thì các học sinh nam sẽ được gọi nhiều hơn, từ đó các em gái tự ti rằng mình không giỏi bằng các bạn trai trong các môn STEM - ông Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, nhận xét.
Theo ông Vinh, ở Việt Nam, nội dung trong bộ sách giáo khoa đang được lưu hành cũng góp phần tô đậm thêm các định kiến sai lầm đó. Ông dẫn ra khảo sát do Viện của ông phối hợp với UNESCO tiến hành cho thấy minh họa trong sách giáo khoa thường miêu tả công việc đặc thù theo giới, chẳng hạn bố sửa chữa quạt trong khi mẹ nấu cơm và con gái giúp mẹ nhặt rau. “Trong 45 cuốn sách giáo khoa các cấp được rà soát, 66 nhà khoa học được đề cập đến đều là nam giới,” ông Vinh cho biết thêm.
Một khảo sát khác với 6.000 nữ sinh do Microsoft thực hiện chỉ ra việc thiếu hình tượng [nhà khoa học, nhà nghiên cứu nữ] cũng chính là nguyên nhân hàng đầu trong số 5 nguyên nhân khiến nữ sinh mất dần hứng thú với các môn học STEM – bà Lê Hồng Nhi, Quản lý Chương trình Hỗ trợ cộng đồng Khu vực Đông Nam Á, Microsoft, nói. Bên cạnh đó, theo khảo sát này, còn có nguyên nhân thiếu sự khuyến khích của bố mẹ và thầy cô.
Các dự án STEM được hướng dẫn bởi các Đại sứ STEM thường hướng đến giải quyết các vấn đề tại địa phương như lọc nước, làm sạch môi trường, tận dụng vật liệu tái chế...Ảnh:Hội đồng Anh tại Việt Nam
Ông Bernardelli cho rằng, “Việt Nam có một lực lượng nữ giới vô cùng sáng tạo, tài năng, rất đáng trân trọng và cần được khai thác cho tương lai” và khẳng định, “ở Việt Nam, tôi đã gặp những em học sinh nữ sáng tạo nhất trong số 18 nước tôi từng đến và tôi nói điều này không phải vì tôi đang ở Việt Nam.”
Để các em gái không đánh mất cơ hội của mình trong các lĩnh vực STEM, các chuyên gia giáo dục nêu trên đề xuất một số việc cần làm như:
- Giới thiệu giáo dục STEM đến các em càng sớm càng tốt vì khi đó sự tiếp nhận diễn ra dễ dàng và không bị cản trở bởi các định kiến.
- Điều chỉnh nội dung SGK theo hướng bảo đảm cân bằng giới từ nội dung đến hình ảnh. Trong sách giáo khoa và cả trong giờ học “nên tránh những cách nói như ‘bạn ấy là nữ nhưng học giỏi toán’, tưởng là lời khen nhưng thực ra lại biến việc học sinh nữ giỏi toán thành chuyện bất bình thường”.
- Cần tổ chức các cuộc thi STEM riêng cho nữ giới để các em tự tin tham gia mà không phải băn khoăn liệu đây có phải là cuộc thi dành cho mình hay không.
- Đa dạng hóa nội dung giáo dục STEM, không chỉ gắn với các chủ đề thiết bị, máy móc, robot mà mở rộng sang các chủ đề thủ công, mỹ phẩm, thời trang, môi trường,… là những chủ đề dễ thu hút sự quan tâm của các em gái.
- Tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức về giới cho cả học sinh, cha mẹ và thầy cô, đặc biệt là thầy cô vì “học sinh thích nghi tốt lắm, dạy gì các em cũng học được, quan trọng là dạy như thế nào thôi”.
Các chuyên gia tin tưởng rằng, cho các em sự tự do lựa chọn và một nền tảng kỹ năng vững chắc chính là cách để bảo đảm, bất kỳ học sinh nào, dù là nam hay nữ, đều có cơ hội như nhau trong việc theo đuổi đam mê và phát huy năng lực của bản thân trong các môn học STEM.
.