Phú Thọ vừa khởi động một chương trình đào tạo cố vấn/huấn luyện viên phục vụ hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương cũng như các tỉnh lân cận.
Từ khi đề án 844 được phê duyệt, cùng với việc Thủ tướng đưa ra thông điệp “Chính phủ kiến tạo - Quốc gia khởi nghiệp”, tính đến tháng 3/2019, đã có 40 tỉnh, thành phố trên cả nước có kế hoạch triển khai xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, trong đó có một số mô hình đã lan tỏa ra nhiều nơi.
Theo TS. Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN - Bộ KH&CN, tại hội thảo về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh Phú Thọ ngày 12/7 vừa qua, thì những động thái tích cực đó cần được củng cố mạnh hơn, quan trọng nhất là việc thực sự thay đổi tư duy của địa phương.
Ông nhấn mạnh, khởi nghiệp ĐMST khác hoàn toàn với khởi nghiệp truyền thống. Trước đây nhà này nuôi bò có thể dạy nhà kia nuôi bò, nhưng giờ đây khởi nghiệp ĐMST người sau phải hơn người trước và cạnh tranh trực tiếp với những người trước.
“Điều quan trong nhất chính là sự sáng tạo, rộng hơn là ĐMST. Chúng ta khởi nghiệp từ lâu rồi, nhưng giờ khởi nghiệp ĐMST thì phải gắn với những thứ mới, gắn với cách làm mới, mô hình mới.” TS. Phạm Hồng Quất khẳng định. “Để làm được điều đó, khó nhất là địa phương phải thay đổi tư duy. Chừng nào chúng ta vẫn có tư duy truyền thống, ngại thay đổi, ngại rủi ro, ngại thất bại, không muốn chấp nhận sự khác biệt thì chừng đó những cá nhân, sản phẩm khác biệt chưa thể có mảnh đất để phát triển, do đó ĐMST chưa thể cất cánh.”
TS. Phạm Hồng Quất cho rằng Phú Thọ là một địa phương “cá tính” trong việc triển khai hệ sinh thái khi mà nhiều tỉnh thành còn đang chần chừ và đã có những bước chuyển mình nhận thấy được.
Theo kế hoạch năm 2019-2020, Trung tâm Ứng dụng và Thông tin KH&CN (Sở KH&CN Phú Thọ) đã tiếp nhận và sẽ triển khai 2 nhiệm vụ của Đề án 844 về truyền thông hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST và nâng cao năng lực và hỗ trợ hoạt động của mạng lưới huấn luyện viên/cố vấn khởi nghiệp ĐMST. Hai nhiệm vụ này dự kiến có sức bao trùm lên khu vực trung du và miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang và Phú Thọ.
Tại hội thảo ngày 12/7, 21 người được tham gia tập huấn để trở thành các cố vấn/huấn luyện viên trong hệ sinh thái của tỉnh Phú Thọ đã ra mắt cử tọa. Đến từ nhiều thành phần như doanh nghiệp, trường đại học, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, trung tâm dịch vụ việc làm, trung tâm ứng dụng và thông tin KH&CN,… những cá nhân này sẽ tham gia đào tạo chuyên sâu, tham quan thực tế các hệ sinh thái tại một số địa phương trong tháng 8/2019. Các thành viên sẽ được cấp chứng chỉ sau khóa học. Chương trình đào tạo được phối hợp giữa Công ty CP Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn và Sở KHCN Phú Thọ.
“Các cố vấn (mentor) sẽ là những người sát sườn, đi theo hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong dài hạn. Khởi nghiệp ĐMST rất cần trí tuệ, bạn trẻ nào càng tranh thủ được nhiều trí tuệ của các chuyên gia thì sẽ càng thành công”, ông Lý Đình Quân - Giám đốc công ty CP Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn – và là người sẽ trực tiếp tham gia đào tạo các mentor, nhấn mạnh.
Trên thực tế, không ít doanh nhân thành công có thể chia sẻ nhiều bài học, nhưng đôi lúc vì hạn chế thời gian, khó có thể chuyên sâu hoặc do xu hướng áp đặt kinh nghiệm cá nhân, nên không phải lúc nào việc gặp gỡ, trao đổi với các startup cũng hiệu quả. “Bởi vậy chúng tôi khuyến khích việc chuyển giao tri thức thông qua những chuyên gia ĐMST, là những người đã được đào tạo bài bản, có tư duy tích cực và hiểu được văn hóa ĐMST (như tôn trọng, chia sẻ, bảo mật, đánh giá…)”, ông Lý Đình Quân nói.
Những cố vấn/huấn luyện viên này được kì vọng sẽ có vai trò lan tỏa rộng hơn tinh thần khởi nghiệp trước hết ở cơ sở của họ, sau đó sẽ hoạt động ở các tỉnh phía Bắc và hình thành mạng lưới hỗ trợ tại đây.
Trao đổi với phóng viên báo Khoa học và Phát triển, một số thành viên sẽ tham gia khóa đào tạo cố vấn/huấn luyện viên của hệ sinh thái chia sẻ những suy nghĩ của mình
“Tôi tham gia vì chính bản thân doanh nghiệp mình cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động và hi vọng thông qua những lớp học như thế này có thể học hỏi được từ các thầy huấn luyện viên. Khi có được kiến thức, chúng tôi sẽ hướng lại cho đàn em về sau để họ có thể làm chuẩn chỉnh hơn,” anh Trương Văn Thiết, Giám đốc công ty cổ phần công nghệ số Bắc Việt, bày tỏ.
Một đại diện từ Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Phú Thọ cho biết, mặc dù được chọn vào chương trình nhưng bà chưa có mấy nhận thức về ĐMST, “tuy nhiên tôi vẫn sẽ tham gia. Rất có thể lần này sẽ mở mang điều gì có ích”.
Chị Trần Bích Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Thông tin KH&CN Phú Thọ, và cũng là một thành viên sẽ được đào tạo trở thành cố vấn, chia sẻ: “Với tư cách là một người thuộc khu vực quản lý nhà nước, chúng tôi cũng cần học hỏi nhiều hơn về từng thành tố và hoạt động của nó trong hệ sinh thái. Tôi đang tham gia một loạt khóa đào tạo chuyên sâu để có đủ kiến thức, kỹ năng và mạng lưới để có thể góp phần hỗ trợ cho các bạn khởi nghiệp."
Phú Thọ dường như là một điểm khởi đầu tiềm năng. Ông Lý Đình Quân nhận xét rằng nơi đây có đủ điều kiện thực hiện ĐMST và hệ sinh thái của Phú Thọ, mặc dù chưa phát triển mạnh được như một số thành phố lớn, nhưng đã trong giai đoạn kết nối các nguồn lực và có khả năng lan tỏa.
Tháng 11/2019 sắp tới, Phú Thọ được chọn là nơi tổ chức Impact Techfest vùng trung du và miền núi phía Bắc.